Theo quy định tại Điều 196 BLTTHS năm 2003 Toà án không được xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố như tại Điều 196 BLTTHS năm 2003 là chưa thể hiện được việc đề cao kết quả tranh tụng tại phiên toà như yêu cầu đã được xác định trong Nghị quyết số 08-NQ/TW(3) và Nghị quyết số 49-NQ/TW (1) của Bộ Chính trị và cũng không phù hợp với nguyên tắc Hiến định Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật – một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng.
Mặt khác, việc quy định Tòa án phải xét xử theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố cũng không phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội; từ đó có thể dẫn đến trường hợp vụ án không được xem xét một cách khách quan, toàn diện vì khi xét xử, Hội đồng xét xử chỉ tập trung kiểm tra tài liệu, chứng cứ xem bị cáo có phạm tội mà Viện kiểm sát truy tố hay không. Hơn nữa, theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và để cụ thể hóa nội hàm của quyền tư pháp, tại điểm c khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ.
Theo đó, Tòa án có thể thu thập được những tài liệu, chứng cứ mới và với những tài liệu, chứng cứ thu thập được, căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án với tư cách là cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp phải có quyền phán quyết về việc bị cáo đã phạm một tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố. Đổi mới quy định về giới hạn của việc xét xử, Điều 298 BLTTHS năm 2015 quy định:
“1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.
Quy định này của BLTTHS năm 2015 phù hợp với Hiến pháp 2013 và tinh thần cải cách tư pháp được thể hiện trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời cũng tháo gỡ không ít khó khăn trong thực tiễn xét xử của Tòa án, bảo đảm sự độc lập của Tòa án trong xét xử, bảo đảm phán quyết của Tòa án phải trên cơ sở kết quả xét hỏi, tranh tụng và những chứng cứ đã được kiểm tra công khai tại phiên tòa. Theo đó, không những Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, Tòa án còn có thể xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn; trường hợp này Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại. Nếu Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm và giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn. Đây cũng là việc quy định cụ thể hóa nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (2).
(1) Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW thì “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đội phá của hoạt động tư pháp”.
(2) Điều 23 BLTTHS năm 2015 quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”.
(Trích bài viết: “Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” của TS. Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án TAND tối cao. Tạp chí Kiểm sát số 7/2016).