Những vấn đề cần chú ý trong hoạt động kiểm sát xét xử các vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên

1. Khái niệm về người chưa thành niên:

Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có khả năng nhận thức, kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình. Do đó, người chưa thành niên dễ bị chi phối bởi tác động bên ngoài và thực hiện các hành vi thiếu suy nghĩ chín chắn. Từ đặc điểm về lứa tuổi, các đặc thù nêu trên của người chưa thành niên nên pháp luật hình sự Việt Nam đã có những quy định phù hợp để bảo vệ, giáo dục, phòng ngừa các hành vi xâm phạm trẻ em hoặc xử lý đối với trẻ em vi phạm pháp luật.

Bộ luật Tố tụng hình sự dành hẳn chương XXXII để quy định thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; các ngành hữu quan Trung ương cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2011TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/07/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên.

Từ những quy định của pháp luật, có thể đưa ra một số nhận xét sau:

Một là, đối với những người dưới 18 tuổi đều được coi là người chưa thành niên khi họ tham gia tố tụng tại Tòa án.

Hai là, những người chưa thành niên cũng được phân chia thành các độ tuổi khác nhau và từ sự phân chia này có thể xác định được tư cách tham gia tố tụng tại Tòa án, xác định được tội danh, xác định được có phải chịu TNHS hay không.

Ba là, trừ người chưa thành niên từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đã tham gia lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình thì những người chưa thành niên khác khi tham gia tố tụng đều có người đại diện hợp pháp theo pháp luật hoặc người giám hộ.

Lưu ý: Người chưa thành niên khác với trẻ em. Nếu người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi thì trẻ em là người chưa đủ 16 tuổi.

Như vậy, có thể đưa ra khái niệm về người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Họ có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp theo pháp luật hoặc người giám hộ để tham gia tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng. Người chưa thành niên tham gia tố tụng thường với tư cách: bị can, bị cáo, người bị hại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng. Tùy theo tư cách tham gia tố tụng mà họ có các quyền, nghĩa vụ tương ứng theo quy định của pháp luật.

2. Hoạt động kiểm sát xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên

a, Kiểm sát việc giải quyết vụ án và chuẩn bị tham gia xét xử.

Trong quá trình thụ lý, kiểm sát giải quyết vụ án, Kiểm sát viên phải kiểm tra xem bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo có yêu cầu Luật sư không; người bị hại có mời người bào chữa hay không. Trong trường hợp bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo chưa thành niên không mời nhưng có yêu cầu Luật sư bào chữa thì phải yêu cầu Đoàn Luật sư phân công Văn phòng Luật sư cử Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo.

Kiểm sát viên phải xử lý các tình huống mà bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 56 BLTTHS để chấp nhận hoặc không chấp nhận. Nếu chấp nhận thì yêu cầu Đoàn Luật sư cử người khác, nếu không chấp nhận thì thông báo bằng văn bản cho người có yêu cầu thay đổi biết.

Đối với Hội đồng xét xử vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên cần phải chú ý thành phần của Hội đồng xét xử, phải có Hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Điều 307 BLTTHS). Theo quy định tại Điều 16 Thông tư liên tịch số 01/2011 thì ngay cả các vụ án có người bị hại là người chưa thành niên thì Tòa án cần phải tạo điều kiện để thành phần Hội đồng xét xử có Hội thẩm nhân dân đã là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên như trong trường hợp xét xử vụ án có bị cáo là người chưa thành niên.

Quá trình giải quyết vụ án cần chú ý việc triệu tập những người tham gia tố tụng khác là người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ. Nếu xét thấy cần thiết, để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của dư luận xã hội đối với người chưa thành niên là bị cáo hoặc là người bị hại, đồng thời để tạo điều kiện cho người chưa thành niên bình tĩnh, khai báo khách quan, trung thực thì Tòa án có thể quyết định xử kín. Việc quyết định xử kín phải được nêu trong quyết định đưa vụ án ra xét xử.

b, Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa:

– Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, khi Chủ tọa kiểm tra căn cước của bị cáo, người bị hại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan là người chưa thành niên, Kiểm sát viên cần hết sức chú ý đến việc xác định ngày, tháng, năm sinh của họ. Trường hợp có việc không thống nhất về xác định tuổi của những người tham gia tố tụng này thì phải đề nghị hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung theo hướng dẫn tại điểm k Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010…

– Trong phần xét hỏi:

Ngoài việc tuân thủ các quy định của BLTTHS về việc xét hỏi, trong vụ án có người chưa thành niên tham gia tố tụng, Kiểm sát viên cần chú ý một số vấn đề sau đây:

+ Việc đặt câu hỏi đối với người chưa thành niên phải ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản và rất từ tốn, không được tỏ thái độ gay gắt, nhằm giúp cho người chưa thành niên hiểu, bình tĩnh trả lời đúng câu hỏi một cách khách quan. Nếu thấy họ chưa hiểu câu hỏi thì cần nhắc lại và có thể giải thích câu hỏi cho rõ hơn.

+ Trường hợp bị cáo do quá sợ hãi, không trả lời được câu hỏi hoặc mất bình tĩnh không trình bày được thì có thể động viên, giúp bị cáo trấn tĩnh (đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo ngồi xuống hoặc cách ly người lớn…), cũng có thể chuyển sang xét hỏi bị cáo khác, hỏi người bị hại… để bị cáo trấn tĩnh.

+ Việc hỏi đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức là rất cần thiết nhằm xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội, động cơ, mục đích, hoàn cảnh phạm tội, từ đó có thể định hướng về biện pháp xử lý hình sự đối với bị cáo là người chưa thành niên.

– Đối với người tham gia tố tụng là người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên, đặc biệt là trong các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em, mua bán trẻ em thì Tòa án có thể quyết định xử kín và hạn chế tối đa việc để họ phải đối mặt với bị cáo, người nhà bị cáo tại phiên tòa. Hội đồng xét xử có thể cho phép họ đứng sau màn chắn hoặc tại một phòng khác thông qua kết nối hệ thống camera (Điều 16 Thông tư liên tịch số 01/2011).

– Trong phần tranh luận:

Ngoài bài bào chữa của người bào chữa thì đại diện hợp pháp của bị cáo, người bị hại chưa thành niên, người giám hộ của người có quyền, nghĩa vụ liên quan là người chưa thành niên, đại diện gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội cũng có quyền tham gia tranh luận tại phiên tòa. Nếu người đại diện hợp pháp của những người tham gia tố tụng là người chưa thành niên tham gia phiên tòa và thực hiện việc bào chữa và nếu không có yêu cầu Luật sư thì họ được bào chữa, tranh luận.

– Nghị án và tuyên án:

Việc nghị án và tuyên án của Hội đồng xét xử phải tuân thủ đúng quy định của BLTTHS. Các vấn đề cần quan tâm đặc biệt là:

+ Bị cáo phạm tội khi bao nhiêu tuổi và theo quy định của pháp luật về độ tuổi chịu TNHS thì bị cáo có phải chịu TNHS không?

+ Bị cáo có tội không? Tội phạm quy định tại điểm, khoản, Điều nào của BLHS?

+ Bị cáo có đủ điều kiện để miễn TNHS theo khoản 2 Điều 69 BLHS không?

+ Có cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với bị cáo không? Có điều kiện để áp dụng các biện pháp tư pháp theo quy định tại Điều 70 BLHS không?

+ Khi cần thiết phải áp dụng hình phạt thì cần chú ý việc lựa chọn hình phạt. Nếu phải áp dụng hình phạt tù thì phải chú ý đến quy định về mức phạt tù tối đa đối với người chưa thành niên và cách tính mức hình phạt đối với người chưa thành niên theo hướng dẫn tại Điều 11 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/05/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của BLHS.

+ Không xử phạt tù chung thân, tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.

+ Không áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội ở độ tuổi từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

+ Không áp dụng hình phạt bổ sung với người chưa thành niên phạm tội.

+ Không coi các bản án đã tuyên đối với người phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

+ Khi áp dụng mức phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn thì người chưa thành niên được hưởng mức nhẹ hơn mức áp dụng với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

+ Việc tổng hợp hình phạt phải tuân thủ quy định của BLHS.

+ Chú ý cân nhắc để có thể áp dụng việc miễn hình phạt, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với những trường hợp có thể áp dụng…

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, hoạt động kiểm sát xét xử đối với những vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên, dù là họ tham gia tố tụng với tư cách nào cũng luôn là vấn đề rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện các thủ tục đặc biệt mà pháp luật đã quy định, mà còn cả những vấn đề về nội dung của vụ án. Các thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, đối với những trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội là người chưa thành niên nhưng đến khi vụ án bị phát hiện người đó đã trưởng thành (trên 18 tuổi) thì các cơ quan tiến hành tố tụng không cần phải áp dụng các quy định của pháp luật về người chưa thành niên với họ.

Phạm Thị Thu Hà, VKS tỉnh (P7)

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái sơ kết 3 năm thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị
Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng BOT
Ban nữ công Công đoàn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017
Một số kết quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính quý I/2017
Hội cựu chiến binh Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức Đại hội khóa IV, nhiệm kỳ 2017 – 2022
Hộp thư bạn đọc và cộng tác viên tháng 02 năm 2017
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và Hội nghị cán bộ công chức năm 2017
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác kiểm sát quý I năm 2017
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước
Đại hội Chi đoàn VKSND tỉnh Yên Bái khóa XI nhiệm kỳ 2017 – 2019