Bộ Công an: Đến năm 2020 sẽ bỏ sổ hộ khẩu giấy

Sáng nay (7/11), Bộ Công an tổ chức họp báo về đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, trọng tâm là trả lời những thắc mắc liên quan đến quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy được quy định tại Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ.

Hình ảnh tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Chủ trì họp báo là Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) và Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an và các cục, vụ có liên quan.

Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, hiện các thủ tục giấy tờ về quản lý dân cư do nhiều bộ, ngành thực hiện chủ yếu bằng hình thức thủ công, chủ yếu phục vụ cho hoạt động của ngành mình mà chưa phục vụ mục tiêu quản lý chung, chia sẻ, kết nối với nhau. Khi tiến hành giải quyết thủ tục hành chính, công dân phải xuất trình nhiều loại giấy tờ để chứng minh nhân thân, gây phiền hà, lãng phí.

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã có quyết định giao Bộ Công an nghiên cứu, thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 896) nhằm tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hoá, số hoá, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thông qua việc thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản về dân cư sẽ tạo lập một hệ cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân thông qua việc tra cứu thông tin dữ liệu khi giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực khác trên toàn quốc, khắc phục tình trạng thu thập, cập nhật thông tin dân cư trùng lắp, gây lãng phí.

Việc đề xuất đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp chứng minh nhân dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Bộ Công an dự kiến sẽ hoàn thành dự án này trong khoảng 2-3 năm.

“Sau khi dự án hoàn thành, hình thức quản lý dân cư sẽ thay đổi từ thủ công sang điện tử. Thông tin cơ bản của công dân đã được thu thập và quản lý đầy đủ, chặt chẽ trên hệ thống. Trên cơ sở đó, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Việc bỏ sổ hộ khẩu là chủ trương, nhưng phải có lộ trình và không thể bỏ công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư.”, Trung tướng Vệ nói rõ.

“Vì vậy, thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân là không chính xác. Các loại giấy tờ trên vẫn còn nguyên giá trị như hiện nay”, Trung tướng Vệ khẳng định lại.

Bộ Công an cũng cho biết, hiện tại nước ta đang có 3 loại giấy tờ chứng minh nhân thân, bao gồm: Chứng minh nhân dân cũ (9 số), chứng minh nhân dân mới (12 số), thẻ căn cước công dân. Cả 3 loại giấy tờ trên đều có giá trị sử dụng như nhau.

Từ ngày 1/1/2016, Luật Căn cước công dân có hiệu lực tại hành tại 16 tỉnh, thành phố đã triển khai cấp chứng minh nhân dân nay đã chuyển sang cấp thẻ Căn cước công dân. Như vậy, hiện tại Bộ Công an đã tổ chức cấp thẻ căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố và cấp chứng minh nhân dân (9 số) cho công dân tại 47 tỉnh, thành phố.

Theo lộ trình, đến ngày 1/1/2020, sẽ mở rộng và cấp căn cước công dân trên phạm vi toàn quốc, khi đó căn cước công dân sẽ dần thay thế cho chứng minh thư nhân dân hiện nay. Tuy nhiên, người dân vẫn có quyền sử dụng chứng minh nhân dân chưa hết hạn. Đến thời điểm này sẽ bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy thay vào đó là quản lý căn cước công dân và mã số định danh cá nhân với 15 trường thông tin cơ bản mà nhiều cơ quan quản lý đều cần có để cập nhật thông tin về cá nhân đó.

Mỗi công dân chỉ cần cho biết số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý tra cơ sở dữ liệu sẽ nắm được các thông tin cơ bản về công dân đó.

Trả lời phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về việc chủ trương này đã và sẽ được “luật hoá” như thế nào bằng việc xây dựng, ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để quy định “bỏ hộ khẩu” đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống? Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, trước khi xây dựng Luật Căn cước công dân, các bộ, ngành đã thảo luận và Chính phủ thống nhất giao Bộ Công an quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 15 trường thông tin cơ bản vì hiện nay Bộ Công an đã quản lý cơ sở dữ liệu bằng giấy từ Trung ương đến địa phương, được cập nhật thường xuyên và sẽ được dùng chung cho các ngành khác.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về căn cước do Bộ Công an quản lý cùng cơ sở dữ liệu của Bộ Tư pháp quản lý đã được kết nối và đang thực hiện ở 16 tỉnh. Những người đã được cấp số căn cước công dân sau này sẽ là số định danh cá nhân của họ.

Bộ Công an đã rà soát có đến 1.934 giấy tờ liên quan, đề xuất cắt giảm 58,2% thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư, kiến nghị huỷ bỏ hơn 30 thủ tục. Bộ Công an cũng đang nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy định của liên quan và sửa đổi các văn bản pháp luật trong thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và công tác quản lý dân cư theo hướng hiện đại. 

Theo Chinhphu.vn

Yên Bái tích cực tìm kiếm 11 người mất tích còn lại do mưa lũ
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm, làm việc với Bộ Quốc phòng
Lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái ủng hộ nhân dân huyện Mù Cang Chải bị thiệt hại do mưa lũ gây ra
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng làm việc tại Kon Tum
Lục Yên: Bắt nghi phạm sát hại mẹ đẻ sau 20 giờ truy lùng
Lục Yên: Một người chết do bị chém
Thành công của Kỳ họp thứ 6 – HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6
Kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945 – 30/6/2017): Mừng Đảng bộ 72 mùa xuân