Các mệnh giá tiền gồm: 500 nghìn đồng, 200 nghìn đồng, 100 nghìn đồng, 50 nghìn đồng được in ra xếp thành từng chồng.
Để chiếm được lòng tin của khách hàng, chủ tài khoản Facebook đưa ra các lời quảng cáo hấp dẫn như: Cam kết nhìn bên ngoài tiền giống 99% tiền thật, chỉ có máy soi mới phát hiện được. Điểm mới so với các thủ đoạn lừa đảo mua bán trước đây là không cần đặt cọc trước, giao dịch trực tiếp, kiểm tra hàng thoải mái trước khi nhận.
Theo công an tỉnh Kon Tum, phần lớn các tài khoản rao bán tiền giả trên mạng xã hội là những tài khoản ảo. Thực chất, các tài khoản này không hề có tiền giả mà chỉ là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Giao diện trang web đối tượng dùng để lừa lấy thông tin thẻ game (Ảnh: Công an tỉnh Kon Tum)
Thủ đoạn của đối tượng là sau khi nhận được yêu cầu mua tiền giả của khách hàng (nhắn tin qua ứng dụng Zalo) thì sẽ hướng dẫn cách trao đổi bằng thẻ game các loại (Vcoi, zing, viangame). Tiếp đến, đối tượng yêu cầu khách hàng click vào đường link dẫn đến 1 trang web có nội dung “TRA CỨU TRẠNG THÁI THẺ NẠP” và làm theo hướng dẫn để khẳng định thẻ game dùng để giao dịch là chưa sử dụng. Ở bước này, khách hàng đã vô tình cung cấp cho đối tượng thông tin quan trọng nhất của thẻ game là số seri, mã thẻ. Ngay sau đó, đối tượng nhanh chóng kích hoạt thẻ, cắt đứt liên lạc với người tìm mua.
Công an tỉnh Kon Tum nhận định đây là hình thức lừa đảo mới, tinh vi, sử dụng công nghệ cao, đánh vào lòng tham của khách hàng.
“Mua bán sử dụng tiền giả là hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật. Vì vậy người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tránh để “tiền mất, tội mang”, Công an tỉnh Kon Tum khuyến cáo.
Một trang Facebook rao bán tiền giả
Có thể thấy hoạt động mua bán tiền giả đã diễn ra sôi động trên các trang mạng xã hội nhiều năm nay. Các đối tượng bán tiền giả không ngần ngại việc quảng cáo; khi có người vào bình luận, hỏi cách mua hàng, họ đều trả lời thản nhiên, không mảy may sợ hãi. Do lợi nhuận cao, dễ thực hiện nên tội phạm buôn bán tiền giả không ngừng gia tăng gây không ít khó khăn cho công tác phòng chống loại tội phạm này. Hơn nữa, tội phạm làm tiền giả chủ yếu ở ngoài lãnh thổ nước ta, đầu mối cung cấp tiền giả thường là người nước ngoài, nên việc triển khai các biện pháp để phát hiện, làm rõ và xử lý các đối tượng làm tiền Việt Nam giả ngoài lãnh thổ rất khó khăn.
Hiện nay, nhiều người đang lầm tưởng là mua tiền giả thì sẽ không vi phạm pháp luật. Thực chất, người mua và người bán tiền giả đều vi phạm luật. Ngay cả trong trường hợp giao dịch không thành công thì người mua cũng có thể bị xử lý. Chính vì vậy, người dân nên cảnh giác, tránh việc tiếp tay cho tội phạm, vi phạm pháp luật mà không biết.
Trong tương lai, tội phạm về tiền giả sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp với chiều hướng gia tăng. Do đó, cần có sự nhận thức đúng và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, nhất là khi trên các trang mạng xã hội, trên internet vẫn còn những bất cập, hạn chế về việc quản lý, giám sát như hiện nay.
Theo Kiemsat.vn