Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3

Ngày 3-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Cùng dự, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, nhấn mạnh các điểm sáng cũng như bất cập, yếu kém của kinh tế quý I-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, GDP trong nước tăng trưởng thấp, nhất là sản xuất công nghiệp, do đó, các bộ, ngành có kịch bản tăng trưởng từng ngành, từng sản phẩm, nhất là công nghiệp khai khoáng, xây dựng, chế biến-chế tạo. Thủ tướng nêu rõ, nếu không có sự nỗ lực vượt bậc, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao của các bộ, ngành, địa phương thì chúng ta khó đạt mức tăng trưởng đã đề ra.

Đề cập các giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị triệt để tiết kiệm trong sản xuất, kinh doanh, gia tăng giá trị sản phẩm, qua đó góp phần tăng GDP là giải pháp trước mắt lẫn lâu dài. Thực tế còn một bộ phận cán bộ cấp cơ sở chưa làm tốt công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, do đó, phải tiếp tục làm tốt việc này, nhất là tập trung cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Thủ tướng biểu dương Văn phòng Chính phủ đã thiết lập trang mạng để giải quyết kịp thời ý kiến đóng góp, thắc mắc của doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; đồng thời quyết định tổ chức hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ hai trong thời gian tới.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua thúc đẩy cổ phần hóa, bán một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước, thay đổi cách quản trị, lấy vốn đó để đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế; giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo lĩnh vực này, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhanh, mạnh mẽ hơn, bảo đảm minh bạch, không để thất thoát vốn của Nhà nước. Thủ tướng cho rằng lực lượng vật chất trong dân còn lớn, cần khai thác mạnh hơn nữa để phục vụ đầu tư phát triển. Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai các chủ trương của Chính phủ, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển; chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5 đến 1%; nếu không giảm được thì cũng không được tăng lãi suất, góp phần tiết kiệm chi phí tài chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần dành nhiều thời gian hơn cho cải cách thể chế kinh tế; nhấn mạnh càng khó khăn, chúng ta càng phải đổi mới mạnh mẽ hơn; bảo đảm tăng trưởng đi đôi với chất lượng tăng trưởng, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa để phục vụ người dân, phát triển thị trường bán lẻ. Ngành công thương phối hợp các ngành liên quan đề xuất, thiết lập các hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ thể chế, giải quyết những vấn đề vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để tạo thuận lợi cho phát triển; không để tình trạng trì trệ trong một bộ phận cán bộ, công chức; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ trưởng, lãnh đạo ngành phải có chương trình cụ thể thực hiện chủ trương Chính phủ đã đề ra liên quan vấn đề tăng trưởng, xuất nhập khẩu, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, giải ngân. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội…

* Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận: Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý 1-2017; biện pháp quản lý giá sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi; báo cáo kết quả kiểm kê đánh giá thực chất tình hình nguồn lực của nền kinh tế; báo cáo chuyên đề về cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

Ra mắt Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của người dân

Chiều 3-4, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng thông báo: Hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân, Văn phòng Chính phủ xây dựng và đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn

Đây là kênh thông tin tương tác giữa Chính phủ với người dân do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Người dân dễ dàng truy cập Hệ thống từ máy vi tính, thiết bị di động được kết nối in-tơ-nét để gửi, theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị của mình về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp thực tế, không đồng bộ, không thống nhất, không hợp pháp, trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; về hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thông qua Hệ thống, cơ quan hành chính nhà nước các cấp sẽ tiếp nhận, trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân theo từng lĩnh vực, từng cơ quan xử lý…

Bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng

Liên quan việc nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc, đặc biệt là loại dưới 9 chỗ ngồi, đại diện Bộ Công thương cho biết, quý I-2017, lượng ô-tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng mạnh (44,5%) so cùng kỳ năm 2016. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo: Bộ Công thương, các bộ liên quan và một số chuyên gia đã thành lập tổ công tác liên bộ, ngành để gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô-tô nhằm tìm giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ, bảo đảm phù hợp các cam kết của WTO; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng. Tổ công tác đang rất khẩn trương và trước ngày 1-5 tới sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất những biện pháp phù hợp nhất, nhằm đạt được cả hai mục đích trên.

Giành lại vỉa hè nhận được sự đồng tình của người dân

Về chiến dịch giành lại vỉa hè cho người dân ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố khác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong thời gian gần hai tháng, chiến dịch đã mang lại kết quả tích cực, được người dân đánh giá cao. Bộ trưởng cũng khẳng định, việc duy trì kỷ cương, lập lại trật tự hè phố vẫn bảo đảm cuộc sống cho người dân bình thường. Việc phá các công trình lấn chiếm cũng không làm ảnh hưởng cảnh quan. Lòng lề đường công cộng là do chính quyền quản lý; các hộ, tổ chức cá nhân xây lấn chiếm lòng, lề đường đều bị phá bỏ và không loại trừ cơ quan, tổ chức nào. Như vậy người dân mới đồng tình. Việc xây bậc tam cấp trước đây không phá bỏ được nhưng bây giờ các tỉnh, thành phố đã ra quân đồng loạt và thực hiện rất nghiêm, từ đó nhận được sự đồng thuận và đã lan tỏa tới đông đảo người dân.

Theo báo Nhân Dân

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch Hãng thông tấn AFP
Yên Bái tạo đột phá trong luân chuyển cán bộ
Chủ tịch nước tiếp; Chủ tịch QH đón, hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn CapitaLand (Xin-ga-po)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn đại biểu Thủ đô Viêng Chăn (Lào)
Công điện 427/QĐ-TTg của Thủ tướng về ngăn chặn virus cúm A/H7N9
Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 tại UBND tỉnh
Thông điệp chung của Việt Nam gửi tới Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2017: Bảo vệ nguồn nước là trách nhiệm của toàn xã hội
Lịch nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương và dịp 30/4