Cục trưởng Cục Trẻ em: Cần xử lý hình sự hành vi dâm ô của thầy giáo với học sinh

Thời gian tới, cần ưu tiên những giải pháp trước mắt cũng như giải pháp lâu dài để phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đối với học sinh trong trường học. Đó là ý kiến của ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) về những vụ việc liên quan vấn đề xâm hại trẻ em trong môi trường học đường diễn ra gần đây.

* Phóng viên: Thưa ông, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em trong môi trường học đường. Mới nhất là vụ thầy giáo có hành động không đúng mực với nhiều học sinh nữ lớp 5 tại Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội): Về vụ việc xảy ra ở Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận thông tin này. Một phụ huynh trong số các em bị xâm hại nghe con kể chuyện lại với bố mẹ đã gọi điện đến Tổng đài. Qua đó, tố cáo các hành vi mà thầy giáo Dương Trọng Minh gây ra với một số học sinh nữ lớp 5A của Trường này.

Về phía Cục Trẻ em, chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc khá sớm và tích cực của UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, của cơ quan công an. So với trước đây, các cấp chính quyền ở địa phương, cơ quan công an các cấp, đặc biệt là cơ quan công an có trách nhiệm điều tra là cơ quan cấp huyện trong vụ việc này, đã vào cuộc khá tích cực để xác minh, làm rõ tính chất mức độ các việc liên quan đến bạo lực, xâm hại đối với trẻ em.

Tuy nhiên, chúng tôi bày tỏ sự không đồng tình với những ý kiến và thông tin mà UBND huyện cùng cơ quan điều tra của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đưa ra trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí về vụ việc ở Trường Tiểu học Tiên Sơn vào sáng 6-3.

Thứ nhất, phải nói rằng, các vụ việc bạo lực và đặc biệt các vụ xâm hại tình dục trẻ em đều được dư luận rất quan tâm. Về phía trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em phải làm việc tích cực nhanh chóng, trung thực, thận trọng, chi tiết, cụ thể. Việc vào cuộc sớm của cơ quan điều tra là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có điều tra kỹ lưỡng hơn, tiếp xúc đầy đủ các đối tượng được cho là nạn nhân, trước khi đưa ra thông tin có tính chất kết luận về vụ việc.

Chúng tôi được biết, thậm chí, cơ quan điều tra cũng chưa tiếp cận tất cả các học sinh được coi là nạn nhân của vụ việc diễn ra tại lớp 5A của Trường Tiểu học Tiên Sơn.

Nếu theo những quy định và nguyên tắc pháp lý về bảo vệ trẻ em ở Việt Nam, từ hình sự, đến xử lý vi phạm hành chính, tới dân sự, trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền trẻ em, những hành vi đó đối với trẻ em, cho dù xử lý hình sự hay hành chính, đều phải xử lý nặng, có tình tiết tăng nặng. Lý do là vì trẻ em có hạn chế về nhận thức, và các em không có khả năng tự bảo vệ mình

Một vấn đề nữa, cũng phải đề cập ở đây. Trong quy định của pháp luật Việt Nam không có hành vi lạm dụng tình dục hay quấy rối tình dục trẻ em; mà trong tất cả các quy định pháp luật của Việt Nam, chỉ có hành vi xâm hại tình dục mà thôi. Trong đó có hành vi dâm ô với trẻ em và người chưa thành niên. Như vậy, bất kỳ một hành vi nào nằm trong quy định về xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, hành vi dâm ô đều phải xử lý bằng pháp luật hình sự.

Chúng tôi đề nghị, cơ quan điều tra của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cần tiếp tục điều tra, tiếp xúc đầy đủ các trẻ em là nạn nhân trong hành vi của thầy giáo chủ nhiệm, làm rõ hơn, đầy đủ chứng cứ hơn về những hành vi của thầy giáo Minh gây ra với các học sinh nữ ở đây.

 

Chúng tôi khẳng định, nếu đúng như những thông tin cơ quan điều tra cung cấp cho báo chí, hành vi thầy giáo tác động vào các em trong giờ học như vậy, mà không chỉ với một em mà nhiều em, thì đấy là hành vi dâm ô trẻ em. Và nếu có đầy đủ bằng chứng, cần xử lý theo Bộ luật Hình sự để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất.

* Phóng viên: Từ vụ việc này, có thể thấy các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra lúng túng trong xử lý những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em như vậy phải không, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Sự lúng túng thể hiện ở năng lực và việc cập nhật kiến thức. Cần phải cập nhật ngay cho lực lượng làm công tác bảo vệ trẻ em, Theo Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2017, và theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ trẻ em diễn ra năm 2018, tôi được biết, thời gian qua, Bộ Công an và các đơn vị chức năng của Bộ này đã triển khai hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ điều tra các cấp, đặc biệt là trong việc xử lý, can thiệp các vụ việc bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em. Việc này phải làm thường xuyên liên tục, làm sao nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác điều tra nói riêng, cũng như các công tác tư pháp liên quan đến trẻ em. Vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, những người tham gia vào quá trình tư pháp, quá trình tố tụng liên quan đến đối tượng là trẻ em, dù trẻ em là đối tượng vi phạm pháp luật, trẻ em phạm tội hay trẻ em là nhân chứng, nạn nhân, họ cần được đào tạo về tâm lý, giáo dục, tâm lý lứa tuổi, có kiến thức, pháp luật liên quan tới trẻ em và quyền trẻ em.

Do đó, Bộ Công an cần thực hiện tích cực hơn nữa, để bảo đảm đội ngũ cán bộ điều tra, trong đó có cán bộ tham gia vào quá trình tố tụng ở tất cả các cấp, đều phải có đầy đủ năng lực và vốn kiến thức cập nhật, để xử lý những vụ việc liên quan đến bạo lực và xâm hại tình dục với trẻ em.

*Phóng viên: Trong vụ việc vừa qua, Tổng đài 111 đã nắm thông tin kịp thời, cử cả cán bộ xuống địa bàn để hỗ trợ vụ việc này. Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của Tổng đài 111 trong hỗ trợ trẻ em, gia đình trẻ và địa phương trong can thiệp giảm thiểu tối đa những tác động của vụ việc này với trẻ em?

Ông Đặng Hoa Nam: Thực trạng của nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trong thời gian vừa qua là ngay cả các cấp chính quyền, cơ quan tư pháp, các thành viên trong gia đình, cha mẹ… thường chỉ quan tâm đến việc đấu tranh xác minh, làm sao đưa kẻ phạm tội ra trước pháp luật. Chúng ta còn quên đi một trong những việc cấp bách cần phải làm, và làm ngay, là cần phải bảo vệ những nạn nhân trẻ em, để giảm tối đa những tổn hại mà các em phải chịu đựng.

Trong vụ việc ở Trường Tiểu học Tiên Sơn, Bắc Giang, bên cạnh trách nhiệm tiếp nhận thông tin với người dân, Tổng đài 111 phối hợp cùng hệ thống ngành lao động, thương binh và xã hội cùng các cơ quan chức năng khác ở địa phương để xác định thông tin. Ngay lập tức, Tổng đài đã triển khai các biện pháp hỗ trợ các học sinh của lớp 5A, trường Tiên Sơn. Chúng tôi đề nghị tiến hành các hoạt động ổn định tâm lý cho các em, cả tâm lý nhóm và tâm lý cá nhân.

Ở Bắc Giang, Trung tâm Công tác xã hội kết hợp với Tổng đài 111 triển khai các hoạt động ổn định tâm lý, sàng lọc cho các em xem có các biểu hiện về sang chấn tâm lý, tinh thần hay thể chất để có những biện pháp can thiệp hỗ trợ kịp thời. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Công tác xã hội Bắc Giang đã triển khai khá tốt hoạt động này.Ngay lập tức, họ tiếp cận với các học sinh, tổ chức sinh hoạt nhóm, có sàng lọc đánh giá mức độ tổn hại về tinh thần và thể chất với các em.

Về chuyên môn, những vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, không phải dễ gì phát hiện ra những tổn thất của các em. Nhưng qua những đánh giá ban đầu, thông tin từ địa phương, từ Trung tâm Công tác xã hội Bắc Giang cho biết, hiện nay, đa số các em đã trở lại đi học bình thường.

Chúng tôi đề nghị Trung tâm Công tác xã hội, và Tổng đài quốc gia 111 tiếp tục theo dõi, sẵn sàng trợ giúp các em, và phụ huynh về mặt pháp lý, tâm lý và các điều kiện khác theo đúng quy định trong Nghị định 56/2018.

* Phóng viên: Có thể nhận thấy, môi trường học đường hiện cũng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn với trẻ em. Vậy Cục Trẻ em có kiến nghị gì để tăng cường phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trong trường học?

Ông Đặng Hoa Nam: Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Trẻ em đã làm việc với một số đơn vị cấp vụ, cục có chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đó, làm sao triển khai ngay lập tức, xác định một số giải pháp ưu tiên trước mắt cũng như giải pháp lâu dài, để phòng ngừa xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục đối với học sinh trong môi trường giáo dục và trong trường học.

Thời gian tới, chúng tôi cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức một cuộc hội thảo mang tính chất kỹ thuật để đi thẳng vào một số giải pháp mang tính chất trọng tâm. Trước mắt, làm sao tăng cường việc phòng ngừa, cũng như phối hợp xử lý, hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời nhất tất cả các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em ở môi trường trường học.

Ở một khía cạnh khác, chúng ta đang thấy sự triển khai tích cực Luật Trẻ em. Nhận thức của cộng đồng xã hội, của các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, cha mẹ và của chính học sinh, trẻ em đã tăng lên đối với những vấn đề về bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em. Thời gian tới, những vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, cho dù ở trong gia đình hoặc trong trường học, đặc biệt là trong trường học, dần dần sẽ bị lộ sáng nhiều hơn, sẽ bị tố cáo nhiều hơn. Chúng ta sẽ phải đương đầu với một thực trạng như thế.

Đây là kinh nghiệm không chỉ ở Việt Nam, mà là dự báo của nhiều quốc gia đã triển khai hệ thống pháp luật khá tốt để bảo vệ trẻ em. Khi chúng ta có dịch vụ tốt, có quy định của pháp luật, giao trách nhiệm cụ thể rõ ràng. Khi cha mẹ, trẻ em có địa chỉ tin cậy để họ có thể báo cáo bất kỳ lúc nào; khi lời tố cáo, thông tin của họ được cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận xử lý ngay; lập tức, số vụ việc bị tố cáo sẽ tăng lên trong thời gian tới. Bằng chứng là những vụ việc ở Bắc Giang, Thái Bình đã được phát hiện. 

* Phóng viên: Ông có lời khuyên nào dành cho các bậc cha mẹ cũng như các em nhỏ, để có thể phòng tránh tốt hơn tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trong môi trường học đường?

Ông Đặng Hoa Nam: Điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ với các bậc cha mẹ rằng, muốn giáo dục, chăm sóc con mình, họ cần phải học. Về mặt xã hội, cần cập nhật các kiến thức về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Điều thứ hai là, cha mẹ phải dành thời gian cho con cái. Họ cần có thời gian trò chuyện, quan sát, tìm hiểu, để phát hiện những dấu hiệu bất thường của con em mình. Đó là dưới góc độ bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, cũng để con em mạnh dạn, dám chia sẻ với phụ huynh những thông tin, những vấn đề bất thường trong cuộc sống của mình, để biết và bảo vệ trẻ em. Đó là điều cần thiết với bất cứ bậc cha mẹ nào.

Thách thức lớn nhất với cha mẹ hiện nay là dành thời gian cho con. Từ đó có thể quan sát, giám sát, trò chuyện, biết được những bộc lộ bất thường của con, chia sẻ những điều các em cảm thấy bất thường.

Xin cảm ơn ông!

* Ngày 1-3 vừa qua, thầy giáo Dương Trọng Minh, chủ nhiệm lớp 5A, Trường tiểu học Tiên Sơn, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, bị tố cáo có hành vi không đúng chuẩn mực đối với 14 học sinh nữ lớp 5 do giáo viên này giảng dạy.

Trưa 1-3, ông Dương Trọng Minh đi uống rượu. Khoảng 15 giờ, ông Minh về lớp dạy phụ đạo cho học sinh. Quá trình dạy, có một số học sinh mất trật tự. Thông tin từ mạng xã hội cho biết, thầy Minh có hành vi như véo mông, véo mũi, sờ vào vùng nhạy cảm của 14 học sinh nữ.

Ngày 6-3, UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo thông báo kết quả xác minh vụ việc.

Theo đó, quá trình làm việc cho thấy, ông Minh chỉ véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số học sinh lớp 5A, Trường tiểu học Tiên Sơn. Công an huyện Việt Yên báo cáo kết quả trên chưa đủ căn cứ chứng minh việc ông Dương Trọng Minh có hành vi dâm ô (đối với người dưới 16 tuổi).

Theo Nhandan.com.vn

Cảnh báo thủ đoạn lừa bán tiền giả trên Facebook
Yên Bái nhận giải thưởng ứng dụng “9999 Tết” trị giá 1 tỷ đồng
Yên Bái quyết tâm chặn dịch từ khâu giết mổ
Yên Bái được suy tôn làm Cụm trưởng Cụm thi đua 7 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc năm 2019
Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn Châu Phi
Ngày 5/3 xét xử phúc thẩm vụ đánh bạc ngàn tỷ liên quan đến ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tổng kết công tác thi đua – khen thưởng tỉnh Yên Bái năm 2018: 86 tập thể, 34 cá nhân được vinh danh
Toàn văn phát động thi đua năm 2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hội đàm với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un