* Về khái niệm:
Khoản 1 Điều 66 BLTTHS quy định: Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
Khoản 1 Điều 67 BLTTHS quy định: Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy, về bản chất, người làm chứng là người biết được tình tiết liên quan đến vụ án, tội phạm và được cơ quan có thẩm quyền triệu tập đến làm chứng, còn người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến.
* Những trường hợp không được tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng, người chứng kiến, theo quy định tại khoản 2 Điều 66 và khoản 2 Điều 67 BLTTHS:
– Những người không được làm chứng bao gồm: Người bào chữa của người bị buộc tội; Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.
– Những người không được làm người chứng kiến: Người thân thích của người bị buộc tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc; Người dưới 18 tuổi; Có lý do khác cho thấy người đó không khách quan.
* Về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng được quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 66 BLTTHS:
– Người làm chứng có quyền được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định; Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng; Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định pháp luật.
– Người làm chứng có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.
* Về quyền và nghĩa vụ của người chứng kiến được quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 67 BLTTHS:
– Người chứng kiến có quyền được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định; Yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; Xem biên bản tố tụng, đưa ra nhận xét về hoạt động tố tụng mà mình chứng kiến; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia chứng kiến; Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật.
– Người chứng kiến có nghĩa vụ phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Chứng kiến đầy đủ hoạt động tố tụng được yêu cầu; Ký biên bản về hoạt động mà mình chứng kiến; Giữ bí mật về hoạt động điều tra mà mình chứng kiến; Trình bày trung thực những tình tiết mà mình chứng kiến theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
* Những quy định về xử lý vi phạm đối với người làm chứng nhưng không áp dụng đối với người chứng kiến:
– Đối với trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật, người làm chứng sẽ bị xử lý: Phạt cảnh cáo; Phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm; Phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm; Ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 382 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
– Đối với trường hợp từ chối hoặc trốn tránh khai báo nếu không có lý do chính đáng thì người làm chứng sẽ bị phạt cảnh cáo; Phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm; Phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm (Điều 383 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh khai báo nếu người này là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội.
Phạm Thị Thu Hà – Phòng 7 VKS tỉnh