PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng,Viện trưởng VKSNDTC,
Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu; đồng thời nhấn mạnh, hội thảo này là một trong những hoạt động quan trọng thuộc kế hoạch xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự. Đây là Dự án luật lớn và rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội, kỷ cương phép nước, quyền lợi của công dân, nền tư pháp văn minh, vì công lý. Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình mong rằng, sau hội thảo này, đại biểu tiếp tục góp ý kiến trực tiếp vào những nội dung thể hiện trong Dự thảo BLTTHS góp phần quan trọng giúp Ban soạn thảo thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp công bằng, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý; xây dựng BLTTHS mới tiến bộ, minh bạch, có chất lượng cao.
Tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Sơn, Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát VKSNDTC trình bày tóm tắt những nội dung sửa đổi, bổ sung BLTTHS: Về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và việc thay đổi người tiến hành tố tụng (Chương 3), thể chế hóa yêu cầu Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc “tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán”. Về người tham gia tố tụng (Chương 4), bổ sung 03 nhóm người tham gia tố tụng (gồm: Người bị bắt, người chứng kiến, người dịch thuật) để xác định rõ tư cách pháp lý, cũng như quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ. Bổ sung một số quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nhằm đảm bảo quyền bào chữa cho họ, đồng thời phù hợp với yêu cầu tăng cường tranh tụng. Quy định người bị tố giác, báo tin tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền yêu cầu người bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Về những biện pháp cưỡng chế trong TTHS (Chương 6), cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Dự thảo sửa theo hướng thu hút toàn bộ các biện pháp cưỡng chế quy định trong các chương, các phần của BLTTHS để điều chỉnh chung trong Chương này nhằm bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ khi quy định về các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân. Bổ sung thẩm quyền bắt khẩn cấp, tạm giữ cho một số chủ thể thuộc Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới, hải đảo xa cơ quan điều tra chuyên trách…
Về bào chữa (Chương 7), Dự thảo xây dựng một chương mới với 13 điều luật quy định về bào chữa. Bổ sung các quy định để đảm bảo quyền bào chữa của người bị bắt đáp ứng yêu cầu mới của Hiến pháp. Mở rộng trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa đối với bị can, bị cáo về tội có hình phạt tù chung thân. Bổ sung một số quyền bào chữa; bổ sung nghĩa vụ của người bào chữa không được tiết lộ thông tin về người bào chữa mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa, nếu không có sự đồng ý của họ; không được sử dụng các thông tin về người bào chữa vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 109)…
Phần tham luận, nhiều đại biểu dự hội thảo phát biểu thẳng thắn, với tinh thần trách nhiệm cao, góp ý kiến vào các nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo BLTTHS liên quan đến các quy định về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, bào chữa và những biện pháp cưỡng chế.
Nguồn: Báo bảo vệ pháp luật