Về thăm vùng cơn lũ đi qua

Tháng 10/2017, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa to, rất to với một lượng nước khổng lồ đổ xuống tạo nên những cơn lũ ống, lũ quét bất ngờ trên địa bàn huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải…của tỉnh, gây thiệt hại lớn về người trong đó có sự hy sinh đau xót của nhà báo Đinh Hữu Dư, phóng viên thường trú TTXVN tại Yên Bái khi đang tác nghiệp đưa tin về sự tàn phá khủng khiếp của các cơn lũ gây ra và thiệt hai tài sản với giá trị hàng trăm tỉ đồng mà hậu quả của nó tỉnh Yên Bái phải nhiều năm mới có thể khắc phục được

Ngay sau khi biết tin về những thiệt hại về người, tài sản do lũ gây ra, hưởng ứng phát động của Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã phát động kêu gọi ủng hộ quyên góp mỗi cán bộ, công chức tối thiểu 01 ngày lương để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại, đồng thời chỉ đạo các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi có thiệt hại do lũ ống, lũ quét chủ động thu xếp công việc, cử cán bộ, Kiểm sát viên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xuống các thôn bản, giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ, lụt.

Tiếp đó vào những ngày đầu của tháng 1/2018, Đoàn công tác của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái phối hợp cũng các nhà hảo tâm của tỉnh Hải Dương đã lên thăm và chia sẻ với những thiệt hại, mất mát của bà con vùng lũ ở các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Xác định chuyến đi lần này sẽ vất vả hơn do những đoạn đường bị sạt ta luy và lũ cuốn mất hiện đang được khắc phục, anh Tuấn một thành viên trong đoàn lo lắng điện thoại trước cho chúng tôi về cung đường sẽ đi qua và tình hình thời tiết, qua trao đổi thông tin, tất cả đều ổn.

Ngày 06/01/2018, sau 3 giờ trên xe xuất phát từ Hải Dương, đoàn chúng tôi đã gặp các anh ở thành phố Yên Bái và tiếp tục di chuyển vào huyện Văn Chấn. Trên đường đi trời đổ mưa, đường trở nên trơn trượt, nhiều đoạn cua quanh co, lái xe chậm lại và căng thẳng hiện rõ trên nét mặt anh Phương người lái xe trong đoàn, thấy vậy tôi liền nói “cung đường vào huyện Văn Chấn vẫn tốt chán anh à, đường lên Trạm Tấu cần phải đi cẩn thận hơn, vì đường có nhiều đoạn cua dốc, sạt ta luy đang khắc phục”.

Sau hơn 2 giờ hành trình, chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Khớt và chị Lục Thị Dung thôn Cầu Thia, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn nơi cơn lũ lịch sử quét qua. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là căn nhà của chị Dung đã bị lũ cuốn mất ½ thân nhà, để lộ rõ cả móng, toàn bộ diện tích sân, vườn phía trước nhà đã bị dòng lũ cuốn mất, phần đất đó do con suối thay đổi dòng chảy nay trở thành lòng suối.

Cơn lũ quét cuốn trôi toàn bộ sân vườn và ½ ngôi nhà của chị Dung

Nói chuyện với chúng tôi, với ánh mắt vẫn thất thần, sợ hãi như chưa tin được với những gì đã trải qua, bà Lê Thị Khớt nói: “Tôi đã 85 tuổi, sống ở đây trên 60 năm, chưa từng thấy cơn lũ nào lại lớn, khủng khiếp đến thế. Chỉ trong thời gian hơn 2 giờ đồng hồ, nước lũ về ồ ạt, dâng cao, khi nước lũ đi qua, phía trước nhà tôi trước kia là sân, vườn, bên trái là nhà đã bị lũ cuốn đi mất hết, may là khi lũ về người được sơ tán, nhưng tài sản trong nhà và ngôi nhà đã cuốn theo dòng lũ ”. Tận mắt chứng kiến hậu quả do lũ để lại, chúng tôi cũng không thể tin được trước những thiệt hại do thiên nhiên gây ra, người dân trong vùng lũ có sức chịu đựng kiên trì như vậy. Chia sẻ với những thiệt hại sau lũ của bà con, đồng chí Lương Văn Thức, Viện trưởng VKSND tỉnh và đoàn những nhà hảo tâm Hải Dương đã trao 02 suất quà cho gia đình bà Lê Thị Khớt, Lục Thị Dung, mỗi suất trị giá 3.000.000 đồng nhằm chia sẻ những khó khăn và phần nào khắc phục hậu quả xảy ra.

Đoàn  trao quà cho gia đình bà Khớt

Chia tay bà Khớt, chị Dung, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình lên huyện Trạm Tấu, một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, bị thiệt hại khá nặng nề do lũ quét vừa qua. Trên đường đi chúng tôi bắt gặp những tảng đá to như những gian nhà, nằm chắn ngang bên đường, những chiếc máy xúc phải cuốn thêm những cuộn xích vào bánh lốp nhằm tăng ma sát để di chuyển và san gạt trên những đoạn đường đầy bùn, đất, đá. Khi qua đoạn cua km17, đoàn xe phải dừng lại do có xe đi ngược chiều và đây là điểm sạt lở nặng nhất trên cả đoạn đường. Phần ta luy sạt đã được kè tạm, phần bên núi cao dòng nước trong khe vẫn tuôn xối xả, đục ngầu, dưới chân kè tạm những gốc cây cổ thụ, những tảng đá khổng lồ nặng hàng chục tấn bị dòng nước cuốn đang vùi lấp cùng hàng vạn m3 đất, trong đống bùn đất ấy hàng chục tấn sắt thép của doanh nghiệp xây dựng thủy điện bị chôn vùi, nhấp nhô cabin những chiếc xe ôtô bị vùi lấp. Tận mắt chứng kiến những tàn phá do thiên nhiên gây ra, anh Tuấn, thành viên trong đoàn không khỏi xúc động nói: “Cuộc sống của đồng bào vùng cao đã khó khăn, nay bị thiệt hại về người, tài sản do lũ ống, lũ quét, chắc cuộc sống càng khó khăn bội phần, với những gì vừa trải qua tôi thấy người vùng cao thật can trường, vững chãi như những cây pơmu trên vách núi, khó khăn muôn phần vẫn vươn lên”;

Những chiếc ô tô bị vùi lấp do lũ quét

Mặc dù đường lên huyện Trạm Tấu chỉ hơn 30 km nhưng phải mất hơn 2 giờ chúng tôi mới đến nơi. Cả đoàn tiếp tục đến thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu. Thôn Hát 2 nằm hai bên dòng suối Tung, đứng trên cao nhìn xuống thôn thấy toàn bộ cánh đồng lúa, ao cá hai bên bờ suối đã bị những tảng đá và cát vùi lấp, sau cơn lũ lòng suối đã mở rộng, thay đổi dòng chảy, một vài ngôi nhà chỉ còn lại nền móng, xung quanh thôn mọi người mới chỉ dọn tạm được lối đi về nhà, còn lại đất, cát, sỏi đá ngổn ngang quanh thôn ước tính hàng vài chục nghìn m3 không biết khi nào mới có thể dọn xong. Xa xa bên kia bờ suối, 1 góc quả đồi dài hàng trăm mét, cao trên 50 m bị sạt lở đất, chôn lấp 5 ngôi nhà, làm hư hỏng hàng chục ngôi nhà lân cận, toàn bộ tài sản của nhân dân mất trắng do lũ cuốn trôi và vùi lấp.

Đến thăm nhà bác Lò Văn So ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu chúng tôi thấy ngôi nhà sàn với các cột trụ được xây dựng bằng bê tông may mắn vẫn còn sót lại sau cơn lũ, nhưng toàn bộ phần móng trụ đã bị lũ xới tung, nhìn thấy cả những tảng bê tông, xung quanh nhà có những bức tường được xếp bằng đá cao ngang đầu người. Hỏi bác So về bức tường đá, bác nói: “Đá do lũ cuốn về đấy, nhiều lắm không biết chuyển đi đâu, đành xếp tạm quanh nhà thôi, từ sau hôm lũ tới giờ ngày nào cũng dọn đá, nhưng sức người có hạn, mình thuê máy xúc dọn hết 20 triệu rồi mà vẫn chưa xong…”. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết nhà bác So bị lũ lấp mất 5 sào ruộng, 3 ao cá, cuốn trôi toàn bộ lợn, gà…, toàn bộ ruộng, ao bây giờ đã thành lòng suối và bãi đá trải dài ven suối.

Bãi đá cuội trên mặt đất trước đây là ruộng nhà bác So.

  Đoàn công tác trao quà cho gia đình bác Lò Văn So

Bác So là người dân tộc Thái, nguyên là Viện trưởng VKSND huyện Trạm Tấu (giai đoạn 1978-1993) nay đã nghỉ hưu. Với dáng người gầy, nhỏ, đôi mắt sáng và giọng vẫn sang sảng, bác nói: “Sau khi lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản cho bà con trong thôn, chính quyền địa phương huyện Trạm Tấu đã cử nhiều đoàn công tác xuống trực tiếp giúp dân thu dọn đồ đạc, nhà cửa, vệ sinh sau lũ, nhất là cán bộ của VKSND huyện Trạm Tấu, thành viên của các tổ đến nhà mình, giúp mình nhiều lắm, mình về hưu rồi mà anh em đồng nghiệp trong ngành và chính quyền địa phương vẫn quan tâm, mình xúc động lắm…”. Tham quan quanh nhà bác So, chúng tôi thấy khắp nơi rải rác những hòn đá cuội to như những quả bóng, cái thúng, có những hòn còn to như chiếc xe bò, nằm trên mặt đất trước đây là những thửa ruộng, ao cá…; quả là con người bất lực trước sự giận dữ của thiên nhiên. Thay mặt cán bộ, công chức ngành Kiểm sát Yên Bái, đồng chí Lương Văn Thức trao phần quà 5.000.000 đồng và đoàn những nhà hảo tâm của tỉnh Hải Dương trao phần quà 3.000.000 đồng cho gia đình bác So, nhằm chia sẻ thiệt hại và giúp gia đình bác khắc phục hậu quả sau cơn lũ.

 Chia tay gia đình bác So, trên đường về chúng tôi chỉ mong bà con luôn có nghị lực, niềm tin, các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm luôn quan tâm, tiếp tục giúp bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định sản xuất, đời sống và hy vọng lần sau đến những nơi cơn lũ đã đi qua cuộc sống của bà con có những khởi sắc, bớt khó khăn hơn để ổn định cuộc sống.

Tú Huy – VKS tỉnh Yên Bái

Trao tặng Huy hiệu 40, 45 và 50 năm tuổi Đảng tại Đảng bộ xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình
Hộp thư bạn đọc và cộng tác viên tháng 3 năm 2018
Điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, đối với quy định về việc quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt
Hộp thư bạn đọc và cộng tác viên tháng 1, 2 năm 2018
VKSND tỉnh Yên Bái dự Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2017 tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình
Trại giam Hồng Ca tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân năm 2018
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị cán bộ công chức năm 2018
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp kiểm tra của Đảng”
Tường thuật trực tiếp Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2018 của VKSND tỉnh Yên Bái
Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tham gia giải bóng đá giao hữu Khối thi đua các cơ quan Nội chính tỉnh năm 2017