Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi)
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là sửa đổi cơ bản, toàn diện theo chủ trương cải cách tư pháp được ghi trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013. Tán thành với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nhấn mạnh thêm việc sửa đổi nhằm đảm bảo tính độc lập chỉ tuân theo pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp. Nội dung này được thể hiện trên các phương diện mô hình, cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chức danh tư pháp và mối quan hệ công tác giữa các thiết chế Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan điều tra.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Đoàn ĐBQH Hà Nội) phát biểu
Một trong những nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội thảo luận đó là quy định về mô hình VKSND cấp huyện. Đa số ý kiến đại biểu thống nhất quy định hệ thống VKSND được tổ chức thành 4 cấp và có sự tương thích với hệ thống TAND. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên giữ nguyên tổ chức VKSND cấp huyện như hiện nay và nếu tổ chức thành VKSND khu vực, tương thích với TAND sơ thẩm khu vực thì cấp này nên được tổ chức theo địa hạt hành chính, đảm bảo đồng bộ với tổ chức của Cơ quan điều tra, Cơ quan Thi hành án.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn ĐBQH Hải Phòng) phát biểu
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn ĐBQH Hải Phòng) phân tích, ở cấp sơ thẩm khu vực, nếu đảm bảo tương thích với TAND thì phải gọi là VKSND khu vực. Tuy nhiên, đặc thù hoạt động của VKS là khác. Cơ quan điều tra, Thi hành án vẫn giữ nguyên, nếu tổ chức VKS khu vực như TAND sơ thẩm khu vực là không hợp lý. Đại biểu Lương Văn Thành (Đoàn ĐBQH Hải Phòng) cho rằng, tính chất hoạt động của Kiểm sát viên, VKS có tính “động”, khác với hoạt động của TAND thường ở trạng thái “tĩnh”. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp “Công tố gắn với điều tra”, tăng cường kiểm sát các hoạt động tư pháp… nếu tổ chức VKSND khu vực tương thích hoàn toàn với Tòa án thì hoạt động kiểm sát điều tra, kiểm sát thi hành án sẽ rất khó khăn. Do đó, ở cấp huyện, nên tổ chức theo phương án VKS cấp sơ thẩm khu vực, gắn với địa hạt hành chính.
Liên quan đến mô hình tổ chức VKSND cấp huyện, theo đại biểu Trịnh Xuyên (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nên giữ nguyên mô hình Tòa án cấp huyện trong điều kiện Cơ quan điều tra, VKS, Cơ quan Thi hành án giữ nguyên như hiện nay; cần tập trung đầu tư, tăng cường lực lượng cho cấp huyện là hợp lý nhất.
Đại biểu Trịnh Xuyên (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) phát biểu
Đa số ý kiến thống nhất quy định về ngạch, nhiệm kỳ của Kiểm sát viên, về Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên, trong đó, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSNDTC là hội đồng đa thành phần, còn các ngạch Kiểm sát viên khác cần kết hợp giữa thi tuyển với tuyển chọn. Nhiều ý kiến đồng tình với quy định tăng tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC nhưng cần lý giải về cơ sở để quy định số lượng Kiểm sát viên VKSNDTC.
Về mặt kết cấu, kỹ thuật lập pháp, một số ý kiến của Đại biểu đề nghị chỉnh lý các quy định về công tác khác của VKSND (thống kê tội phạm; tương trợ tư pháp hình sự), về danh hiệu thi đua khen thưởng… cho hợp lý, phù hợp với quy định của luật chuyên ngành. Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo luật.
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát