Đại diện VKS tỉnh Yên Bái THQCT tại phiên tòa hình sự phúc thẩm
Theo Bản án sơ thẩm của TAND huyện Văn Chấn thì nội dung vụ án như sau: Tạ Văn Vạy, sinh năm 1991, trú tại thôn Chiềng Pằn 2, xã Gia Hội, huyện Văn Chấn và Chu Thị Chung, sinh năm 1998, trú tại Bản Đồn, xã Gia Hội, huyện Văn Chấn có quan hệ yêu đương nhưng bị bố mẹ Chu Thị Chung ngăn cản nên đã nảy sinh suy nghĩ tiêu cực. Tối ngày 24 tháng 5 năm 2015, Tạ Văn Vạy đến nhà Chu Thị Chung chơi và rủ Chung trốn đi nhưng Chung không đồng ý mà rủ Vạy cùng tự sát, Vạy đồng ý nên cả hai đi xe máy đến xã Tú Lệ và thuê phòng nghỉ số 108, tại khách sạn Phố Núi, xã Tú Lệ ở qua đêm để tâm sự và bàn nhau tự sát bằng cách uống thuốc trừ sâu. Sáng ngày 25/5/2012, Chung tiếp tục rủ Vạy tự sát nên Vạy đã đi mua 02 chai thuốc trừ sâu hiệu SUPERIN và 01 chai rượi đem lên phòng nghỉ. Chung đã đổ số thuốc trừ sâu trong chai ra 02 cốc và tự uống hết 01 cốc thuốc trừ sâu, Vạy cũng uống hết cốc thuốc trừ sâu còn lại cùng với 01 chai rượu. Sau khi uống xong Vạy thấy khó chịu trong người nên đã nôn hết số thuốc trừ sâu và rượu vừa uống ra, còn Chung đã ngấm thuốc nên bị đau bụng đi quanh phòng, Chung nói với Vạy: “Anh ơi giúp em đi, em khó chịu và đau quá”. Chung đã giật đứt dây điện của tủ lạnh tự gí vào mạng sườn nhưng không bị điện giật nên đã rút phích cắm điện ra đưa cho Vạy rồi nằm lên giường và nói “Anh giúp em đi, em đau quá”. Vạy dùng răng cắn bỏ phần vỏ nhựa của đầu dây điện rồi cắm phích điện, Chung cầm dây điện gí vào mạng sườn của mình 2, 3 lần rồi vứt dây điện lên phía trên thì dây điện rơi vào má trái của Chung. Lúc này Vạy rút phích điện vứt xuống đất, Chung bị co giật sau đó nằm im. Vạy nghĩ Chung đã chết nên dùng mảnh thủy tinh cắt cổ tay mình rồi nằm cạnh Chung một lúc, sau đó Vạy lấy dây điện đi vào phòng vệ sinh xả nước ra nền và cắm phích điện thả dây điện xuống nền nhưng không thấy bị điện giật nên cầm dây điện đi ra ngoài và lao đầu vào tường, vào đầu giường và ngất đi, Đến khoảng 07 giờ 30 phút ngày 26/5/2015 mọi người phát hiện đưa Vạy đi cấp cứu còn Chung đã tử vong.
Bản án sơ thẩm quyết định: Áp dụng khoản 1, điều 101; điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Tạ Văn Vạy 01 năm 06 tháng tù về tội: “Giúp người khác tự sát”. Ngoài ra, bản án còn quyết định xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 10/11/2015, người đại diện hợp pháp của bị hại kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm để truy tố, xét xử lại theo hướng thay đổi tội danh đối với bị cáo, đề nghị truy tố, xét xử bị cáo Tạ Văn Vạy về tội “Giết người” và xác định lại mức bồi thường tổn thất về tinh thần.
Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và kết quả kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với vụ án, VKSND tỉnh Yên Bái thấy cần rút kinh nghiệm những vấn đề sau :
Trong vụ án này, chứng cứ để truy tố và xét xử bị cáo căn cứ vào lời khai của bị cáo, kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và lời khai của những người làm chứng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Tạ Văn Vạy, việc thu thập tài liệu chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng chưa đầy đủ, chưa làm rõ cơ chế hình thành các thương tích trên cơ thể nạn nhân và các yếu tố hình thành thương tích theo mô tả của biên bản khám nghiệm tử thi. Quá trình điều tra không tiến hành thực nghiệm điều tra để làm rõ nguyên nhân hình thành thương tích; Biên bản khám nghiệm hiện trường không phản ánh đầy đủ các dấu vết tại hiện trường; Không thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ cần thiết liên quan đến vụ án như: Mẫu máu trên người nạn nhân, vết máu tại hiện trường, bệnh án của bị cáo, lý lịch tư pháp của người bị hai,…
Trong quá trình xét xử, cấp sơ thẩm cũng chưa xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ nên trong lời khai của bị cáo còn nhiều nội dung không phù hợp với các tài liệu trong hồ sơ vụ án nhưng chưa được làm rõ trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ dựa vào lời khai của bị cáo mà không có tài liệu chứng khác đối chứng để kết luận là phiến diện, thiếu căn cứ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Chu Văn Thủy là người đại diện hợp pháp của bị hại trình bày: Trong giai đoạn điều tra, ông Thủy đã có đơn đề nghị khai quật tử thi để giám định lại, do khi tắm rửa, khâm liệm cho Chu Thị Chung nhiều người trong gia đình ông phát hiện phía sau đầu người bị hại chảy rất nhiều máu, trên cơ thể bị cháy rất nhiều chỗ, trong đó có nhiều vị trí chưa được mô tả trong biên bản khám nghiệm tử thi, đồng thời ông Thủy cũng khiếu nại việc tại phiên tòa sơ thẩm ông có yêu cầu triệu tập thêm một số người làm chứng nhưng không được chấp nhận. Những người làm chứng tại phiên tòa phúc thẩm cũng đều khai khi tắm rửa, khâm liệm cho người bị hại đã phát hiện trên người bị hại có nhiều vết thương tại các vị trí chưa được mô tả trong biên bản khám nghiệm tử thi…
Xét thấy những nội dung vi phạm, thiếu sót nêu trên cấp phúc thẩm không thể khắc phục, bổ sung được nên Đại diện VKSND tỉnh Yên Bái thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại theo thủ tục chung, được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Sau phiên tòa, Phòng 7 VKS tỉnh đã xây dựng thông báo để các đơn vị nghiên cứu, học tập, rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ, đảm bảo cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật.
Phạm Thị Thu Hà, Phòng 7 VKS tỉnh