Thi hành xong việc thi hành án gồm có hai biện pháp: Thi hành xong việc thi hành án bằng biện pháp tự nguyện và thi hành xong bằng biện pháp cưỡng chế. Thi hành xong bằng biện pháp tự nguyện là biện pháp hiệu quả mà tốn ít thời gian công sức của Chấp hành viên. Điều 9 Luật thi hành án dân sự quy định: “Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án”. Chỉ khi đương sự ý thức rõ trách nhiệm của mình cũng như hậu quả pháp lý mà mình phải gánh chịu thì họ mới tự nguyện thi hành án. Do đó để thực hiện tốt biện pháp này đòi hỏi kỹ năng giáo dục, thuyết phục của Chấp hành viên phải tốt dựa trên cơ sở lý luận, nghiệp vụ phải vững chắc. Tuy nhiên, không phải cứ làm tốt các kỹ năng nêu trên là thu được kết quả. Lúc đó Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự. Mặc dù cưỡng chế thi hành án dân sự không được Nhà nước khuyến khích nhưng Chấp hành viên cần phải xác định và cương quyết đến thời điểm nào khi mà việc giáo dục, thuyết phục không đạt được kết quả thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế là cần thiết vừa giải quyết dứt điểm vụ việc, vừa có tác dụng răn đe, giáo dục những đối tượng phải thi hành án khác có điều kiện thi hành mà cố tình chây ỳ.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, quý I năm 2014 cơ quan thi hành án dân sự hai cấp đã thi hành xong 663 việc, đạt 41,8% trên số việc có điều kiện thi hành. Trong đó số việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế là 04 việc (Cấp tỉnh 01 việc; Cấp huyện 03 việc). Quý I năm 2015 cơ quan thi hành án dân sự hai cấp đã thi hành xong 641 việc, đạt 47% trên số việc có điều kiện thi hành, không có việc nào phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế là một thành công trong công tác giáo dục, thuyết phục, động viên người phải thi hành án. Thành công này không chỉ của Chấp hành viên, Cơ quan thi hành án dân sự mà có sự góp phần của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã phối hợp chặt chẽ ngay từ khi cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án.
Trong thời gian tới để công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao đòi hỏi Chấp hành viên phải tự xây dựng và rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, không ngại khó, ngại khổ. Bên cạnh đó là Kiểm sát viên kiểm sát việc thi hành án dân sự phải công tâm, nắm vững quy định của pháp luật và Quy chế kiểm sát thi hành án dân sự. Có như vậy những sai lầm đáng tiếc trong hoạt động thi hành án dân sự sẽ không xảy ra, đảm bảo giữ vững được kỷ cương pháp luật.
Nguyễn Anh Thúy – VKSND tỉnh