Quy định về người đại diện trong tố tụng hành chính có “thiệt thòi” cho đương sự?

Quy định về người đại diện trong tố tụng hành chính theo khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 là rất tích cực, tuy nhiên, trong thực tiễn quy định này đã gây khó khăn cho việc giải quyết của Tòa án. Tác giả đã phân tích rõ vướng mắc này trong bài viết sau đây.

Một trong những điểm mới của Luật tố tụng hành chính năm 2015, đó là quy định tại Khoản 3 Điều 60 về người đại diện. Theo đó, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này.

Mục đích của quy định này theo lý giải của các nhà lập pháp là để bên bị kiện đánh giá chính xác, đầy đủ về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, từ đó quyết định việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc quyết định đối thoại để giải quyết vụ án với người khởi kiện. Nếu ủy quyền cho cán bộ chuyên môn tham gia tố tụng thì họ không có thẩm quyền quyết định những vấn đề trên. Nhìn từ góc độ này thấy quy định tại Khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính  năm 2015 là rất tích cực, thể hiện sự tiến bộ của hoạt động lập pháp.

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính thấy Tòa án rất khó triệu tập người bị kiện đến làm việc hoặc tham gia phiên tòa. Tại các phiên tòa hầu hết người bị kiện đều có đơn xin xét xử vắng mặt. Theo quy định của Luật tố tụng hành chính (Điều 158), trường hợp đương sự vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa án xét xử vắng mặt họ. Việc người bị kiện vắng mặt đôi khi là do yếu tố khách quan (vì là lãnh đạo nên rất nhiều công việc phải giải quyết, không thể suất ngày đến tòa theo kiện, nguyên nhân này có vẻ không phải là chủ yếu); nhưng mặt khác, vì là lãnh đạo nên đa số người bị kiện hoặc người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện đều không muốn hoặc rất ngại đến Tòa án để tranh tụng với các đương sự khác. Nguyên nhân chính là vì nhiều lãnh đạo chỉ nắm được tổng thể chứ hầu hết đều không nắm được cụ thể, tường tận các nội dung liên quan đến yêu cầu khởi kiện như là cán bộ chuyên môn, nhất là quy định về trình tự, thủ tục, căn cứ pháp lý để ban hành quyết định, vì thế họ rất ngại đến tòa để tranh luận với người khởi kiện (bởi lẽ nếu người khởi kiện đưa ra lý lẽ mà không biết tranh luận, đối đáp như thế nào sẽ rất “mất mặt” nên cách tốt nhất là có đơn xin xét xử vắng mặt, mặc kệ Tòa án muốn xét xử như thế nào thì xét xử). Điều này vô hình chung đã gây khó khăn cho việc giải quyết của Tòa án. Và sau cùng, người phải chịu “thiệt thòi” nhiều nhất chính là người khởi kiện và các đương sự khác trong vụ án hành chính vì họ không được thực hiện quyền tranh tụng công khai tại phiên tòa.

Để khắc phục bất cập này, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính năm 2015 theo hướng cho phép người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện hoặc cho cán bộ chuyên môn trực tiếp liên quan đến lĩnh vực có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện tham gia tố tụng và quy định trách nhiệm của người bị kiện bắt buộc phải tham gia phiên tòa. Trường hợp người bị kiện vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, không được xét xử vắng mặt người bị kiện. Có như vậy mới bảo đảm thực hiện được nguyên tắc tranh tụng quy định tại Điều 18 Luật tố tụng hành chính năm 2015. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính do mình ban hành hoặc thực hiện, hướng đến xây dựng một nền hành chính “phục vụ nhân dân”.

Theo Kiemsat.vn

Lãnh đạo VKS tối cao tiếp xã giao đoàn Đại biểu cấp cao Bộ tư pháp nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào
Bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng Vụ 4 VKSND tối cao
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trả lời nhiều câu hỏi của cử tri Quận 5 và Quận 11
Bổ sung đối tượng được dự thi Kiểm sát viên sơ cấp
Bộ luật hình sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018
Lễ công bố và trao Quyết định điều động, bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ 1, Vụ 15 và Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSNDTC
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí tiếp xúc cử tri Quận 10 ngay sau kỳ họp Quốc hội
Việt Nam – Kazakhstan ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự
Khai giảng lớp Bồi dưỡng kỹ năng hỏi cung và khám nghiệm hiện trường
Ngành KSND tích cực hưởng ứng tháng hành động về phòng, chống ma túy