Điểm mới về kiểm sát điều tra trong BLTTHS năm 2015

Điều 165 đến 167 BLTTHS năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi THQCT trong giai đoạn điều tra. Khi KSĐT các vụ án hình sự, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của VKS là “đề ra yêu cầu điều tra”.

Kiểm sát viên điều tra án hình sự – Ảnh minh họa

Về đề ra yêu cầu điều tra 

Điều 165 đến 167 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát (VKS) khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, khi kiểm sát điều tra (KSĐT) các vụ án hình sự; trách nhiệm của Cơ quan điều tra (CQĐT), cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra. 

Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự đó là “đề ra yêu cầu điều tra”. Tại khoản 6 Điều 165 BLTTHS năm 2015 chỉ rõ: “Đề ra yêu cầu điều tra (YCĐT) và yêu cầu CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành điều tra làm rõ tội phạm, người phạm tội; yêu cầu CQĐT truy nã bị can, áp dụng biện pháp tố tụng đặc biệt”. Như vậy, việc đề ra YCĐT có những nội dung mới như sau: 

– BLTTHS năm 2015 nêu rõ đối tượng mà VKS ra bản YCĐT không chỉ là CQĐT mà cả cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân. Theo quy định tại BLTTHS năm 2003 thì bản YCĐT chỉ áp dụng đối với đối tượng là CQĐT. Như vậy, phạm vi yêu cầu điều tra theo quy định BLTTHS năm 2015 đã được mở rộng rất nhiều. 

– Nội dung của YCĐT để “làm rõ tội phạm, người phạm tội” và một số nội dung khác. Đây là nội dung hoàn toàn mới trong BLTTHS năm 2015, có tính bao quát đến toàn bộ vụ án hình sự. 

Về kiểm sát điều tra vụ án hình sự 

Về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi KSĐT các vụ án hình sự được quy định tại Điều 166 BLTTHS năm 2015, gồm 9 khoản. So với Điều 113 BLTTHS năm 2003 thì tăng 4 khoản và bổ sung thêm nhiều nội dung mới như sau: 

– Đối tượng của công tác KSĐT không chỉ là CQĐT như BLTTHS năm 2003 mà cả cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. 

– Khi KSĐT, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu CQĐT và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp tài liệu liên quan để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra khi cần thiết (điểm mới). 

– Khi phát hiện việc điều tra không đầy đủ, vi phạm thì VKS có quyền yêu cầu CQĐT và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện một số hoạt động: Tiến hành điều tra đúng pháp luật; kiểm tra việc điều tra và thông báo kết quả cho VKS; cung cấp tài liệu liên quan đến hành vi, quyết định tố tụng có vi phạm pháp luật trong việc điều tra. Đây là các quy định hoàn toàn mới, rõ và cụ thể hơn so với BLTTHS năm 2003. 

Về trách nhiệm của CQĐT, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hiện yêu cầu, quyết định của VKS trong giai đoạn điều tra: Tại khoản 1 Điều 167 BLTTHS năm 2015 quy định các cơ quan này phải thực hiện yêu cầu, quyết định của VKS trong giai đoạn điều tra (riêng khoản 4, 5 thì phải thực hiện nhưng có quyền kiến nghị). Nếu như Điều 114 BLTTHS năm 2003 quy định trường hợp này “có trách nhiệm thực hiện” thì BLTTHS năm 2015 quy định “phải thực hiện”, nhằm nâng cao hiệu lực các quyết định của VKS. 

(Trích bài viết của tác giả Trần Thanh Thủy, Viện trưởng VKSND huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. TCKS số 16/2016). 

Mời quý vị độc giả đón đọc kỳ sau (sắp phát hành): 

Bản yêu cầu điều tra theo BLTTHS năm 2015.

Theo Tạp chí Kiểm sát

Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp Đoàn công tác Viện nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực Châu Á Viễn Đông của Liên Hợp Quốc
Kỷ niệm về một vụ án
Đề nghị giữ nguyên khoản 4 Điều 17 BLHS năm 2015
Toàn ngành KSND góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015
Chế tài xử lý hành vi tự ý phát tán thông tin, hình ảnh của người khác
Nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong giai đoạn truy tố và vấn đề nâng cao chất lượng bản cáo trạng
Những quy định có lợi cho người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra theo BLTTHS năm 2015
Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh trong tố tụng dân sự
Lần đầu tiên giao ban 03 VKSND cấp cao
Lãnh đạo VKSNDTC tiếp Đoàn đại biểu UNAFEI