Cụ thể, người có chức vụ, quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội phải thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm những việc phải làm hoặc không được làm, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ. Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn phải được công khai để nhân dân biết và giám sát việc thực hiện.
Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:
Không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, là thành viên hợp danh, thành viên góp vốn hoặc cổ đông có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại doanh nghiệp, HTX, BV tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ người có chức vụ, quyền hạn được quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều 3 của Luật này và trường hợp pháp luật có quy định khác; đồng thời không được làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết.
Những người có chức vụ, quyền hạn cũng không được thành lập, giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, là thành viên hợp danh, thành viên góp vốn hoặc cổ đông có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn 3 năm kể từ khi thôi giữ chức vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Luật cũng quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được quyết định việc tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh vợ, chị vợ, em vợ phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng theo danh mục do Chính phủ quy định trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc;
Đồng thời, không được để những người thân thích nêu trên là người quản lý, thành viên hợp danh, thành viên góp vốn hoặc cổ đông có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại doanh nghiệp hoặc có hoạt động kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đó là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu.
Theo luật, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và những người làm việc trong cơ quan, ngành, lĩnh vực do mình quản lý.
Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành quy tắc ứng xử của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án, thẩm tra viên, kiểm sát viên, kiểm tra viên, kiểm toán viên và những người làm việc trong Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước;
Bộ Nội vụ ban hành quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn làm việc trong các cơ quan hành chính ở địa phương; phối hợp với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị – xã hội ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức chính trị – xã hội.
Xem toàn văn Dự thảo tại đây.
Theo Kiemsat.vn