NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI VỀ XÓA ÁN TÍCH

Để chuẩn bị thi hành Bộ luật hình sự, Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội đã nêu rõ: Kể từ ngày 01/7/2016 tiếp tục thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 109/2015/QH13, trong đó có nội dung quy định về xóa án tích và các điều kiện được xóa án tích có lợi hơn cho người phạm tội so với quy định của Bộ luật hình sự năm 1999.

Tại Điều 63 Bộ luật hình sự 1999 quy định về Xóa án tích:“Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án và được Tòa án cấp giấy chứng nhận” nghĩa là một người được xóa án tích thì phải được Tòa án cấp giấy chứng nhận.

Nội dung điều luật cho thấy đây là điều kiện bắt buộc cần và đủ đối với người đã chấp hành xong bản án. Quy định trên phần nào gây nên những khó khăn, bất lợi cho người chấp hành xong bản án, bởi vì trong thực tế Tòa án chỉ cấp giấy chứng nhận đã được xoá án tích cho người có đơn yêu cầu. Mặt khác, việc quy định về thời hạn xoá án tích còn quá dài kể cả trường hợp đương nhiên được xoá án tích và xoá án tích theo quyết định của Toà án, chưa tạo điều kiện để người đã chấp hành xong bản án nhanh chóng tái hoà nhập cộng đồng.

So với quy định về xóa án tích của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều quy định mới có lợi hơn cho người đã chấp hành xong bản án và người phạm tội mới. Khái niệm xóa án tích được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định“Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã phân chia các trường hợp người được xóa án tích cụ thể như sau:

1. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt thì không bị coi là có án tích (Khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự 2015).

2. Đương nhiên xóa án tích

Đương nhiên được xóa án tích nếu không phạm tội mới được áp dụng đối với người bị kết án nếu không phải về các tội: Xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII) và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI) của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 70 của Bộ luật này.

– Thời hạn đương nhiên xóa án tích: Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không phạm tội mới trong thời hạn:

+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo.

+ 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm.

+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 05 năm đến 15 năm.

+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Nếu người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn nêu trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung (trừ thời hạn đối với hình phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng được giảm án).

– Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành án, người đó không phạm tội mới trong thời hạn nêu trên.

3. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án

Được áp dụng đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện:

– Tòa án quyết định xóa án tích căn cứ vào tính chất tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.

Thời hạn xóa án tích theo quyết định của Tòa án được xác định là từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn:

+ 03 năm nếu bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm.

+ 05 năm nếu bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm.

+ 07 năm nếu bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn trên thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

– Khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn nêu trên.

Đối với trường hợp người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; bị bác đơn lần thứ hai trở đi thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích.

4. Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt

Người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.

5. Xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi

Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, cụ thể: (Khoản 7 Điều 91 Bộ luật này  quy định:  Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm).

– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý.

– Người bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

 Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xoá án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.

6. Cách tính thời gian xóa án tích

– Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.

–  Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.

– Người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời hạn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người đó.

– Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt./.

Phạm Thị Thu Hà, Phòng 7

Hộp thư bạn đọc và cộng tác viên tháng 8 năm 2016
VKSND tỉnh Yên Bái phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, bảo vệ thành công kháng nghị phúc thẩm hình sự
Thông báo bảo trì phần mềm quản lý và thống kê án hình sự và quản lý thống kê án dân sự
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái – Đơn vị luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững danh hiệu “Tập thể dẫn đầu phong trào thi đua khối”.
Chi đoàn VKSND tỉnh Yên Bái với chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2016
Lễ trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho đảng viên và Học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái trực tiếp kiểm sát việc thi hành án dân sự
Hội Luật gia tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống oan, sai trong hoạt động tố tụng ở Yên Bái”
Hộp thư bạn đọc và cộng tác viên tháng 7 năm 2016
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái sơ kết việc thực hiện Kế hoạch 125-KH/TU, ngày 03/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về “Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp”.