Quy chế này quy định về sáng kiến, nội dung sáng kiến, phân loại sáng kiến; nguyên tắc và điều kiện xét, đề nghị công nhận sáng kiến; Hội đồng xét, đề nghị công nhận sáng kiến các cấp (gọi tắt là Hội đồng); hồ sơ xét, đề nghị công nhận sáng kiến, trình tự, thủ tục xét, công nhận sáng kiến. Quy chế được áp dụng đối với toàn bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân ngoại trừ Viện kiểm sát quân sự. Theo đó:
Nội dung, hình thức của sáng kiến:
– Nội dung sáng kiến liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân bao gồm:
+ Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp;
+ Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Ngành;
+ Công tác phối hợp nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị trên cơ sở các quy định của pháp luật;
+ Các hoạt động khác của ngành Kiểm sát nhân dân.
– Các hình thức của sáng kiến gồm: Giải pháp; đề án, đề tài và chuyên đề.
Điều kiện xét, đề nghị công nhận sáng kiến: Sáng kiến được người đứng đầu cơ quan, đơn vị công nhận nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Có tính mới hoặc giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công tác cụ thể của cơ quan, đơn vị;
– Không trùng với sáng kiến của người khác đã được công nhận hoặc đã được áp dụng;
– Đã được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực.
Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật và các đơn vị liên quan tích cực phổ biến, tuyên truyền các hoạt động sáng kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng của Ngành, địa phương và đơn vị mình nhằm động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân tham gia hoạt động sáng kiến.
Toàn văn Quy chế xét, đề nghị công nhận sáng kiến trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Theo Vksndtc.gov.vn