Hội nghị lấy ý kiến về phạm vi sửa đổi bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội

Sáng 08/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức quốc hội.

Tham dự hội nghị còn có, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học, chuyên viên Văn phòng Quốc hội.

Hội nghị lấy ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội

Sửa đổi bổ sung những vấn đề thực sự vướng mắc

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực hiện nghị quyết số 635/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, sau khi được thành lập, Ban soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu rà soát các quy định liên quan để xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật. 

Luật Tổ chức Quốc hội 2014 được Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua để thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013 và mới có hiệu lực thi hành được hơn 03 năm. Các quy định của dự Luật cơ bản đều phát huy tác dụng tốt, chưa có vướng mắc lớn; một số vấn đề tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của quốc hội đã và đang triển khai thực hiện thì cần có thêm thời gian để kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả trên thực tế. 

Do đó, trong lần sửa đổi luật này Ban soạn thảo xác định chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã có chỉ đạo rõ, những vấn đề đã chính muồi, có nhu cầu cấp thiết trong thực tế nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo, kết luận của Trung ương và xử lý việc thiết thống nhất trong một số quy định giữa các luật; đối với những vẫn đề còn ý kiến khác nhau hoặc chưa đánh giá hết được tác động khi thực thi thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để sửa đổi, bổ sung vào thời gian thích hợp. 

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu khai mạc hội nghị

Bên cạnh đó, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến bước đầu về phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điểu của Luật Tổ chức Quốc hội và đề nghị nghiên cứu các vấn đề về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, về số lượng cấp phó và tỷ lệ hợp lý Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế hoạt động của Ủy viên chuyên trách, bảo đảm phát huy hiệu quả của đội ngũ cán bộ này cho hoạt động của Quốc hội; điều kiện bảo đảm, kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội, tên gọi của cơ quan giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội…để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan trong Luật.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, để có cơ sở cho việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung tham gia ý kiến vào các nội dung luên quan đến đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. 

Đại biểu Mai Sĩ Diến – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa 

Quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật của Ban soạn thảo được các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị cơ bản tán thành. Theo đại biểu Mai Sĩ Diến – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, thực tiễn 3 năm triển khai thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội cho thấy quy định của dự Luật cơ bản đều phát huy tác dụng tốt góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Qua nghiên cứu các nội dung đề xuất cho thấy có những vấn đề không nhất thiết phải sửa đổi trong luật mà nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội ban hành Nghị quyết hoặc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hội hướng dẫn thực hiện. Đại biểu nhấn mạnh, sửa đổi luật cần bảo đảm nâng cao địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội và vai trò của cơ quan tham mưu, giúp việc cho đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, khi ban hành Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì các nội dung đưa vào luật là bước tiến trong hoạt động lập pháp về tổ chức bộ máy và hiện nay các nội dung của luật phát huy tác dụng tốt. Sau khi có luật thì vai trò, trách nhiệm, địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được quy định tương đối rõ ràng và qua thực tiễn hoạt động các khóa Quốc hội XIII và XIV, các đại biểu hoạt động tích cực, trách nhiệm và không có nhiều vướng mắc. Cùng với đó các nội dung về phương thức hoạt động, kinh phí được quy định tương đối tiến bộ nếu nay vì vướng mắc tại một số địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất các văn phòng giúp việc của đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân mà lại sửa luật có thể sẽ là bước lùi trong hoạt động lập pháp. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Cần hoàn thiện các quy định đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách 

Tại hội nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề có quy định tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, việc đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội, việc chuyển sinh hoạt của đại biểu Quốc hội trong trường hợp chuyển công tác, việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, quy định về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội, bộ máy giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội và kinh phí bảo đảm hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. 

Về việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, có ý kiến cho rằng Luật hiện hành quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Quy định như vậy là phù hợp và không cần thiết phải sửa đổi bởi quy định này không hạn chế việc có thể tăng thêm đại biểu Quốc hội. 

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần sửa đổi quy định của Luật theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn. Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Nguyễn Hồng Vân cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách để có cơ sở phấn đấu, sắp xếp cán bộ và quy định cơ cấu đại biểu Quốc hội một cách hợp lý. Cùng quan điểm, Phó Trưởng Đoàn đại biểu chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Bùi Huyền Mai cho rằng cần quy định tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 40%, trong đó có ưu tiên đại biểu chuyên trách hoạt động tại địa phương. 

Đại biểu Bùi Huyền Mai – Phó Trưởng Đoàn đại biểu chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội 

Đặc biệt, tại hội nghị đa số ý kiến phát biểu đều cho rằng dịp sửa đổi luật lần này là cơ hội để hoàn thiện các quy định liên quan đến vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương góp phần giải quyết các bất cập trong thực hiện các chế độ chính sách, thi đua khen thưởng, điều chuyển công tác, thực hiện nhiệm vụ đại biểu… 

Đại biểu Thạch Phước Bình – ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định đầy đủ về đại biểu Quốc hội chuyên trách. Do đó, đại biểu đề nghị cần sửa đổi Điều 21 của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng xác định rõ vị trí pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm tạo điều kiện cho đại biểu chuyên trách thực hiện nhiệm, vai trò. Cùng với đó là có thêm các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của đại biểu chuyên trách, quy định cụ thể về công tác quản lý, công tác tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng đối với đại biểu chuyên trách. Đại biểu cũng có kiến nghị cụ thể đối với việc hoàn thiện thang bảng lương, phụ cấp đối với đại biểu chuyên trách nhằm khắc phục những bất cập hiện hành. 

Đại biểu Thạch Phước Bình – ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh 

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cũng bày tỏ mong muốn Luật có nhóm chế định riêng đối với đại biểu chuyên trách ở địa phương. Theo đó, đại biểu chuyên trách địa phương hoạt động chuyên nghiệp, do địa phương quản lý, đánh giá. Đại biểu cũng nhấn mạnh cần chú trọng đến công tác quản lý, quy hoạch cán bộ, xây dựng lực lượng đại biểu kế nhiệm đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu chuyên trách ở địa phương, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cấp ủy địa phương với Ban Công tác đại biểu. 

Tuy nhiên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đòan đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh đề nghị cân nhắc để tránh đưa quá nhiều các quy định về chế độ chính sách đối với đại biểu chuyên trách để tránh tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đại biểu Quốc hội. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Ban soạn thảo đã ghi chép và tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, đồng thời sẽ tiếp tục gửi phiếu xin ý kiến đến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới.

Theo Quochoi.vn

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái tiếp và làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc
Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái: Chuẩn bị tổ chức Hội thi kể chuyện về Bác Hồ
Yên Bai: Bước đột phá trong công tác cán bộ
Khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Bác
Hội thi Bí thư chi bộ giỏi Cụm thi số 2, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 34
Yên Bái triển khai nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019
Cuộc thi Bí thư chi bộ giỏi: Sân chơi bổ ích, thiết thực
Đại biểu 112 quốc gia, vùng lãnh thổ dự khai mạc Đại lễ Phật Đản Vesak 2019