10 kết quả hoạt động nổi bật năm 2019 của ngành Kiểm sát nhân dân

Năm 2019, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước

Quán triệt, thực hiện mục tiêu: Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng chất đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực thực thi pháp luật. Nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường năng lực Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường các nguồn lực bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; triển khai các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2020); năm 2019, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. 

Sau đây, xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc 10 kết quả hoạt động nổi bật trong năm 2019 của ngành Kiểm sát nhân dân do Ban Biên tập Tạp chí Kiểm sát bình chọn.

1. Hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao 

Ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt nghiêm túc, đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nỗ lực phấn đấu và đã hoàn thành đạt và vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao. Nổi bật là đã thực hiện kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn là 99,99% (vượt chỉ tiêu 9,99%), tỷ lệ truy tố đúng tội danh là 99,9% (vượt 4,9%), tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được Toà án chấp nhận là 78,6% (vượt 8,6%), kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm tăng 15,6%…

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí báo cáo công tác tại kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khóa XIV

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí báo cáo kết quả công tác kiểm sát tại Phiên họp thứ 37 của UBTV Quốc hội. 

2. Phối hợp giải quyết, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng

Đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và chủ động đề xuất, phối hợp triển khai áp dụng các biện pháp để tăng tỉ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Số vụ án tham nhũng được khởi tố mới trong năm 2019 tăng 13,5% về số vụ, 32,8% số bị can; tỉ lệ thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt 47,32%. 

Tập trung phối hợp, giải quyết kịp thời, nghiêm minh một số vụ án tham nhũng, kinh tế do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo như: Vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc…” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; vụ án Nguyễn Phước Tường và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông MobiFone… 

Phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Phan Văn Anh Vũ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Bắc Son trong vụ án hình sự xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone.

3. Khởi tố, điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp 

Cơ quan điều tra của VKSND tối cao đã kịp thời khởi tố điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và các vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp với nhiều bị can nguyên là cán bộ cơ quan tư pháp để xử lý theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tiến độ giải quyết án, không để xảy ra oan, sai, vi phạm tố tụng; tỉ lệ thu hồi tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng đạt 55,2%, tăng 1,2%; ban hành 121 kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp xử lý cán bộ vi phạm và áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm, tăng 19,8%. 

Cơ quan điều tra VKSND tối cao khởi tố vụ án hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật” xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an. 

Để tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả hoạt động, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tập trung hoàn thiện hệ thống quy chế nghiệp vụ, quy định phối hợp với 14 đơn vị trong ngành, quy chế phối hợp giữa VKSND tối cao và Bộ Quốc phòng về công tác tạm giữ, tạm giam, giám định và điều tra kỹ thuật hình sự; xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực Cơ quan điều tra VKSND tối cao” và “Cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS năm 2015”…

Lễ ký Quy định phối hợp giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với Tạp chí Kiểm sát, Vụ 9 và Vụ 10 VKSND tối cao. 

4. Nâng cao chất lượng kháng nghị, kiến nghị 

Toàn ngành đã tập trung thực hiện tốt hơn công tác kiểm sát hoạt động tư pháp; chất lượng hiệu quả các kháng nghị, kiến nghị được nâng lên, góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp và bảo vệ đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Trực tiếp kiểm sát trại giam tăng 13%; tỉ lệ kiểm sát xét xử tại phiên tòa giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật tăng 15,5%; tỉ lệ kiểm sát giải quyết tại phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình tăng 33,6%… 

VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị tuyên tử hình về tội “giết người”, “cướp tài sản” để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Qua kiểm sát, toàn Ngành đã ban hành hơn 18.000 kháng nghị kiến nghị, yêu cầu khắc phục, chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động tư pháp và yêu cầu các cơ quan hữu quan áp dụng những biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Chất lượng các kháng nghị, kiến nghị được nâng lên góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân… 

Tăng cường trách nhiệm của VKSND trong phát hiện các vi phạm, tội phạm, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù.

5. Sắp xếp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả 

Năm 2019, ngành KSND đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiến hành rà soát, nghiên cứu, ban hành hướng dẫn về việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy cấp phòng thuộc VKSND cấp tỉnh, dự kiến sau khi sáp nhập sẽ giảm 190 phòng trên tổng số 726 phòng, giảm khoảng 400 cán bộ lãnh đạo cấp phòng thuộc VKSND cấp tỉnh. Đồng thời, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, xây dựng đơn vị.

Lễ trao quyết định bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên cao cấp năm 2019. 

Ngày 4/5/2019, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 03 về nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ, yêu cầu người đứng đầu phải “Công bằng, Trách nhiệm, Gương mẫu”, cấp dưới phải “Trung thực, Tận tụy, Trách nhiệm”; ban hành Quy chế nhận xét, đánh giá, phân loại công chức, viên chức, người lao động trên cơ sở kết quả, định lượng cụ thể; thực hiện việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với xây dựng, thực hiện Đề án vị trí việc làm và Đề án tổ chức biên chế của Ngành. 

6. Hoàn thành “Khung kiến trúc Viện kiểm sát điện tử 1.0” 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, hoàn thành “Khung kiến trúc Viện kiểm sát điện tử 1.0”; xây dựng Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2020-2025”; xây dựng các phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhân sự; cấp 4.525 chứng thư số và 2.548 tài khoản thư điện tử cho công chức, viên chức và người lao động. 

VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn, sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành 

VKSND tỉnh Cao Bằng tổ chức lớp tập huấn hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho các cán bộ, công chức

Từng bước triển khai và thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, video tại phiên tòa; góp phần nâng cao hiệu quả chứng minh tội phạm, tác động lớn đến nhận thức của quần chúng nhân dân; đạt được hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng hình ảnh người cán bộ kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp.

Hình ảnh cáo trạng dài 235 trang của VKSND tỉnh Phú Thọ được trình chiếu tại phiên xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng Internet. 

7. Tăng cường hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp về hình sự 

Toàn Ngành tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tập trung vào các loại tội phạm phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia. Phối hợp và đồng chủ trì tổ chức thành công Hội nghị VKSND các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào lần thứ VI tại nước CHDCND Lào; Hội nghị Viện kiểm sát các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ II tại Việt Nam. 

Viện trưởng VKSND tối cao hai nước Việt Nam – Lào ký Biên bản Hội nghị VKSND các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào lần thứ VI. 

Lãnh đạo VKSND tối cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trực tiếp giữa tại Hội nghị VKSND các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ hai. 

Đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết và thực hiện hiệu quả các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; trong đó đã ký 01 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Mô-dăm-bích; đàm phán thành công 03 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Nhật Bản (vòng 3), I-ta-li-a và CHDCND Lào; ký 01 Nghị định thư về hợp tác đào tạo với Viện kiểm sát tối cao Hung-ga-ri; ký 05 Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VKSND tối cao Việt Nam với Cơ quan Tổng Chưởng lý Sing-ga-po, Viện Công tố tối cao Hàn Quốc, Viện kiểm sát tối cao Hung-ga-ri, Viện kiểm sát tối cao Cuba và Tổng viện công tố Liên Bang Nga. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Công tố tối cao Hàn Quốc và VKSND tối cao Việt Nam giai đoạn 2019 – 2022. 

8. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tích cực tham gia xây dựng pháp luật 

VKSND tối cao tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, các cơ quan của Quốc hội xây dựng các dự án luật và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các đạo luật mới. Trong năm 2019, đã chủ trì xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch về việc phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục đối với người dưới 18 tuổi; phối hợp xây dựng, chỉnh lý 22 dự án luật; chủ trì, phối hợp xây dựng 41 quy chế, quy định và các văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Viện trưởng VKSND tối cao; phối hợp với các bộ, ngành xây dựng 55 văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thành 05 đề án về cải cách tư pháp; … góp phần hoàn thiện thể chế phòng, chống tội phạm và nâng cao năng lực công tác cho Ngành. 

Đồng chí Phan Chí Hiếu,Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng đoàn kiểm tra kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW làm việc với VKSND tối cao về kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trong ngành KSND 

Hội thảo quốc tế “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên đối với các tội phạm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm phụ nữ và trẻ em”. 

Lễ ký kết chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 – 2022.

9. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng 

Chú trọng thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng; ban hành Thông tư quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Kiểm sát nhân dân; xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá và xếp loại thi đua, bảo đảm phù hợp với các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các Nghị quyết của Quốc hội, yêu cầu pháp luật và thực tiễn công tác của Ngành; triển khai áp dụng phần mềm quản lý công tác thi đua khen thưởng; hoàn thiện Bảng tiêu chí chấm điểm, xếp loại thi đua trong Ngành và Quy chế xét, công nhận sáng kiến của ngành; khen thưởng đột xuất 58 tập thể và 87 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.

Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ 2019 của Khối thi đua các bộ, ban, ngành Nội chính Trung ương năm 2019. 

Hội nghị tập huấn toàn ngành KSND về công tác Thi đua khen thưởng năm 2019.

10. Hợp tác sản xuất, phát sóng bộ phim “Sinh tử”, bộ phim truyền hình đầu tiên phản ánh đậm nét về hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân. 

Sau 2 năm triển khai, với sự hợp tác chặt chẽ giữa VKSND tối cao (trực tiếp là Tạp chí Kiểm sát) với Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam, bộ phim “Sinh tử” đã được sản xuất và bắt đầu phát sóng từ ngày 04/11/2019, trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là bộ phim truyền hình dài tập về đề tài chính luận, chống tham nhũng; đồng thời, là bộ phim truyền hình đầu tiên phản ánh đậm nét về hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, khắc hoạ hình ảnh của người cán bộ Kiểm sát; bộ phim đã nhận được phản hồi tích cực, thu hút đông đảo khán giả theo dõi, tạo hiệu ứng lan toả sâu, rộng trong xã hội. 

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo xây dựng bộ phim. 

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo, Ban cố vấn xây dựng bộ phim “Sinh Tử” với sự tham dự của Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam cùng Đoàn làm phim. 

Họp báo ra mắt phim “Sinh tử” – Bộ phim truyền hình đầu tiên phản ánh đậm nét về hoạt động của ngành KSND.

Cũng trong năm 2019, công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Triển khai thực hiện Đề án về tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; tham dự và đạt 01 Huy chương Vàng và 01 Huy chương Bạc tại Liên hoan truyền hình – phát thanh Công an nhân dân lần thứ XII; triển khai thực hiện Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) năm 2019 với 93 tác phẩm/66 đơn vị tham gia; triển khai Cuộc thi tìm hiểu 60 năm thành lập Ngành, cuộc thi viết “Chân dung cán bộ Kiểm sát và bản lĩnh Kiểm sát viên”… 

Truyền hình Kiểm sát nhân dân xuất sắc giành 01 Huy chương Vàng và 01 Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình – Phát thanh CAND lần thứ XII. 

Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí năm 2019 tổ chức tại tỉnh Bình Dương.

Theo Kiemsat.vn

Những vướng mắc trong xử lý tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và một số kiến nghị
Thực hiện công tác bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019- 2022
Ban hành Quy chế xét, đề nghị công nhận sáng kiến trong ngành KSND
Thông báo rút kinh nghiệm vụ án hình sự bị hủy án để điều tra lại
Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về việc tổ chức Tết Canh Tý 2020
Phê chuẩn quyết định khởi tố 04 người liên quan gian lận thi cử ở Sơn La
Xét xử đại án MobiFone mua AVG
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí dự ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại Tp. Hồ Chí Minh
Khai mạc kỳ thi tuyển Kiểm sát viên các cấp năm 2019 khu vực phía Bắc
VKSND tối cao kiểm tra toàn diện tại VKSND tỉnh Vĩnh Long