Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ I-vo Bi-sốp-béc-gơ. Ảnh: ĐĂNG ANH
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Nhà nước (Thượng viện) Liên bang Thụy Sĩ, do Chủ tịch Hội đồng I-vo Bi-sốp-béc-gơ đã đến Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam. Sáng 29-3, Lễ đón Đoàn được tổ chức trọng thể tại Nhà QH, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đón, hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ I-vo Bi-sốp-béc-gơ. Ảnh: DUY LINH * Chiều 29-3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ I.Bi-sốp-béc-gơ. Chủ tịch nước chào mừng Đoàn thăm chính thức Việt Nam; khẳng định Việt Nam và Thụy Sĩ có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với bề dày lịch sử gần nửa thế kỷ qua; Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu và hiệu quả mà Chính phủ và nhân dân Thụy Sĩ dành cho Việt Nam, đồng thời luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Thụy Sĩ. Chủ tịch nước đánh giá cao việc hai nước thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao; năm 2016, hai nước đã kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Việt Nam đánh giá cao Thụy Sĩ và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam (tháng 7-2012). Việt Nam mong muốn Thụy Sĩ ủng hộ việc các bên tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EFTA, hướng đến một hiệp định cân bằng, tiêu chuẩn cao, có tính đến lợi ích của nhau và trình độ phát triển của Việt Nam và các nước thành viên EFTA. Việt Nam mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, du lịch… Việt Nam cũng mong muốn Thụy Sĩ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, gắn nghiên cứu khoa học – công nghệ với đào tạo tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu; tăng số lượng học bổng để tạo điều kiện cho nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Thụy Sĩ trong các ngành luật, ngân hàng, kỹ thuật cao, du lịch… Chủ tịch nước đề nghị Thụy Sĩ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng gửi tới Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ lời thăm hỏi, chúc sức khỏe và lời mời thăm Việt Nam. Chủ tịch nước cảm ơn và đề nghị Nhà nước Thụy Sĩ tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội sở tại, phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hai nước.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ I.Bi-sốp-béc-gơ bày tỏ nhất trí cao với những đánh giá của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về quan hệ hai nước; tin tưởng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Thụy Sĩ và Việt Nam tiếp tục phát triển, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư, giáo dục – đào tạo… Chủ tịch Bi-sốp-béc-gơ cho biết, Thụy Sĩ rất quan tâm việc ký kết FTA giữa EFTA và Việt Nam, cũng như lĩnh vực hỗ trợ phát triển; Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ tích cực phối hợp Chính phủ để xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác, hỗ trợ Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020. Chủ tịch Bi-sốp-béc-gơ khẳng định cam kết của Thụy Sĩ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021; đề nghị Việt Nam ủng hộ Thụy Sĩ ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2024.
* Trước đó, sau lễ đón, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ I.Bi-sốp-béc-gơ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao QH hai nước tiến hành hội đàm.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Thụy Sĩ là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt hơn một tỷ USD, tăng 50% so năm 2015; khẳng định, Việt Nam coi trọng và quan tâm lợi ích của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Thụy Sĩ; mong muốn Thụy Sĩ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, du lịch… Chủ tịch QH cảm ơn Thụy Sĩ cam kết viện trợ 90 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam giai đoạn 2017-2020 và đề nghị hai bên phối hợp xây dựng các dự án để sử dụng nguồn ODA một cách hiệu quả. Chủ tịch QH cảm ơn và mong muốn Nghị viện và Chính phủ Thụy Sĩ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống ổn định, hòa nhập xã hội Thụy Sĩ.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ I.Bi-sốp-béc-gơ khẳng định Thụy Sĩ quan tâm tới hợp tác với Việt Nam, ủng hộ đàm phán FTA Việt Nam – EFTA, hướng đến một hiệp định cân bằng, tiêu chuẩn cao, có tính đến lợi ích của nhau. Chủ tịch Bi-sốp-béc-gơ nhấn mạnh, các doanh nghiệp Thụy Sĩ quan tâm tới đầu tư tại Việt Nam, mong muốn Việt Nam tạo môi trường đầu tư kinh doanh, khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ.
Các lãnh đạo QH hai nước khẳng định, hợp tác nghị viện là một trong những kênh hợp tác hiệu quả trong quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ; nhất trí tăng cường hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, các ủy ban, nhóm nghị sĩ hữu nghị để trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghị viện…
* Cùng ngày, Chủ tịch I.Bi-sốp-béc-gơ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm Khu di tích Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch.
* Tối 29-3, tại Nhà QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì tiệc chiêu đãi Chủ tịch I.Bi-sốp-béc-gơ và Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ. Theo nhandan.com.vn |