Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù có nhiều lần thay đổi về tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, thẩm quyền, nhưng đến nay, Cơ quan điều tra ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) đã được đổi mới về cả chất và lượng. Tổ chức bộ máy từng bước được kiện toàn, với đội ngũ cán bộ, Điều tra viên có phẩm chất tốt, có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm trong hoạt động điều tra, đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Việc tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Cơ quan điều tra ngành KSND qua quá trình 55 năm hình thành và phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng cho việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới tổ chức và hoạt động Cơ quan điều tra ngành KSND trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào, yêu ngành, yêu nghề cho toàn thể cán bộ, Điều tra viên Cơ quan điều tra ngành KSND.
1. Giai đoạn trước khi thành lập Viện kiểm sát nhân dân – từ năm 1945 đến năm 1959
Sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã hình thành hệ thống các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan Công tố, là tiền thân của Viện kiểm sát (VKS) ngày nay. Cơ quan công tố (Công tố viện) thời kỳ này được tổ chức trong hệ thống Tòa án.
Thẩm quyền điều tra của Công tố viện được thể hiện trong các Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 về “Cách tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”; Sắc lệnh số 42/SL ngày 03/4/1946; Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946 về “Thẩm quyền của các Tòa án và sự phân công giữa các nhân viên” và Sắc lệnh số 131/SL ngày 20/7/1946 về tổ chức Tư pháp Công an thì các hoạt động điều tra được phân công cụ thể hơn. Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa I (họp từ 16/4 đến 29/4/1958) đã quyết định hệ thống Tòa án và hệ thống Công tố tách khỏi Bộ Tư pháp và trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 256/TTg ngày 01/7/1959 quy định về nhiệm vụ và tổ chức của Viện công tố. Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 256/TTg thì trong các hoạt động của Viện công tố có hoạt động điều tra vụ án hình sự.
Giai đoạn này, hoạt động tư pháp của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa xuất hiện ngay từ khi nước ta giành được độc lập (1945). Mặc dù mới được thành lập nhưng đã hình thành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và do nhiều cơ quan thực hiện. Trong đó, điều tra gắn liền với công tố, điều tra phục vụ cho hoạt động công tố đã được thể hiện một cách rõ ràng. Cơ quan Công tố ban đầu nằm trong hệ thống Tòa án, nhưng sau đó đã tách ra thành một hệ thống cơ quan độc lập; có vị trí, vai trò quan trọng trong tố tụng hình sự và bộ máy Nhà nước ta.
2. Giai đoạn 1960 – 1988 (trước khi ban hành BLTTHS năm 1988)
Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 20/L-CTN công bố Luật Tổ chức VKSND, đây là văn bản đánh dấu sự ra đời của hệ thống VKSND trong bộ máy Nhà nước ta. Ngày 16/4/1962, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh quy định về tổ chức của VKSND tối cao và ngày 18/4/1962 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 12/L-CTN công bố Pháp lệnh. Điều 5 của Pháp lệnh này quy định về bộ máy của VKSND tối cao có 8 đơn vị, trong đó có Vụ điều tra thẩm cứu (trên thực tế thì tại thời điểm này mới thành lập Phòng điều tra thẩm cứu; đến năm 1978, Vụ Điều tra thẩm cứu chính thức được thành lập ở VKSND tối cao trên cơ sở Phòng Điều tra thẩm cứu), quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh này đã đánh dấu cho sự hình thành tổ chức Cơ quan điều tra (CQĐT) trong VKSND.
Theo quy định tại Điều 3 và Điều 5 Luật Tổ chức VKSND năm 1960 thì VKS các cấp có thẩm quyền điều tra các vụ phạm pháp về hình sự. Thông tư liên bộ số 427/TTLB ngày 25/6/1963 của VKSND tối cao và Bộ Công an hướng dẫn cụ thể: “Viện kiểm sát sẽ trực tiếp điều tra một số loại phạm pháp về kinh tế và trị an xã hội mà kẻ phạm pháp và hành vi vi phạm đó tương đối rõ”.
Đến Luật Tổ chức VKSND năm 1981, thẩm quyền điều tra của VKSND đã được quy định rõ ràng hơn. Luật Tổ chức VKSND năm 1981 quy định: “…Trong trường hợp do pháp luật quy định thì Viện kiểm sát nhân dân trực tiếp tiến hành điều tra”. Thông tư liên bộ số 01/TTLB ngày 23/01/1984 giữa VKSND tối cao và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về quan hệ giữa hai ngành Kiểm sát và Công an trong công tác điều tra và kiểm sát điều tra, quy định “Viện kiểm sát trực tiếp điều tra các vụ án do Viện trưởng VKS cấp trên giao và các vụ án Viện trưởng VKS thấy cần thiết phải trực tiếp điều tra”. Với quy định này, VKS trực tiếp tiến hành điều tra trong các trường hợp: Do yêu cầu chính trị và cấp ủy giao hoặc khi xét thấy các vụ án do cơ quan Công an điều tra không được khách quan, toàn diện, cán bộ điều tra vi phạm pháp luật tới mức nếu để họ tiếp tục điều tra sẽ dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm và dư luận xã hội không đồng tình.
Đến năm 1984, Viện trưởng VKSND tối cao ra quyết định thành lập 4 Phòng Điều tra thẩm cứu ở các VKSND thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Nam – Đà Nẵng. Vụ Điều tra thẩm cứu của VKSND tối cao vẫn trực tiếp tiến hành điều tra các vụ án theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật Tổ chức VKSND năm 1981 và Thông tư liên bộ số 01 ngày 23/01/1984. Riêng với VKS các cấp cũng đã tiến hành các hoạt động điều tra khi cần thiết với hình thức tổ chức là thành lập một tổ điều tra khi thấy cần thiết và người thực hiện điều tra là các cán bộ, Kiểm sát viên của Phòng kiểm sát điều tra kiêm nhiệm thực hiện.
Có thể nói, giai đoạn 1960 – 1988 đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử tố tụng hình sự, bằng việc Hiến pháp, pháp luật quy định Viện kiểm sát nhân dân thực hiện các chức năng, nhiệm vụ cụ thể, trong đó có hoạt động điều tra và đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ điều tra (Vụ Điều tra thẩm cứu).
Hoạt động điều tra của Viện kiểm sát có tính độc lập tương đối so với công tác kiểm sát, nhưng thực chất cũng là nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm sát, đồng thời tạo thế chủ động cho ngành Kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh làm oan cho người vô tội…
Hoạt động điều tra của Viện kiểm sát là một công tác nhằm thực hiện chức năng thực hành quyền công tố nhà nước, tuy nhiên, trong giai đoạn này có lúc, có nơi lại không được đánh giá đúng tầm quan trọng của hoạt động này. Vì thế, mặc dù Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 18/4/1962 quy định trong tổ chức bộ máy VKSND tối cao có Vụ Điều tra thẩm cứu, nhưng nhiều năm sau mới chính thức được thành lập; với số lượng cán bộ điều tra còn hạn chế (10 cán bộ điều tra), lại phải thực hiện nhiệm vụ điều tra trong cả nước cho nên khó đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ công tác đặt ra.
3. Giai đoạn 1988 – 2003 theo quy định của BLTTHS năm 1988 và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 1989
Sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) đầu tiên của nước ta ban hành vào năm 1988, ngày 04/4/1989, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, các văn bản này đã quy định rõ CQĐT của VKSND là một trong hệ thống các CQĐT chuyên trách. Về tổ chức bộ máy, giai đoạn này, Cơ quan điều tra VKSND được tổ chức ở hai cấp: VKSND tối cao có Cục điều tra; ở VKSND cấp tỉnh có Phòng điều tra, nhưng chỉ thành lập 36 Phòng điều tra của 36 tỉnh, thành.
Theo khoản 3 Điều 92 BLTTHS năm 1988 và Điều 18 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 1989 quy định về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND như sau:
Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân điều tra trong những trường hợp sau đây, khi Viện trưởng xét thấy cần thiết:
a) Khi phát hiện việc điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng;
b) Khi tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật, phát hiện những vụ phạm tội rõ ràng, không cần thiết phải chuyển cho Cơ quan điều tra khác;
c) Khi phát hiện tội phạm trong hoạt động tư pháp;
Viện trưởng VKSND tối cao có thể giao cho Cơ quan điều tra của VKSND điều tra trong những trường hợp khác.
Đến năm 2000, chức năng, nhiệm vụ của VKSND có sự thay đổi một cách cơ bản nên thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND cũng có sự thay đổi. Theo tinh thần tại Thông báo số 136/TB-TW ngày 25/01/1996 của Bộ Chính trị đánh giá và định hướng cải cách tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 01/2000/CT ngày 10/01/2000 về công tác kiểm sát của ngành KSND năm 2000, trong đó về công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND đã nêu rõ: Thực hiện đổi mới Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân theo hướng tăng cường tổ chức và hoạt động của Cục điều tra thuộc VKSND tối cao, chỉ để lại Phòng điều tra Viện kiểm sát cấp tỉnh ở những nơi xét thấy thật cần thiết. Cơ quan điều tra của VKSND chỉ tập trung vào việc điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ của các cơ quan tư pháp.
Với sự ra đời của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và các văn bản pháp luật khác, Cơ quan điều tra VKSND đã trở thành hệ thống Cơ quan điều tra chuyên trách, độc lập trong hoạt động tố tụng. Hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND thời kỳ này đã góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND và nâng cao uy tín của ngành KSND, được dư luận đồng tình, ủng hộ; góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bên cạnh đó, chất lượng công tác điều tra còn thấp, có nơi còn biểu hiện né tránh, thiếu kiên quyết, “đùn đẩy”, nên một số trường hợp tội phạm xảy ra nhưng không được khởi tố điều tra hoặc đã khởi tố điều tra nhưng việc xử lý lại thiếu nghiêm minh. Việc chấp hành Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, hướng dẫn nghiệp vụ của Cục Điều tra về công tác điều tra có khi còn chưa đầy đủ…
Nguyên nhân khác là lực lượng điều tra còn quá mỏng, dàn trải; trình độ nghiệp vụ của Điều tra viên còn thấp, chưa qua đào tạo cơ bản, có hệ thống, chưa có lực lượng điều tra khác hỗ trợ; kinh phí và phương tiện cho hoạt động điều tra còn thiếu thốn. Phương tiện tối thiểu cho hoạt động điều tra còn hạn chế; các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động điều tra như: Việc lập căn cước can phạm, trại giam chưa có. Những thiếu thốn này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động điều tra. Đây có thể coi như một trong những bài học kinh nghiệm cần nghiên cứu để thực hiện tốt hơn sau này.
Theo Tạp chí Kiểm Sát