Ban hành Thông tư liên tịch quy định việc phối hợp giữa các cơ quan THTT trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Ngày 22/12/2017, VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Thông tư liên tịch số 02/2017 gồm 16 điều quy định việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan điều tra trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung, được áp dụng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Thông tư liên tịch số 02/2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 02 năm 2018, thay thế Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSTC-BCA-TATC ngày 27/8/2010 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 02 – Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 245 và điểm a khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự, khi thiếu chứng cứ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

– Chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi đã xảy ra có đủ yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (quan hệ dân sự, kinh tế, vi phạm hành chính và các trường hợp khác theo quy định của luật);

– Chứng cứ để chứng minh “thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định nếu có hành vi phạm tội xảy ra thì xảy ra vào thời gian nào, ở đâu; phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm như thế nào;

– Chứng cứ để chứng minh “ai là người thực hiện hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định một chủ thể cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội đó;

– Chứng cứ để chứng minh “có lỗi hay không có lỗi” là chứng cứ xác định chủ thể có lỗi hoặc không có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội; nếu có lỗi thì là lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý do quá tự tin hay lỗi vô ý do cẩu thả theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Bộ luật Hình sự;

– Chứng cứ để chứng minh “có năng lực trách nhiệm hình sự không” là chứng cứ xác định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa; có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không; nếu có thì mắc bệnh đó vào thời gian nào, trong giai đoạn tố tụng nào;

– Chứng cứ để chứng minh “mục đích, động cơ phạm tội” là chứng cứ xác định chủ thể thực hiện hành vi phạm tội với mục đích, động cơ gì; mục đích, động cơ phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay là tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt;

– Chứng cứ để chứng minh “tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo” là chứng cứ xác định bị can, bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 51, Điều 84 của Bộ luật Hình sự hoặc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 52, Điều 85 của Bộ luật Hình sự;

– Chứng cứ để chứng minh “đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo” là chứng cứ xác định lý lịch của bị can, bị cáo; nếu bị can, bị cáo là pháp nhân thương mại thì phải chứng minh tên, địa chỉ và những vấn đề khác có liên quan đến địa vị pháp lý và hoạt động của pháp nhân thương mại;

– Chứng cứ để chứng minh “tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra” là chứng cứ để đánh giá tính chất, mức độ thiệt hại, hậu quả về vật chất, phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra;

– Chứng cứ để chứng minh “nguyên nhân và điều kiện phạm tội” là chứng cứ xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, điều kiện cụ thể dẫn đến việc chủ thể thực hiện hành vi phạm tội;

– Chứng cứ để chứng minh “những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt” là chứng cứ chứng minh những vấn đề được quy định tại các ®iều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 59, 88 và các điều luật khác của Bộ luật Hình sự;

– Chứng cứ khác để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà thiếu chứng cứ đó thì không có đủ căn cứ để giải quyết vụ án, như: chứng cứ để xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi; chứng cứ để chứng minh vị trí, vai trò của từng bị can, bị cáo trong trường hợp đồng phạm hoặc phạm tội có tổ chức; chứng cứ để xác định trách nhiệm dân sự của bị can, bị cáo và những vấn đề khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật;

– Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thì ngoài việc xác định chứng cứ trong các trường hợp được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản này còn phải xác định chứng cứ để chứng minh điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định tại Điều 75 của Bộ luật Hình sự.

Tại khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch số 02 quy định rõ, Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ để chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được.

Xem toàn văn Thông tư liên tịch số 02 tại đây

Theo vksndtc.gov.vn

Luật: Trách nhiệm bồi thường của nhà nước
Kế hoạch số 32/KH-TLĐ về việc tổ chức cuộc thi báo chí viết về công nhân và công đoàn năm 2017 – 2018
Công văn về việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2017
Nghị quyết số 41/2017/QH14
Kế hoạch triển khai thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13
Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Nghị quyết Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13
Quyết định ban hành quy chế giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2020
Kế hoạch Hoạt động công tác Bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Yên Bái năm 2017