Hiệu ứng Sinh – Tử
Có thể nói sau 18 năm kể từ phim Chạy án, mới lại xuất hiện một bộ phim về đề tài tham nhũng được khán giả dành sự quan tâm lớn đến như vậy. Bộ phim được chắp bút bởi nhà văn Phạm Ngọc Tiến với quá trình ấp ủ thai nghén suốt 10 năm. Có thể nói, đây là lần đầu tiên truyền hình Việt Nam có một bộ phim đi sâu phản ánh hoạt động nội bộ cơ quan chính quyền một tỉnh, hoạt động của các cơ quan tư pháp như viện kiểm sát, tòa án, công an. Lần đầu tiên công chúng được chứng kiến đời sống của quan chức trên phim, cách họ thực hiện công vụ, cách họ sống ra sao.
Phim do Nguyễn Khải Hưng, Mai Hiền đồng đạo diễn cùng sự tham gia của dàn diễn viên: Hoàng Dũng, Trọng Trinh, Việt Anh, Mạnh Trường, Thanh Hương, Doãn Quốc Đam, Thúy Hà, Chí Nhân, Quỳnh Nga … Đây cũng là dự án phim mà Đạo diễn nổi tiếng Khải Hưng theo đuổi và thực hiện suốt hai năm. Ông từng chia sẻ lý do tâm huyết của mình với bộ phim là vì: “Bởi vì tôi hay xem thời sự, quan tâm tình hình chính trị, xã hội của đất nước. Tôi theo dõi các vụ án tham nhũng rất kỹ. Làm phim là cách để tôi bày tỏ tiếng nói của công dân, với hi vọng đóng góp điều tốt đẹp cho đất nước.”
Đạo diễn Khải Hưng và dàn diễn viên phim Sinh Tử |
Chỉ sau chưa tới 10 tập đầu công chiếu, rating (chỉ số đo lượng khán giả xem phim trên truyền hình, youtube, fanpage) của phim đã đạt tới con số kinh ngạc 8.0, tương đương và vượt qua rating của một series phim tâm lý xã hội nổi tiếng trước đó. Bộ phim đã gây một hiệu ứng mạnh mẽ đối với nhân dân, với mọi ngành nghề trong xã hội, thay đổi toàn diện suy nghĩ về người cán bộ Kiểm sát trước đó. Trên các diễn đàn mạng xã hội, các quán café hay nơi tụ tập đông người, từ thứ 2 đến thứ 6, mọi câu chuyện đều hướng về tập phim tối hôm trước. Sự quan tâm của người dân với Sinh Tử lớn tới mức, một chi tiết nhỏ cũng khiến dư luận xã hội ồn ào, phản ứng mạnh. Đơn cử, khi bộ phim có cảnh diễn viên Quỳnh Nga (Vai Trinh, con cờ Mai Hồng Vũ cài bên cạnh Trần Bạt) hát sai nhạc bài Nắng ấm quê hương thì ngay đêm đó và ngày hôm sau, trên các diễn đàn của người dân Thái Bình đã có cả triệu comment đề nghị VTV đính chính, xin lỗi người Thái Bình vì hát sai bài hát được coi là “tỉnh ca” của Thái Bình. Nhiều khán giả khó tính cũng không thể phủ nhận Sinh Tử là bộ phim chính luận thực sự hay, ý nghĩa và khiến họ phải theo dõi từ đầu đến cuối. Một bộ phim mà diễn viên đóng hay, kịch bản chiều sâu và nhân văn, không bị khô khan như nhiều bộ phim chính luận khác, phản ánh được phần nào những vấn đề nhạy cảm nhất của xã hội.
Bừng sáng màu áo thiên thanh
“Sinh Tử” cũng là phim truyền hình đầu tiên trong lịch sử phim truyền hình Việt Nam của VFC đề cập vai trò kiểm sát, có sự cố vấn của các chuyên gia hàng đầu ngành kiểm sát. Qua bộ phim, hình ảnh của các Kiểm sát viên được nhấn mạnh bằng những thước phim trung thực thể hiện vai trò, vị trí của ngành Kiểm sát trong ngành tư pháp Việt Nam. Chính vì vậy, sự mong ngóng của khán giả đang công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân đối với phim “Sinh tử” là rất lớn và bộ phim đã khiến khán giả được mãn nhãn.
Đối với người dân, người nào chưa hiểu thì nay đã hiểu, người hiểu ít nay hiểu rõ hơn, vai trò, vị trí của ngành Kiểm sát nhân dân qua từng tập phim, từ từ được người dân hiểu rõ và thêm yêu màu áo xanh thiên thanh của các cán bộ Kiểm sát. Đặc biệt, những tập cuối cùng, bản lĩnh vững vàng, nghiệp vụ tinh thông, không sợ hãi và quyết tâm cao độ của Huy, Trưởng phòng 3 VKSND tỉnh Việt Thanh trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã chiếm trọn cảm tình của khán giả truyền hình cả nước.
Diễn viên Mạnh Trường trong vai Bùi Tiến Huy, Trưởng phòng 3 VKSND tỉnh Việt Thanh đã chiếm trọn cảm tình của khán giả truyền hình cả nước |
Bộ phim đã khép lại với hai án tử hình, tổng cộng 125 năm tù giam cho các bị cáo qua lời thoại đầy đanh thép nhưng cũng rất truyền cảm của Đạo diễn Khải Hưng và đạo diễn Mai Hiền. Nếu tính cả trước đó, thì tỉnh Việt Thanh đã có tới 4 lãnh đạo cấp sở, 2 cán bộ lãnh đạo Huyện kẻ “ngã ngựa”, kẻ tự sát … Một cái kết đầy cảnh tỉnh, đanh thép cho những cán bộ đương chức, đương quyền hiện nay, là bài học xương máu đối với công tác quản lý, giáo dục cán bộ; đặt ra yêu cầu cấp thiết, phải thiết lập một cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự tha hóa, lợi dụng, lạm quyền để trục lợi.
Tuy nhiên, sự dừng lại đột ngột của bộ phim khiến không ít khán giả hụt hẫng. Nhiều người cho rằng cần phải có các đoạn phim sâu hơn về đấu tranh với tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp, điển hình là Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Phó Giám đốc Công an tỉnh và Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Việt Thanh.. hai nhân vật này đã bị Cơ quan điều tra VKSND tối cao bắt trong tập cuối bộ phim; có thêm vài tập để khai thác diễn biến tâm lý của 2 cơ quan đối với ông Thông và ông Khôi …
Giám đốc VFC, Đỗ Thanh Hải cho rằng dư luận trên mạng xã hội và một số báo chí đã phản ánh đúng với tâm lý của khán giả. Điều đó cũng cho thấy sự quan tâm tới bộ phim và đòi hỏi các nhà làm phim phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong các dự án tiếp theo. Còn theo nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tác giả kịch bản Sinh tử, cần có cái nhìn toàn bộ, chứ nếu chỉ nhìn vào khúc đuôi rồi phán xét là không công bằng. “Cuộc đời là cuộc đời, phim ảnh là phim ảnh, có những cái chỉ trên Sinh tử mới làm được”, nhà văn nhấn mạnh.
Sự mong ngóng và quan tâm rất lớn của khán giả cũng đã được lãnh đạo VKSND tối cao, lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam nắm bắt. Và rất có thể, trong thời gian ngắn tới đây, khán giả sẽ tiếp tục được hiểu thêm về các hoạt động của ngành Kiểm sát, đặc biệt, là hoạt động nghiệp vụ của Cơ quan điều tra VKSND tối cao qua phần tiếp theo của Sinh Tử.
Theo Kiemsat.vn