Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại Phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 6 với các địa phương. Ảnh: TRẦN HẢI
Cùng dự, có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần khắc phục sớm những bất cập, hạn chế; cải cách mạnh mẽ hơn, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo điều kiện phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và người dân. Cần phân cấp mạnh mẽ hơn, giao quyền cho cấp dưới chịu trách nhiệm, nhất là các dự án đầu tư; xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực, nhất là hình thức hợp tác đối tác công – tư (PPP); tiếp tục quan tâm người dân và doanh nghiệp (DN), nhất là tiếp tục giảm chi phí cho DN, tháo gỡ mạnh mẽ cho sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; lắng nghe và xử lý kiến nghị của người dân và DN. Thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để đạt kế hoạch đề ra. Tiếp tục giữ kỷ cương, kỷ luật của hệ thống hành chính. Xử lý nghiêm các vi phạm như nạn khai thác trái phép cát, phá rừng, đóng tàu vỏ thép kém chất lượng. Tiếp tục chống tham nhũng, tiêu cực, hiện tượng phô trương hình thức ở một số bộ, ngành, địa phương, một số cán bộ tham nhũng, tiêu cực làm ảnh hưởng hệ thống chính quyền.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, để đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 6,7% thì sáu tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng 7,4%, đây là con số rất cao và nhiệm vụ hết sức nặng nề. Do đó, chúng ta không thể chủ quan và nếu không quyết liệt chỉ đạo điều hành thì khó đạt con số này. Trong phát triển cần chú ý các vùng miền, nhất là các vùng khó khăn, thiên tai… đồng thời tập trung tháo gỡ, thúc đẩy, phát triển các vùng trọng điểm, thành phố lớn, khu công nghiệp để đóng góp vào tăng trưởng. Cùng với giải quyết các thách thức về nợ công, xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương… Các bộ, ngành, địa phương cần thúc đẩy công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo… trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng. Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế tốt hơn nữa, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ, Bộ Tư pháp tập trung chương trình xây dựng pháp luật, khẩn trương hoàn thiện các văn bản chi tiết, trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN, thông thoáng về thủ tục, giảm phiền hà. Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị T.Ư 5 khóa XII vừa ban hành ba nghị quyết quan trọng về kinh tế, do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đề ra các chương trình hành động để thực hiện các nghị quyết. Các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai, tạo nhận thức trong hoạt động để triển khai tốt các nghị quyết này.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ mạnh mẽ cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng bộ, ngành, đơn vị mình. Nhấn mạnh “nút thắt” của tăng trưởng nằm ở lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư xây dựng, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ mạnh mẽ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần tạo mọi điều kiện cho các DN tiếp cận vốn tín dụng, nhất là DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp, DN phát triển hạ tầng… Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án.
Thủ tướng đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc kiểm tra, các bộ tổng hợp, báo cáo về tình hình tăng trưởng tại phiên họp Chính phủ. NHNN bên cạnh chỉ đạo tăng trưởng tín dụng, cần hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, bảo đảm ổn định hệ thống; không để xảy ra tình trạng thao túng, sở hữu chéo; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, vi phạm; phấn đấu bảo đảm tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho vay. Phối hợp chính sách tiền tệ – tài khóa đồng bộ, linh hoạt, chặt chẽ để phục vụ tăng trưởng. Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước về chi tiêu ngân sách; theo dõi tình hình kế hoạch tài chính, đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước, thúc đẩy thực hành tiết kiệm chống lãng phí; rà soát lại phí, lệ phí, nhất là chi phí vận tải; cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan mạnh mẽ hơn nữa. Bộ Công thương tập trung chỉ đạo phát triển thị trường trong nước; phát triển xuất khẩu, tạo cân bằng thương mại. Trong đó, phát triển thị trường bán lẻ, không để rơi vào tay nước ngoài; đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm nay phải phấn đấu chỉ tiêu đầu tư xã hội chiếm 35% GDP; phát triển thị trường chứng khoán. Các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là bán vốn, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Bộ Công thương tiếp tục xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ của ngành. Thủ tướng đề nghị cần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ hơn ở các địa phương, nhất là trong giới trẻ. Sớm ra Nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Các ngành Thuế, Hải quan cần thực hiện liên thông để giảm thời gian cho người dân và DN. Tiếp tục chống thất thu, nhất là các hộ kinh doanh lớn, hộ khoán; nghiên cứu các chế độ kế toán đơn giản cho DN nhỏ. Nghiên cứu nâng hộ kinh doanh thành DN nhỏ.
Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước ở các DN, qua đó thiết thực đóng góp vào tăng trưởng. Các bộ, ngành chức năng như Bộ Khoa học và Công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở khu vực tư nhân, DN vừa và nhỏ. Thúc đẩy tăng trưởng ở các ngành, các vùng chủ yếu, trong đó có nhiều lĩnh vực cần quan tâm như khởi công một số công trình, dự án mà đủ khả năng vốn.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; chấn chỉnh công tác quản lý lễ hội. Bộ Ngoại giao đẩy mạnh công khai thủ tục visa điện tử trên các trang mạng Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Các cấp, các ngành cần thực hiện mạnh mẽ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ Xây dựng tính toán các cơ chế chính sách để phát triển các phân khúc thị trường bất động sản, nhất là phát triển nhà ở xã hội; tập trung phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp. Đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là TP Hồ Chí Minh với đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội với đồng bằng Bắc Bộ. Đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án lớn như sân bay quốc tế Long Thành.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng vấn đề phòng, chống thiên tai, bão lũ; chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ đồng bộ, thiết thực trong xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, vùng sâu vùng xa, hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng dạy nghề, gắn cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất; hạn chế tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đuối nước; điều tra, xử lý nghiêm tình trạng bạo lực trong bệnh viện; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong BHYT…
Theo Nhandan.com.vn