Tham dự hội nghị tại điểm cầu VKSND tỉnh Yên Bái có đồng chí Lương Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Viện, các đồng chí Trưởng phòng, Kiểm sát viên và cán bộ phòng 1,2, 7 VKS tỉnh. Tại điểm cầu VKSND 9 huyện có các đồng chí lãnh đạo Viện, cán bộ, Kiểm sát viên.
Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phát biểu chỉ đạo hội nghị
Sau khi các đại biểu nghe đồng chí Dương Văn Phùng, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và đồng chí Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới (Chỉ thị số 48), đã có nhiều ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu. Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí cao với các báo cáo được trình bày tại hội nghị, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị, qua đó nêu những kiến nghị, đề xuất, giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tham nhũng tại đơn vị, địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu VKSND tỉnh Yên Bái
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao tóm tắt một số kết quả nổi bật qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, đồng thời quán triệt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát năm 2014; Hiến pháp 2013, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tiếp tục “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”. Đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành 7 đạo luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành được Quốc hội thông qua tại kỳ họp Thứ 10, Quốc hội Khóa XIII; nghiên cứu, tham mưu xây dựng Kế hoạch, chương trình hành động và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tiếp tục đẩy mạnh việc phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Kiểm sát viên trong toàn ngành; phát huy tốt vai trò giám sát của cơ quan dân cử, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng; xiết chặt kỷ cương, kỷ luật nghiệp vụ. quản lý nội vụ, quản lý hành chính; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-VKSTC-TTr ngày 31/3/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong Ngành kiểm sát nhân dân… Cũng trong bài phát biểu, đồng chí Nguyễn Hải Phong tin tưởng, trên cơ sở kết quả đạt đươc cùng với sự đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao, toàn Ngành sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó./.
Thùy Linh, VKS tỉnh