* Tại khoản 2 Điều 260 BLTTHS năm 2015 quy định bản án hình sự sơ thẩm được kết cấu gồm 4 phần: Phần mở đầu; Phần nội dung vụ án; Phần nhận định của Hội đồng xét xử và Phần quyết định. Điểm mới trong Phần mở đầu của bản án hình sự sơ thẩm là ghi những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và người tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; thời gian, địa điểm tiến hành phiên tòa; vụ án được đưa ra xét xử; phiên tòa xét xử công khai hay xử kín. Quy định mới này đã thể hiện rõ vị trí, vai trò những người tiến hành tố tụng trong vụ án, tránh việc nhầm lẫn, khó nhận biết đâu là người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người tham gia tố tụng khác.
Bản án sơ thẩm phải ghi đầy đủ họ tên, ngạch chức danh của Thư ký phiên tòa, nếu Thư ký phiên tòa giữ ngạch Thư ký Tòa án thì ghi là “Thư ký Tòa án”; ngạch Thẩm tra viên thì ghi là “Thẩm tra viên”. Đối với đại diện Viện kiểm sát thì ghi đầy đủ tên đơn vị và họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và KSXX tại phiên tòa; Bổ sung thêm thành phần về dân tộc của bị cáo; bị cáo là pháp nhân thương mại… Việc bổ sung nội dung này góp phần thể hiện đầy đủ hơn những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản về nhân thân của bị cáo, đồng thời bổ sung thêm một chủ thể mới phải chịu trách nhiệm hình sự đó là pháp nhân thương mại. Sửa đổi cụm từ “trú tại” thành “nơi cư trú” của bị cáo cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú. Bổ sung việc ghi cụ thể họ tên của những người tham gia tố tụng khác, những người được triệu tập tham gia phiên tòa mà trước đây không phải là bắt buộc phải ghi trong bản án.
Điểm mới rõ nét nhất trong bản án sơ thẩm là Phần nội dung vụ án phải thể hiện đầy đủ các quy định tại các điểm b, c khoản 2 Điều 260 BLTTHS năm 2015. Phần nội dung vụ án không chỉ tổng hợp đầy đủ, toàn diện từ chứng cứ, bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố đến ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng, đồng thời xem xét ý kiến của người tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; Phần “Xét thấy” của bản án sơ thẩm được thay bằng nội dung “Nhận định của Hội đồng xét xử”, theo quy định mới thì phần này bao gồm đầy đủ các nội dung quy định tại điểm d, đ, e khoản 2 Điều 260 BLTTHS năm 2015. Các nhận định (đánh giá) của HĐXX phải tổng hợp được các nội dung trong Phần nội dung của vụ án theo từng vấn đề cụ thể. Trường hợp phải trích dẫn để chứng minh cho lập luận của HĐXX thì phần trích dẫn phải để trong ngoặc kép, ghi rõ số bút lục được trích dẫn.
Phần quyết định của bản án sơ thẩm phải giải quyết đầy đủ các vấn đề quy định tại điểm g khoản 2 Điều 260 BLTTHS năm 2015 (các vấn đề phải giải quyết trong vụ án tương ứng với các vấn đề phải giải quyết khi HĐXX nghị án theo khoản 3 Điều 326 BLTTHS năm 2015). Căn cứ vào phân tích, đánh giá, HĐXX ra quyết định phù hợp. Trường hợp bị cáo phạm tội thì áp dụng điểm, khoản, điều nào của BLHS để tuyên bố bị cáo phạm tội gì, quyết định hình phạt (hình phạt chính, hình phạt bổ sung nếu có) và các vấn đề khác. Trường hợp bị cáo không có tội thì bản án phải ghi rõ những căn xứ xác định bị cáo không có tội và việc giải quyết khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật, đây là nội dung mới được bổ sung để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người không có tội.
Phần Quyết định cũng bổ sung thêm việc đánh giá về tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (nếu có) và kiến nghị phòng ngừa tội phạm, khắc phục vi phạm (nếu có); kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (Điều 265 BLTTHS năm 2015). Việc giao bản án cũng được mở rộng diện chủ thể được nhận bản án, quyết định của Tòa án, cụ thể: Ngoài những chủ thể đã được quy định tại Điều 229 BLTTHS năm 2003 Tòa án cón phải gửi bản án cho bị hại, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan thi hành án dân sự, trại tạm giam, trại giam nơi đang giam giữ bị cáo (khoản 1 Điều 262 BLTTHS năm 2015).
* Tại khoản 3 Điều 260 BLTTHS năm 2015 quy định về bản án hình sự phúc thẩm cũng tương tự như bản án sơ thẩm. Bản án phúc thẩm được kết cấu gồm 4 phần. Phần mở đầu của bản án phúc thẩm cơ bản cũng giống phần mở đầu của bản án sơ thẩm, tuy nhiên phần này có điểm cần chú ý về thành phần HĐXX phúc thẩm xét xử đối với tất cả các vụ án đều là 3 Thẩm phán (trong đó có một Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa), kể cả trường hợp xét xử vụ án có bị cáo bị đưa ra xét xử về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình.
Phần nội dung vụ án về cơ bản cũng trình bày như bản án sơ thẩm hình sự, tuy nhiên trong phần này ghi tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm; nội dung kháng cáo, kháng nghị, nội dung khác có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị hoặc không có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị nhưng Tòa án cấp phúc thẩm có xem xét.
Phần nhận định của bản án phúc thẩm cũng tương tự như phần nhận định của bản án sơ thẩm, nhưng có một số điểm mới đó là chủ thể thực hiện là “Hội đồng xét xử” thay cho “Tòa án cấp phúc thẩm”. Bên cạnh việc phân tích và đánh giá của HĐXX phúc thẩm về những vấn đề đã được tranh tụng tại phiên toà; các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và những chứng cứ chứng minh cho việc chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị… thì HĐXX phúc thẩm phải đánh giá các nội dung khác trong bản án sơ thẩm của HĐXX sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị hoặc tuy không bị kháng cáo, kháng nghị nhưng HĐXX phúc thẩm có xem xét. Như vậy, HĐXX phúc thẩm không chỉ xem xét, đánh giá về quyết định của bản án sơ thẩm đúng hay sai mà còn nhận xét, đánh giá về toàn bộ nội dung thể hiện trong bản án sơ thẩm từ phần mở đầu đến phần nội dung của vụ án và phần nhận định của HĐXX sơ thẩm. Đây là một trong những nội dung rất mới của bản án hình sự phúc thẩm được quy định trong BLTTHS năm 2015.
Phần quyết định trong bản án phúc thẩm hình sự, tùy từng trường hợp cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 355 BLTTHS năm 2015 để đề cập cho phù hợp. Quyết định của bản án hình sự phúc thẩm phải thể hiện đầy đủ các vấn đề phải giải quyết trong vụ án, án phí sơ thẩm, án phí phúc thẩm quy định tại điểm c khoản 3 Điều 260 BLTTHS năm 2015.
Phạm Thị Thu Hà, Phòng 7 VKS tỉnh