Học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình

Nghị quyết Trung ương 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nghị quyết đặc biệt quan trọng để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu lên chín biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, trong chín biểu hiện suy thoái đó có biểu hiện suy thoái liên quan đến vấn đề tự phê bình và phê bình. Nghị quyết chỉ rõ: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.”

Để góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về tự phê bình và phê bình mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đưa ra, chúng ta cần nghiên cứu, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình.

Theo Người, phê bình là nêu ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình1. Tự phê bình và phê bình phải “ráo riết”, “triệt để”, “thật thà” mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, làm hình thức thì vô ích.

Khi tự phê bình, Người nhắc nhở phải nêu cả ưu điểm, khuyết điểm, vì sao có khuyết điểm đó, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng cách gì để sửa chữa. Người cũng chỉ ra rằng mỗi người phải tùy theo công việc mà tự phê bình những điểm riêng. thấy mình có nhiều khuyết điểm, sợ không sửa chữa, sinh ra bi quan tiêu cực, Người nhắc nhở thế là không đúng, mình không sửa chữa được thì còn có người khác, có nhân dân giúp mình sửa chữa, chỉ cần mình có quyết tâm là được.

Người nói tự phê bình thật thà trước mọi người, thì những người nghe phải ra sức giúp đỡ người đó sửa chữa khuyết điểm. Nếu không, thì cũng như thấy đồng chí mình bệnh mà không giúp họ chữa bệnh.

Về phê bình, Người chỉ rõ phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng nhau tiến bộ.

Đảng viên, cán bộ, Đảng, các đoàn thể phải hoan nghênh và khuyến khích nhân dân phê bình. Nếu phê bình sai, thì phải giải thích. Phê bình đúng, thì phải công khai thừa nhận và sửa chữa2.

Khi phê bình, thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực và phải nêu cả ưu điểm, khuyết điểm, vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữaTuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng”3. Đối với người bị phê bình, thì Người nhắc nhở họ phải vui vẻ tiếp thu và ra sức sửa chữa, không nên vì bị phê bình mà sinh ra chán nản, oán ghét người phê bình mình. Với những người mà phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ì ra, không chịu sửa đổi, thì Người yêu cầu phải nghiêm khắc, phải mời ra khỏi Đảng hạng người này, để tránh “con sâu làm rầu nồi canh”4.

Tự phê bình và phê bình là để tiến bộ. ngừng phê bình và tự phê bình tức là ngừng tiến bộ. Thế nên, Người dạy cán bộ, đảng viên phải tự phê bình và phê bình thường xuyên, hàng ngày và sau mỗi công việc để tiến bộ mãi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những đã chỉ dạy cho chúng ta một cách toàn diện, đầy đủ về tự phê bình và phê bình, mà chính Người đã là một tấm gương sáng ngời trong việc gắn lý luận với thực hành tự phê bình và phê bình.

Năm 1946, trước tình cảnh miền Nam bị nạn xâm lăng, miền Bắc bị nạn đói kém, Người viết bài Tự phê bình, thẳng thắn thừa nhận Chính phủ do Người đứng đầu chưa làm được gì đáng kể cho nhân dân: “Tuy tranh được quyền độc lập đã năm tháng, song các nước chưa công nhận nước ta. Tuy các chiến sĩ ta rất oanh liệt, song kháng chiến chưa thắng lợi. Tuy nhiều người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch.”. Người nêu rõ nguyên nhân của khuyết điểm, đó là vì thời gian ngắn, đất nước còn non trẻ… Với tinh thần kiên quyết sữa chữa khuyết điểm, Người đề nghị đồng bào giúp Người sữa chữa khuyết điểm, trước hết, là bằng cách thực hiện đúng và triệt để những chính sách mà Chính phủ đã đề ra.

Trong kháng chiến chống Pháp, trước tình trạng cán bộ ở một vài nơi thuộc Liên khu IV làm sai Chỉ thị của Chính phủ và đường lối của Đoàn thể, để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây oan ức cho đồng bào, Người đã gửi thư cho đồng bào liên khu IV, thật thà tự nhận khuyết điểm của mình:Tôi phải thật thà xin lỗi những đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thực thà phê bình khuyết điểm của tôi – là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo”5

trong rất nhiều tác phẩm, bài viết, bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên phê bình, nhắc nhở cán bộ, đảng viên ra sức sữa chữa khuyết điểm sai lầm để xứng đáng là người công bộc của nhân dân. Đối với ưu điểm, thì Người có lời khen, động viên họ cố gắng phát huy ưu điểm để ngày càng tiến bộ. Đối với khuyết điểm, thì Người vạch rõ, chỉ ra nguyên nhân và yêu cầu họ phải cố sức sữa chữa và giúp đỡ họ sữa chữa bằng những hướng dẫn cụ thể, thiết thực.

Trong thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra những lỗi lầm chính của một số cán bộ, như trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Qua đó, Người nhắc nhở “ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ”, còn  “Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”6.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947, Người đã thẳng thắn phê bình một số cán bộ, đảng viên, vì phạm phải những khuyết điểm sai lầm như: lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, óc hẹp hòi, thiếu kỷ luật, kéo bé kéo cánh… Và Người đã chỉ rõ cách để chữa khỏi những khuyết điểm ấy.

Tự thấy, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu kỹ, hiểu biết thấu, ghi nhớ và làm theo lời dạy của người về tự phê bình và phê bình để thành cán bộ, đảng viên tốt, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.

Theo Kiemsat.vn

Thể lệ Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng)