VKSNDTC: Ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/BCT của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm sát ma túy trong tình hình mới trong ngành KSND

Ngày 02/4/2014, Ban Bí thư đã có Kết luận số 95-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm sát ma túy trong tình hình mới. Căn cứ Kết luận của Ban Bí thư, ngày 29/5/2014, Ban chỉ đạo các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngành KSND đã xây dựng và ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW trong ngành KSND với mục đích yêu cầu nhằm xác định rõ công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài trong ngành KSND vì vậy cần phải được tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy; ngăn chặn có hiệu quả ma túy xâm nhập vào Việt Nam cũng như tập trung giải quyết cơ bản tình hình phức tạp về ma túy trên các địa bàn trọng điểm tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống ma túy ở các địa phương. Để phát huy có hiệu quả tối đa các nguồn lực thì công tác phòng chống ma túy cần phải được lồng ghép với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tội phạm và các chương trình kinh tế xã hội khác. Nội dung bản Kế hoạch có 7 nhiệm vụ trọng tâm, đó là:

1. Viện kiểm sát các cấp tăng cường công tác kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về ma túy. Phối họp chặt chẽ với cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy trọng điểm, phức tạp. Thông qua kiểm sát các vụ án ma túy, tập trung phát hiện vi phạm, thiếu sót để kiến nghị với cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước và có biện pháp phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy.

2. Tiếp tục tăng cường đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó tập trung vào tuyến biên giới, tuyến hàng không, cửa khẩu… Chú trọng phát hiện, xử lý các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả việc trồng cây có chứa chất ma túy.

3. Viện kiểm sát các cấp cần đổi mới nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy với nhiều hình thức phong phú, chú ý tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, đồng bào vùng sâu vùng xa. Chú trọng tuyên truyền về tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới tới cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân nhằm giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao nhận thức phòng, chống ma túy. Có chính sách động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

4. Phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy và quản lý đối tượng sau cai nghiện ma túy có hiệu quả nhằm kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn ma túy. Tăng cường công tác quản lý hành chính, tuyên truyền giáo dục ở các khu vực trọng điểm về ma túy, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nghiện ma túy.

5. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (Chương “Các tội phạm về ma túy”) và Thông tư liên tịch số 17/TTLT-BCA- VKSTC-TATC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện KSNDTC, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII – Bộ luật Hình sự năm 1999 để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy đạt hiệu quả cao.

6.Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác phòng, chống ma túy với Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), các nước nằm trên tuyến vận chuyến, sản xuất ma túy… Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các nước có chung đường biên giới, đấu tranh có hiệu quả với hành vi thẩm lậu ma túy vào Việt Nam. Tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

7. Tiếp tục tăng cường trang bị phương tiện và điều kiện đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm về ma túy. Huy động các nguồn lực phục vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy từ Ủy ban nhân dân địa phươmg, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội.

Căn cứ nội dung Kế hoạch, Lãnh đạo VKSNDTC yêu cầu các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, VKSQS Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình xây dựng chương trình thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung Chỉ thị 21- CT/TW.

Giao Vụ 1C tham mưu cho lãnh đạo VKSNDTC quản lý, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch./

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát

Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án tối cao Slovakia
Gặp mặt thân mật Lãnh đạo các cơ quan Khối Nội chính và Đại biểu Quốc hội
Những nội dung mới của Dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) về Kiểm sát viên VKSND
Họp tổ biên tập Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)
Họp liên ngành thống nhất hướng dẫn Điều 232 Bộ luật hình sự
Trình Quốc hội Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)
Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) chính thức được trình Quốc hội
Đưa Hiến pháp 2013 vào thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp
Viện Kiểm sát huyện Trạm Tấu – Không làm oan người vô tội