Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy (bên phải) tham dự Tọa đàm nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông.
Tại buổi tọa đàm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã có bài phát biểu với nội dung: “Tiềm năng thế mạnh của tỉnh – Cơ hội hợp tác đầu tư giữa tỉnh Yên Bái và khu vực Trung Đông – châu Phi”.
Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi năm 2019” lần đầu tiên được Bộ Ngoại giao tổ chức trong hai ngày 9-10/9/2019 tại Hà Nội với sự tham dự của các Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường trú, Lãnh sự danh dự của các quốc gia Trung Đông – châu Phi tại Việt Nam; đại diện một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế lớn (Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, JICA…); nhiều bộ, ngành và đại diện hơn 10 địa phương của Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp hai bên.
Đây là sự kiện ngoại giao quan trọng nhằm tăng cường kết nối và phát huy hơn nữa vai trò của các Cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia Trung Đông – châu Phi tại Việt Nam, tạo diễn đàn đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan đại diện ngoại giao các nước trong khu vực này với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai bên.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung chính về chính trị – ngoại giao, thương mại, nông nghiệp và viễn thông; tình hình hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – châu Phi, bao gồm cả hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam với các Cơ quan đại diện ngoại giao các quốc gia khu vực, thời gian qua và phương hướng thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu tại phiên thảo luận.
Tại phiên thảo luận 1, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã có bài phát biểu, giới thiệu những nét cơ bản về tỉnh Yên Bái. Đồng chí cho biết, những doanh nghiệp khi xúc tiến đầu tư vào tỉnh sẽ có lợi thế nhất định, bởi tỉnh có vị trí quan trọng là trung tâm của vùng; nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; kết nối giao thông thuận tiện; tài nguyên thiên nhiên phong phú, bao gồm: đất, khoáng sản, rừng…
Các thế mạnh về sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực có quy mô lớn, chất lượng cao thuận lợi cho sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu; khí hậu và môi trường tốt, phù hợp để phát triển nông nghiệp và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lợi thế về lực lượng lao động số lượng lớn, chất lượng cao, giá rẻ; chi phí thuê đất và cơ sở hạ tầng ở mức thấp; có nhiều chính sách ưu đãi về thuế và đất đai cũng như được chính quyền các cấp đồng hành và hỗ trợ.
Hiện, tỉnh đang mời gọi nhà đầu tư vào các lĩnh vực như: đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; công nghiệp điện tử, công nghệ cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp chế biến sâu khoáng sản.
Đồng thời định hướng phát triển các sản phẩm liên quan đến công nghiệp trong đó tập trung vào: phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản thực phẩm; chế biến sâu khoáng sản; công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp điện tử; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sản xuất điện chú trọng năng lượng tái tạo.
Tỉnh cũng đang tạo điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, thể thao giải trí, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; dịch vụ vận tải, dịch vụ logistic; tài chính ngân hàng; thương mại theo mô hình hiện đại; dịch vụ đào tạo, dạy nghề đạt chuẩn ASEAN.
Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, ưu tiên phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp hàng hóa, đặc sản cho chế biến, trồng rừng cây gỗ lớn; phát triển chăn nuôi bò thịt và gia cầm theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh hiện có 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký là 405 triệu USD chủ yếu từ các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc hoạt động vào các lĩnh vực như dệt may, sản xuất công nghiệp, linh kiện điện tử. Đặc biệt đã có 1 nhà đầu tư của Qatar, thực hiện đầu tư bằng hình thức mua cổ phần của Công ty TNHH Vietnam Polymers Industries, có trụ sở tại Khu công nghiệp Phía Nam của tỉnh Yên Bái, với ngành nghề sản xuất chính các sản phẩm từ nhựa. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng đang được hưởng lợi từ một số dự án ODA; trong đó có dự án sử dụng vốn ODA của các nước khu vực Trung Đông – châu Phi.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị, thông qua Hội nghị này các Đại sứ và mời gọi các doanh nghiệp đến từ các nước thuộc khu vực Trung Đông – châu Phi quan tâm đến những tiềm năng và thúc đẩy hợp tác đầu tư vào tỉnh; trong đó đề nghị tiếp tục triển khai, thực hiện những chương trình, dự án đã và đang thực hiện cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu. Tỉnh Yên Bái mời gọi các nhà đầu tư khu vực này tiếp tục tìm hiểu, hợp tác đầu tư các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh.
Theo Cổng TTĐT tỉnh