Về sự nêu gương của người đứng đầu

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận lần thứ nhất Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (một luật mới sửa hai luật). Các phiên họp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét hoàn thiện để Quốc hội dự kiến thông qua Dự án luật này vào kỳ họp thứ 8 sắp tới

Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua vào các năm 2008 và 2010 nên chưa có điều kiện để thể chế hóa Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. 
Nay Quốc hội khóa XIV đang xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 8 vào tháng 10-2019). Đây là cơ hội thuận lợi, đúng lúc nhất để quán triệt quan điểm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên mà trước hết là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vào nội dung của Dự án Luật.
Địa vị pháp lý của người đứng đầu
Khái niệm về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được “thuật ngữ hóa” trong các sách từ điển, nhưng qua các văn kiện của Đảng, Nhà nước và qua sách báo chính thống có thể hiểu đó là những người có địa vị pháp lý cao nhất trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị của hệ thống chính trị; thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; có nhiệm vụ và quyền hạn cao nhất đối với những hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và phải chịu trách nhiệm chính về những hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị do chính mình quản lý, lãnh đạo.
Về vị trí của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị: Họ hoàn toàn có địa vị pháp lý, vì họ đều được bầu cử hoặc được bổ nhiệm theo quy định của Hiến pháp, pháp luật hoặc theo điều lệ của tổ chức được Nhà nước công nhận. Hoạt động của người đứng đầu được nhân danh Nhà nước, cơ quan nhà nước hoặc nhân danh cơ quan, tổ chức, đơn vị. Người đứng đầu và hoạt động của họ phần lớn chịu sự chi phối theo dạng quan hệ “thứ bậc” cấp trên, cấp dưới. Là người đứng đầu nên họ thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị mà họ là người đứng đầu.
Với nội hàm như vậy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vừa có nghĩa vụ, vừa có quyền hạn và vừa phải chịu trách nhiệm về công việc của mình và của cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình đứng đầu. Tuy nhiên, trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008, tại Điều 10 lại mới chỉ quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu. Và Luật Viên chức năm 2010, tại Điều 18 cũng chỉ quy định nghĩa vụ của viên chức quản lý. Cả hai luật đều chưa có quy định rõ ràng quyền hạn và việc chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Nay trong Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (gọi tắt là Dự án Luật) rất cần thiết phải bổ sung các quy định về quyền hạn và việc chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Cả ba nội dung (nghĩa vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm) đều phải được quy định (thể chế hóa) theo tinh thần Quy định số 08 – QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương.
Hướng sửa đổi, bổ sung
Theo Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương, nội dung nêu gương bao gồm 7 vấn đề: Tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Tất cả những nội dung này phải được thể chế hóa trong Dự án Luật. 
Đối với những nội dung mà tất cả cán bộ, công chức (lãnh đạo và thừa hành) đều phải thực hiện thì Dự án Luật vẫn nên quy định thành hai điều như Luật hiện hành nhưng nội dung phải đầy đủ. Một điều nói về nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, và một điều nói về nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. Trong cả hai điều, người đứng đầu phải là người đi đầu, là tấm gương sáng, nêu gương tốt trong quá trình thực hiện. 
Do người đứng đầu có vai trò lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện, điều hành mọi công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị nên phải quy định thành một số điều riêng (hoặc một điều gồm nhiều khoản) bao gồm các nội dung trong nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu. Xin được nói cụ thể về những nội dung các điều, khoản này.
Trách nhiệm của người đứng đầu bao gồm cả ba mặt: Nghĩa vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm. Nhưng tại Điều 10 của Luật Cán bộ, công chức hiện hành lại chỉ mới quy định về nghĩa vụ, trong đó có sự lẫn lộn giữa nghĩa vụ và chịu trách nhiệm, lẫn lộn giữa nghĩa vụ với quyền hạn, cụ thể Điều 10 quy định như sau:
“Ngoài việc thực hiện quy định tại Điểu 8 và Điều 9 của Luật này cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
1. Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức.
3. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về các vấn đề xẩy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân.
5. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.
Điều luật quy định như trên làm cho người đọc, người thực hiện luật dễ hiểu nhầm rằng, trong 6 nghĩa vụ thì chỉ có 2 nghĩa vụ (1 và 3) là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, còn các nghĩa vụ khác không phải chịu trách nhiệm. Cách thể hiện tại khoản 4 cũng thiếu rành mạch, lẫn lộn giữa nghĩa vụ và quyền hạn (tổ chức thực hiện là nghĩa vụ, còn xử lý kịp thời và nghiêm minh là quyền hạn). Tương tự như vậy, Điều 18 Luật Viên chức năm 2010 – Nghĩa vụ của viên chức quản lý, cũng chỉ quy định 5 nghĩa vụ mà không quy định quyền hạn và trách nhiệm. Do vậy, trong Dự án Luật lần này cần quy định tách bạch ba vấn đề (nghĩa vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm) cho rõ ràng, rành mạch hơn, cụ thể là:
– Nội dung quy định về nghĩa vụ, bao gồm toàn bộ các công việc mang tính chất lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu, đó là: Tổ chức và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức thực hiện các quy định của luật pháp về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Những nội dung này có thể thiết kế thành một điều (hoặc một khoản) trong Dự án Luật.
– Nội dung quy định về quyền hạn: Với tư cách là người lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu có quyền hạn tương ứng với các nghĩa vụ của họ. Trong các nghĩa vụ quản lý có nghĩa vụ quản lý cán bộ, công chức, người lao động; quản lý tài chính, tài sản, cơ sở vật chất, kỹ thuật; quản lý cơ sở dữ liệu – thông tin… Quyền hạn của người đứng đầu chính là việc ra các quyết định theo chính kiến của mình sau khi đã xử lý đầy đủ thông tin về các lĩnh vực nói trên một cách tốt nhất. Đó là nội hàm của điều hoặc khoản mới cần quy định trong Dự án Luật. Tất nhiên, quyền hạn của mỗi người đứng đầu phải được tuân thủ theo phạm vi được phân công, phân cấp, giao quyền.
– Nội dung của việc chịu trách nhiệm chính là phải chịu trách nhiệm về kết quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của mình đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình là người đứng đầu (gồm cả mức độ thành công và mức độ yếu kém, thậm chí thất bại). Đó cũng chính là hệ quả theo sự ràng buộc giữa quyền hạn và trách nhiệm. Cần lưu ý rằng, trong một cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu bao giờ cũng chỉ là một cá nhân duy nhất và cụ thể, điều này có ý nghĩa thiết thực và cũng rất cụ thể khi xác định trách nhiệm của người đứng đầu (không có chuyện thành tích thì thuộc người đứng đầu mà “đổ bể” là khuyết điểm chung của tập thể). Đó chính là nội hàm của điều hoặc khoản mới trong Dự án Luật.
Cả trên giác độ chuyên môn và giác độ chính trị thì nêu gương của người đứng đầu chính là bản thân phải liên tục rèn luyện, phấn đấu và thi đua, cạnh tranh (lành mạnh) với những người cùng cấp hoặc hướng lên cấp trên để thực thi chức trách của mình một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Như vậy, đối với người đứng đầu một cơ quan, tổ chức, đơn vị vừa phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một cán bộ, công chức bình thường, vừa phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một người lãnh đạo, một người quản lý đứng đầu. Hơn thế nữa, với bất cứ nhiệm vụ, quyền hạn nào cũng phải đi tiên phong, thực thi với trách nhiệm cao nhất, hiệu lực nhất và hiệu quả nhất.
Nói tóm lại, Dự án Luật phải thể hiện rõ ràng, minh bạch trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải là tấm gương sáng, mẫu mực trong việc thực hiện nghĩa vụ được giao bằng hiệu quả lãnh đạo, quản lý cao nhất; phải thực thi quyền hạn đúng đắn nhất bằng các quyết định trong phạm vi quản lý của mình; và phải chịu trách nhiệm đầu tiên và trước hết về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình là người lãnh đạo, quản lý đứng đầu.

Theo Baoyenbai.com.vn

Yên Bái: Giao ban Khối Nội chính triển khai nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2019
Thủ tướng chỉ đạo vụ cháu bé trường Gateway tử vong
Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không giữ chức vụ lãnh đạo
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp các Đại sứ trình Quốc thư
Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 – 2021, định hướng đến năm 2025
Yên Bái: Hội nghị đầu tiên ứng dụng mô hình “phòng họp không giấy”
Phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 26 (mở rộng) của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm và tặng quà các gia đình chính sách tại tỉnh Yên Bái
Bước đột phá trong công tác cán bộ ở Yên Bái
Yên Bái: Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt trên 92%