Việc phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp để tổ chức các phiên tòa hình sự để rút kinh nghiệm và đưa ra xét xử lưu động tại các xã, phường trên địa bàn thành phố Yên Bái là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện chiến lược cải cách tư pháp. Đây là biện pháp bồi dưỡng trực tiếp rất có hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng THQCT và KSXX của Kiểm sát viên tại phiên tòa, là một trong những điều kiện tốt để các cán bộ, Kiểm sát viên khác tham dự phiên tòa học tập, rút kinh nghiệm cho mình, đồng thời việc đưa các vụ án ra xét xử lưu động cũng là việc làm thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân, là phương pháp tuyên truyền giúp nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm hình sự, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Trong kế hoạch công tác năm của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái luôn xác định việc tăng cường phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm và xét xử lưu động nhằm nâng cao chất lượng công tác THQCT và KSXX các vụ án hình sự của Viện kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp là một trong các nội dung hết sức quan trọng; đồng thời đặt ra chỉ tiêu tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm cho từng Kiểm sát viên, xem đó là một trong các tiêu chí để đánh giá thi đua đối với từng cá nhân.
Trong những tháng đầu năm 2017 (từ tháng 3 đến tháng 6/2017) Viện kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái đã phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức được 15 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm; 11 phiên tòa hình sự xét xử lưu động tại phường Yên Ninh và phường Đồng Tâm thành phố Yên Bái. Trong đó, rút kinh nghiệm chung cho cả hai ngành là 10 phiên có sự tham dự theo dõi chỉ đạo của Viện kiểm sát và Tòa án cấp tỉnh; rút kinh nghiệm cho riêng ngành Kiểm sát là 15 phiên có sự tham dự theo dõi chỉ đạo của VKSND tỉnh Yên Bái. Tại các phiên tòa rút kinh nghiệm, các Kiểm sát viên đã quán triệt và thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật; tác phong, trang phục nghiêm túc, đúng quy định; kỹ năng công bố cáo trạng, phát biểu luận tội, tham gia xét hỏi, tranh luận, đối đáp ngày càng được nâng lên cả về chất lượng và hiệu quả; một số Kiểm sát viên đã có những thao tác về nghiệp vụ nhuần nhuyễn, xử lý nhạy bén những tình huống phát sinh ngoài dự kiến, thái độ đúng mực, có sức thuyết phục cao đối với Hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng cũng như mọi người đến dự phiên tòa, tạo nên “hình ảnh đẹp của Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa” trong lòng công chúng, đặc biệt qua những phiên tòa lưu động hình ảnh người Kiểm sát viên – Viện kiểm sát nhân dân đã tạo nên niềm tin trong lòng nhân dân. Thông qua đó, góp phần tuyên truyền, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước vào cuộc sống, xây dựng “văn hóa pháp đình”.
Tại các phiên tòa Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đã nắm chắc và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định tại các Điều 30 và 40 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Công tác chuẩn bị xét xử, tổ chức và điều hành phiên tòa đã được đa số các Thẩm phán thực hiện theo đúng các quy định tố tụng hình sự. Nhiều Thẩm phán đã linh hoạt xử lý tốt tình huống phát sinh ngoài dự kiến tại phiên tòa. Các Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã tạo điều kiện để những người bào chữa cho bị cáo, các đương sự tham gia tranh luận, đối đáp tại phiên tòa đúng và đạt yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của lãnh đạo hai ngành TAND và VKSND, để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các Thẩm phán khác, các Thẩm tra viên, Thư ký và Chuyên viên ngành TAND. Thư ký Toà án đã thực hiện khá đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của ngành Toà án, như phổ biến nội quy phòng xử án, báo cáo sự có mặt và vắng mặt của những người được triệu tập đến phiên toà, việc ghi biên bản phiên toà v.v…
Để đạt được những kết quả đó, trước hết Viện kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái phải luôn xác định Viện kiểm sát là cơ quan “chủ động, đề ra chỉ tiêu” trong việc tổ chức các phiên tòa hình sự để rút kinh nghiệm; phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo TAND cùng cấp, thường xuyên theo dõi việc thực hiện chỉ tiêu phiên tòa rút kinh nghiệm, mời lãnh đạo, kiểm sát viên, thẩm phán cấp tỉnh tham dự chỉ đạo, hướng dẫn và tham gia các ý kiến thiết thực bổ ích cho Kiểm sát viên và thẩm phán sau mỗi phiên tòa. Đối với những phiên tòa rút kinh nghiệm đồng thời là phiên tòa xét xử lưu động và là vụ án điểm, án rút gọn… ngoài công tác chỉ đạo sát sao của lãnh đạo đơn vị thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành Công an, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân cùng cấp để công tác xét xử đạt hiệu quả cao. Thông qua hoạt động xét xử đã đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu tuyên truyền pháp luật của các cấp chính quyền địa phương, đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo quần chúng nhân dân trong việc xử lý người phạm tội (minh bạch, khách quan, công tâm, công bằng, đúng pháp luật); đáp ứng được yêu cầu trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân của ngành Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân, giúp nhân dân có nhận thức đầy đủ hơn về chính sách pháp luật của nhà nước trong việc xử lý người phạm tội cũng như nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội, thủ đoạn và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của các bị cáo qua từng loại tội phạm cụ thể, qua đó nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trên địa bàn dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm mà Đảng và Nhà nước đã đề ra./.
Một số hình ảnh của phiên tòa rút kinh nghiệm:
Nguyễn Thủy- VKS thành phố Yên Bái