Về nội dung vụ án: Khoảng 07 giờ ngày 31/7/2018, Mùa A Chúng nói với con trai là Mùa A Lau về việc lên rừng khai thác gỗ để sau này làm nhà cho Lau, Lau đồng ý. Mùa A Chúng chuẩn bị các dụng cụ: cưa máy, xăng, nhớt, dao và một số đồ vật, dụng cụ sửa chữa cưa máy, sau đó Chúng và Lau đi lên rừng đến khu vực có nhiều cây gỗ Sến to thì dừng lại, Chúng dùng cưa máy cắt hạ 04 cây gỗ Sến nhóm II, tại khoảnh 14, tiểu khu 179, thuộc khu vực rừng tự nhiên đặc dụng do Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu quản lý. Khi Mùa A Chúng cắt hạ gỗ thì Mùa A Lau giúp vận chuyển dụng cụ và đổ xăng vào cưa máy phục vụ việc cắt gỗ. Trên đường về, Chúng bảo Lau đem các đồ vật, dụng cụ cắt gỗ giấu vào khe suối để hôm sau lên xẻ gỗ. Số đồ vật, dụng cụ cắt gỗ đã bị Tổ tuần tra bảo vệ rừng phát hiện, thu giữ.
Tại bản kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự đã xác định: Tài sản cần định giá là 33,720m3 gỗ tròn nhóm II (gỗ Sến), có giá trị 337.200.000 đồng tại thời điểm giám định.
*Bản án hình sự sơ thẩm của TAND cấp huyện quyết định:
1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Mùa A Chúng, Mùa A Lau, phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
2. Về hình phạt:
Áp dụng điểm e khoản 3 Điều 232; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; Điều 58 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Mùa A Chúng 05 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt 05/10/2018.
Áp dụng điểm e khoản 3 Điều 232; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; Điều 54; Điều 58 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Mùa A Lau 03 năm tù, được khấu trừ 06 tháng 28 ngày tạm giam, còn phải chấp hành 02 năm 05 tháng 02 ngày tù.
3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 584, 585, 588, 589 Bộ luật dân sự: Xác nhận các bị cáo đã bồi thường cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu số tiền 30.000.000 đồng, phần của mỗi bị cáo là 15.000.000 đồng.
4. Về xử lý vật chứng:
Căn cứ điểm b, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự: Tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước 04 cây gỗ sến (nhóm II), loại gỗ tròn, khối lượng 33,720m3 tại khoảnh 14, tiểu khu 179 rừng tự nhiên đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định tịch thu nộp ngân sách Nhà nước 01 cưa xăng, tịch thu tiêu hủy số đồ vật liên quan đến hành vi phạm tội, quyết định về án phí, tuyên quyền kháng cáo đối với những người tham gia tố tụng trong vụ án.
* Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
– Việc định giá tài sản chưa đảm bảo khách quan, đầy đủ: Thành phần hội đồng định giá tài sản trong vụ án có ông Trần Thế Hằng, là Hạt phó Hạt kiểm lâm làm thành viên. Nguyên đơn dân sự là Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, do ông Vũ Minh Phúc – Phó Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, là người đại diện theo ủy quyền. Như vậy, giữa Nguyên đơn dân sự (do ông Phúc làm đại diện theo ủy quyền) và ông Hằng (là thành viên Hội đồng định giá) có quan hệ cấp trên với cấp dưới, do đó sẽ không đảm bảo sự vô tư, khách quan trong khi thực hiện định giá (vi phạm quy định tại Điều 13 Nghị định 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ). Mặt khác, theo quy định tại Bảng phân loại gỗ theo tiêu chuẩn Việt Nam thì gỗ Sến có nhiều loại và có giá trị khác nhau nhưng kết quả điều tra chưa xác định rõ số gỗ do các bị cáo Mùa A Chúng và Mùa A Lau khai thác là loại gỗ Sến gì, dẫn đến việc định giá tài sản chưa đảm bảo đầy đủ, chính xác.
– Quyết định xử lý vật chứng không đúng quy định của pháp luật: Bản án sơ thẩm tuyên tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước 04 cây gỗ sến (nhóm II), loại gỗ tròn, khối lượng 33,720m3 tại khoảnh 14, tiểu khu 179 rừng tự nhiên đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 47 Bộ luật hình sự và điểm d mục 1 Điều 3 Phần 2 Thông tư số 166/2009/TT-BTC ngày 18/8/2009 của Bộ Tài chính. Trong trường hợp này, cần giao số gỗ trên cho Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên quản lý mới đảm bảo đúng quy định của pháp luật./.
Phạm Thị Thu Hà – Phòng 7, VKS tỉnh