Tổ chức bộ máy, hoạt động của CQĐT VKSND từ năm 2003 đến nay

Đây là giai đoạn Cơ quan điều tra VKSND tối cao khẳng định vị thế, vai trò của mình, nhằm phục vụ tốt hơn nữa việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân.

1. Giai đoạn từ năm 2003 – 2014 theo quy định của BLTTHS năm 2003 và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004

Sau khi BLTTHS năm 2003 được ban hành, thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” khẳng định VKS không thực hiện chức năng kiểm sát chung (kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế). Phòng điều tra ở VKSND cấp tỉnh giải thể, CQĐT của VKS chỉ được tổ chức ở VKSND tối cao (Cục điều tra). 

Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao được quy định cụ thể trong BLTTHS năm 2003 (Điều 110), Luật Tổ chức VKSND năm 2002 (khoản 2 Điều 3) và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (Điều 18), theo đó, “Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp”. 

So với quy định của BLTTHS năm 1988 thì thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND trong BLTTHS năm 2003 đã thu hẹp hơn rất nhiều. Trong đó quy định tổ chức bộ máy Cơ quan điều tra gồm 03 phòng: Phòng Tham mưu tổng hợp (Phòng 1); Phòng Điều tra một số loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp tại các tỉnh phía Bắc (Phòng 2); Phòng Điều tra một số loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp tại các tỉnh phía Nam (Phòng 3). Trong Phòng 3 có 02 tổ công tác đặt tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Nhưng thực tế chỉ mới thành lập tổ công tác đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Về cán bộ, trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2009, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có 31 biên chế, trong đó có 30 Điều tra viên các cấp (12 Điều tra viên cao cấp, 17 Điều tra viên trung cấp, 1 Điều tra viên sơ cấp). Về bộ máy lãnh đạo, quản lý, gồm có: Cục trưởng, 03 Phó Cục trưởng, 03 Phòng nghiệp vụ nhưng chỉ có 2 Trưởng phòng, không có Phó trưởng phòng. Vì thế, kết quả công tác của Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong giai đoạn này chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đã đặt ra. 

Đến năm 2010, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao ký Quyết định số 1169/2010/VKSTC-C6 ngày 19/8/2010 ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Cục điều tra VKSND tối cao. Theo Quy chế trên, Cơ quan điều tra VKSND tối cao được tổ chức thành 5 phòng nghiệp vụ và 2 Đại diện thường trực Cơ quan điều tra VKSND tối cao tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam với tổng số 52 biên chế. Về cán bộ lãnh đạo Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thời điểm này gồm có: Cục trưởng và 5 Phó Cục trưởng; 5 Trưởng phòng, 8 Phó Trưởng phòng và 16 Đội Trưởng Đội nghiệp vụ, trong đó có 33 Điều tra viên các cấp (15 Cao cấp, 16 Trung cấp và 2 Sơ cấp). Về trình độ có 2 Tiến sỹ luật, 7 Thạc sỹ luật, 28 Cử nhân luật, 5 Cử nhân chuyên ngành khác, 8 đồng chí tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, Điều tra viên đều được đào tạo nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và điều tra hình sự. 

Về thẩm quyền của CQĐT VKSNDTC 

Trên cở sở khái niệm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp quy định tại Điều 292 Bộ luật Hình sự năm 1999, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục điều tra ban hành kèm theo Quyết định số 1169/QĐ-VKSTC-C6 ngày 19/8/2010 (gọi tắt là Quy chế số 1169). Theo đó, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thẩm quyền điều tra các tội phạm sau đây: 

(1) Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp quy định tại Chương XXII của Bộ luật Hình sự mà người phạm tội là cán bộ của các cơ quan tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân (TAND); 

(2) Các tội phạm có nguồn gốc phát sinh từ việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ các cơ quan tư pháp hoặc liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ các cơ quan tư pháp trong quá trình tiến hành tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động…) ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; 

(3) Hành vi phạm tội hoặc người thực hiện hành vi phạm tội có liên quan đến vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đang khởi tố, điều tra. 

Về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ 

Ngay sau khi ban hành và thực hiện Quy chế số 1169, công tác điều tra của VKSND đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thể hiện qua số thông tin vi phạm, tội phạm tiếp nhận được tăng rất nhiều so với năm trước, điển hình là số vụ án đã khởi tố hình sự của năm 2010 gấp hơn 2 lần so với năm 2009, số kiến nghị được ban hành để xử lý và phòng ngừa tội phạm tăng gấp hơn 4 lần so với năm 2009, đặc biệt đã phát hiện, xử lý được nhiều vụ án phức tạp, nghiêm trọng ở các cơ quan tư pháp, được dư luận quan tâm. 

2. Giai đoạn từ năm 2014 đến nay theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, BLTTHS năm 2015 và Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015

Với việc Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua BLTTHS năm 2015, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Nhiệm vụ, thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã có sự thay đổi rõ rệt. Theo đó, Cơ quan điều tra VKSND có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp (Điều 163 BLTTHS năm 2015, Điều 20 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Điều 30 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015). Với quy định này, có thể thấy thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND đã được mở rộng hơn rất nhiều so với quy định tại BLTTHS năm 2003, Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Nếu như trước đây, Cơ quan điều tra VKSND tối cao chỉ tiến hành điều tra một số tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì hiện nay Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thẩm quyền điều tra đối với các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Theo thống kê thì với quy định mới như hiện nay, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thẩm quyền điều tra đối với 38 tội danh, bao gồm 24 tội danh thuộc chương các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và 14 tội danh thuộc chương các tội phạm tham nhũng, chức vụ. 

Cùng với việc tăng thẩm quyền điều tra, các quy định mới của pháp luật cũng quy định mở rộng diện chủ thể tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao hơn trước rất nhiều. Nếu như trước đây Cơ quan điều tra VKSND tối cao chỉ tiến hành điều tra đối với các chủ thể tội phạm là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp. Thì nay, theo quy định tại các đạo luật mới về tư pháp, Cơ quan điều tra VKSND tối cao ngoài việc điều tra đối với chủ thể là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, VKSND, cơ quan Thi hành án, còn có thẩm quyền điều tra đối với 02 nhóm chủ thể là: (1) Người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp bao gồm: Người giám định, người dịch thuật, người định giá tài sản, Luật sư, người bào chữa, cán bộ thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra… khi họ tham gia vào hoạt động tố tụng; (2) Cán bộ Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an khi họ thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết ban đầu các tố giác, tin báo về tội phạm. 

Nếu như trước đây Cơ quan điều tra VKSND tối cao chỉ điều tra đến địa bàn cấp huyện do chủ thể tội phạm chỉ quy định đến cán bộ thuộc các Cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử (các cơ quan này được tổ chức cấp thấp nhất ở đơn vị hành chính cấp huyện). Thì nay, với việc quy định mở rộng chủ thể tội phạm thuộc thẩm quyền đến cán bộ Công an cấp xã, phường thì địa bàn tiến hành hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã trải rộng đến địa bàn cấp xã với trên 12.000 cơ quan, tổ chức (gồm hơn 11.000 đơn vị Công an cấp xã, phường và các cơ quan, cá nhân, tổ chức khác có thẩm quyền tham gia vào hoạt động tố tụng). 

Trong quá trình hội nhập quốc tế, với mục tiêu xây dựng một nền tư pháp tiến bộ, minh bạch. Các đạo luật mới về tư pháp đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân mà Cơ quan điều tra VKSND tối cao phải đáp ứng trong thời gian tới như: Quy định quyền được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa của bị can khi kết thúc điều tra; quy định việc ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can tại trụ sở Cơ quan điều tra… 

Việc quy định rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền trong các đạo luật mới về tư pháp sẽ là cơ sở để Cơ quan điều tra VKSND tối cao khẳng định vị thế, vai trò của mình, nhằm phục vụ tốt hơn nữa việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân 

Có thể thấy, kể từ năm 2010, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND chuyển sang một bước ngoặt mới cả về tổ chức hoạt động cũng như công tác xây dựng thể chế, thể hiện qua một số kết quả công tác như: 

Năm 2010, thực hiện Quy chế số 1169 của Viện trưởng VKSND tối cao, Cơ quan điều tra đã tiếp nhận tổng số 497 tố giác, tin báo về tội phạm, tăng 14,5% so với năm 2009; đã phân loại xác định có 178 tố giác, tin báo liên quan đến hoạt động tư pháp, tăng 89,36% so với cùng kỳ. Trong đó có 62 tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; đã kết thúc điều tra, xác minh 45 tố giác, tin báo về tội phạm, đạt tỷ lệ 72,58%. Khởi tố thụ lý, điều tra 21 vụ/42 bị can, tăng 110% so với năm 2009. Thông qua công tác điều tra, xác minh các tố giác, tin báo về tội phạm và giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền, Cơ quan điều tra rất chú trọng kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính và phòng ngừa vi phạm, tội phạm xảy ra ở các lĩnh vực. Năm 2010, Cơ quan điều tra đã ban hành 25 văn bản kiến nghị gửi tới các cơ quan, tổ chức có liên quan. 

Từ năm 2011 đến năm 2014, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tiếp nhận, thu thập 4.036 thông tin về tội phạm, đã nghiên cứu giải quyết 3.947 thông tin (đạt 97,8%). Thụ lý giải quyết tổng số 448 tố giác, đã kết thúc kiểm tra, xác minh, chuyển hồ sơ đến VKSND tối cao kiểm sát theo quy định 440 tố giác, tin báo về tội phạm (đạt 98,2%). Khởi tố, thụ lý điều tra 153 vụ/160 bị can; trong đó: Tội phạm về tham nhũng trong hoạt động tư pháp: 54 vụ/55 bị can (chiếm 35,3%); tội phạm về chức vụ trong hoạt động tư pháp: 22 vụ/20 bị can (chiếm 14,4%); tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp: 56 vụ/76 bị can (chiếm 36,6%)… Đã kết thúc điều tra 141 vụ/153 bị can, đạt 92,1%. 

Việc khắc phục, thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ được Cơ quan điều tra VKSND tối cao chú trọng thực hiện. Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp trung bình đạt 55%.

Cùng với việc chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra đã đặc biệt chú trọng và tích cực phát hiện, xác định nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm, tội phạm để kiến nghị đến các cơ quan hữu quan có biện pháp xử lý và phòng ngừa; đồng thời, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác điều tra. Trong thời gian này, Cơ quan điều tra đã ban hành 296 kiến nghị gửi các cơ quan hữu quan để kiến nghị xử lý và phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Các kiến nghị trên đều được các cơ quan nghiêm túc tiếp thu và có biện pháp khắc phục. 

Trong giai đoạn này, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp về tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp cũng như làm rõ những vụ án oan, sai được dư luận xã hội quan tâm, như: 

Khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Lý Nguyễn Chung về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” xảy ra tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là căn cứ quan trọng để VKSND tối cao kháng nghị tái thẩm đối với vụ án Nguyễn Thanh Chấn về tội “Giết người”, Tòa án nhân dân tối cao đã hủy bản án để điều tra lại, ông Nguyễn Thanh Chấn đã được trả tự do sau hơn 10 năm bị giam giữ thi hành án oan, sai. Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã khởi tố bị can về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án đối với Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Chấn.

Vụ án Ngô Thanh Phong, Phạm Văn Út bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Nguyễn Tuyến Dũng về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang. Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên phạt bị cáo Ngô Thanh Phong 03 năm tù giam; bị cáo Phạm Văn Út 01 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tuyên phạt Nguyễn Tuyến Dũng 10 năm tù giam về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. 

Vụ Nguyễn Thành Đoàn, Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình đã bị CQĐT VKSND tối cao khởi tố về tội “Ra bản án trái pháp luật” do có hành vi cố ý bỏ qua các tình tiết tăng nặng, cố ý áp dụng các tình tiết giảm nhẹ không có thực để ra bản án trái pháp luật trong quá trình xét xử vụ án “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” xảy ra tại thành phố Ninh Bình. 

Với thành tích đạt được của CQĐT ở giai đoạn này trong việc chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và phòng, chống tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp đã thực sự chiếm được lòng tin của nhân dân, của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với ngành Kiểm sát nhân dân, trong đó có Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Đó là cơ sở để Quốc hội ghi nhận và giao cho CQĐT VKSND tối cao thẩm quyền mới được quy định trong Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 và các đạo luật mới về tư pháp. 

Vũ Đăng Khoa

Kiểm sát viên VKSNDTC,

Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSNDTC

Theo Tạp chí Kiểm Sát

Bài 1: Tổ chức bộ máy, hoạt động của CQĐT VKSND từ khi thành lập đến năm 2003
Vì một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh
Thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp
VKSND tỉnh Tây Ninh: Thi kỹ năng viết bài phát biểu của Kiểm sát viên
Thuận tình ly hôn mỗi bên chỉ chịu 25 phần trăm mức án phí
Phiên tòa rút kinh nghiệm phải thể hiện văn hóa pháp lý nơi xét xử
Nghiên cứu và lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự
Trao Kỷ niệm chương “Bảo vệ pháp chế” cho nguyên Cố vấn trưởng Dự án Chương trình đối tác tư pháp
Kinh nghiệm thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát điều tra vụ án hình sự
Bổ nhiệm Phó Chánh Thanh tra VKSND tối cao