Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong
phát biểu chỉ đạo Hội nghị (nguồn ảnh: Tạp chí Kiểm sát)
Tại điểm cầu VKSND tỉnh Yên Bái, có đồng chí Lương Văn Thức, Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái, các đồng chí Phó Viện trưởng, lãnh đạo cấp phòng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên các phòng 1,2,7,8,9,10,11,12, phòng Thanh tra và 1 cán bộ tổng hợp của Văn phòng. Tại điểm cầu VKSND cấp huyện tỉnh Yên Bái có các đồng chí lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Các đồng chí đại biểu tham dự tại điểm cầu VKSND tỉnh Yên Bái
Hội nghị được nghe đồng chí Nguyễn Tiến Sơn, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày một số nội dung cơ bản của Quy chế 565 ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đó, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là một trong các Cơ quan điều tra chuyên trách, có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Việc phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm, tội phạm xảy ra trong lĩnh vực này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm trong sạch bộ máy tư pháp, xây dựng nền tư pháp vững mạnh, hiệu quả, phục vụ công lý, phục vụ nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Tiến Sơn, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao
tại Hội nghị (nguồn ảnh: Tạp chí Kiểm sát)
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, Quy chế 565 về tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là văn bản pháp lý quan trọng, cụ thể hóa nhiều quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và các văn bản pháp luật khác, trong đó có quy định mới về thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục, trách nhiệm và công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát các cấp trong việc tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tại Hội nghị cũng đã có nhiều ý kiến tham luận đánh giá kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra VKSNDTC với VKSND các địa phương trong việc cung cấp, xử lý các nguồn tin, đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện tốt Quy chế của ngành nhằm đảm bảo tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao hiệu quả nhất.
Diệu Trang, Đỗ Anh Cường – VKS tỉnh