Theo Cáo trạng và Bản án sơ thẩm thì vụ án có nội dung như sau:
Do mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai nên khoảng 08 giờ ngày 09/6/2018 khi nhóm người gồm: Mùa A Tống, Mùa A Khua, Mùa A Cua, Mua A Chua, Mùa A Tù, Mùa A Vàng, Hảng A Cua, Hảng A Giống, Giàng A Thào và một số người khác đang phát nương tại khu vực đồi thuộc lô số 02 khoảnh 10 tiểu khu 474 thuộc thôn Làng Hua, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (khu đất này là đất rừng khoanh nuôi tái sinh do UBND xã Suối Bu quản lý chưa giao cho hộ gia đình và cá nhân nào sử dụng) thì nhóm của Sùng Dua Câu, Sùng Chống Lầu, Sùng Bia Chu, Sùng A Lồng, Sùng A Tồng, Sùng A Dao, Vừ Thị Xay, Giàng Thị Lâu cùng một số người đi đến. Sùng Dua Câu chửi và không cho nhóm của Mùa A Tống phát nương ở khu vực trên với lý do là khu chăn thả trâu bò của gia đình Câu từ trước đến nay. Sùng A Lồng là con trai của Sùng Dua Câu cãi nhau với Mùa A Cua và có lời lẽ xúc phạm Mùa A Cua, Cua đã lao vào huých vai Sùng A Lồng, hai bên xô đẩy nhau, Hảng A Giống vào can ngăn nhưng không được, Lồng và Giống xô đẩy nhau về hướng đường từ dưới thôn đi lên nương, thấy vậy Mùa A Tống đi từ chỗ phát cây lên đến đường thì bị Sùng Chống Lầu lao vào ôm và đẩy Tống ngã xuống đất. Sùng Dua Câu lao vào vật lộn với Tống, cả hai cùng lăn xuống dốc. Mùa A Khua chạy đến can ngăn không cho Câu và Lầu đánh Tống thì bị Sùng Bia Chu chạy đến dùng môt đoạn gỗ dài khoảng 1m vụt môt phát trúng vào tay phải của Khua. Bị Chu đánh, Khua quay lại nói: “Tôi chỉ vào can, sao lại đánh tôi”, biết đánh nhầm người Chu bỏ chạy, Khua cầm dao đuổi theo khi đến gần Chu, Khua vung dao phát đang cầm ở tay trái đánh phần lưng dao trúng vào đỉnh đầu Chu làm Chu bị thương ngã lăn xuống phía dưới bụi cây.
Trong lúc Mùa A Tống và Sùng Dua Câu vật lộn nhau lăn xuống dưới sườn dốc, trên tay cả hai đều cầm dao phát, khi lăn dao của Câu rơi ra, khi dừng lại Câu nằm đè lên người Tống và dùng tay đánh Tống, Tống cầm dao phát ở tay trái vung phần lưng dao đánh về phía sau trúng vào đầu của Câu làm Câu bị thương, Câu bỏ Tống ra, Tống đứng dậy. Vừ Thị Xay là vợ Câu đến can ngăn và giằng con dao phát trên tay Tống nhưng không giằng được. Lúc này Tống nhìn thấy cánh tay trái của Câu lủng lẳng, mặt chảy nhiều máu nên Tống đi lên đường. Sùng Dua Câu và Sùng Bia Chu được gia đình đưa đi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn. tỉnh Yên Bái.
Kết quả giám định pháp y về thương tích của Trung tâm Pháp y tỉnh Yên Bái đã kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của Sùng Dua Câu tại thời điểm giám định là 23%; Tỷ lệ tổn thương cơ thể của Sùng Bia Chu tại thời điểm giám định là 10%.
Bản án hình sự sơ thẩm của TAND cấp huyện quyết định: Tuyên bố bị cáo Mùa A Tống, Mùa A Khua phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134; điểm i, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Mùa A Tống 06 tháng tù; bị cáo Mùa A Khua 06 tháng tù. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015; Điều 357, 468, 584, 585, 586, 590 Bộ luật dân sự năm 2015: Buộc bị cáo Mùa A Tống phải bồi thường cho ông Sùng Dua Câu 11.585.000 đồng; buộc bị cáo Mùa A Khua phải bồi thường cho ông Sùng Bia Chu 10.030.000 đồng. Án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, miễn án phí cho các bị cáo và tuyên quyền kháng cáo theo quy định.
Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo Mùa A Tống, Mùa A Khua kháng cáo xin giảm nhẹ giảm mức hình phạt để được hưởng án treo. Những người bị hại Sùng Dua Câu, Sùng Bia Chu kháng cáo đề nghị điều tra xác minh lại toàn bộ vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung, được Hội đồng xét xử chấp nhận. Lý do cấp phúc thẩm hủy án là do cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cụ thể: Trong vụ án này, các bị cáo Mùa A Tống, Mùa A Khua, những người bị hại Sùng Dua Câu, Sùng Bia Chu và nhân chứng đều là người dân tộc Mông, không thông thạo tiếng Việt nên không hiểu rõ về quá trình giải quyết vụ án nhưng cấp sơ thẩm không cử hoặc không triệu tập người phiên dịch cho các bị cáo và những người bị hại là vi phạm quy định tại Điều 29 và khoản 1 Điều 263 Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn có sai sót trong việc xác định chi phí bồi thường thương tích và viện dẫn Bộ luật hình sự năm 2015 là chưa chính xác vì Bộ luật hình sự hiện hành (đang có hiệu lực pháp luật) là Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Sau khi xét xử phúc thẩm, VKS tỉnh đã thông báo để các đơn vị nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ, đảm bảo cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự.
Phạm Thị Thu Hà – Phòng 7 VKS tỉnh Yên Bái