Thực hiện kế hoạch trên, trong 2 ngày (5, 6/8/2015) Viện kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái đã phối hợp với Tòa án tổ chức 13 phiên tòa xét xử lưu động tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái (trong đó có 6 vụ án hình sự và 7 vụ án dân sự hôn nhân gia đình).
Trong đợt xét xử lưu động lần này có 04 vụ án hình sự/ 05 bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Yên Bái truy tố về các tội “Tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy”; 02 vụ trộm cắp tài sản/ 03 bị can. Đáng chú ý là vụ án Đinh Phúc Lâm, sinh năm 1964 và Trần Thị Huê, sinh năm 1965 (cùng cư trú tại thôn Tân Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái) là hai vợ chồng cùng phạm tội “Tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy” nên thu hút đông đảo người dân đến dự phiên tòa; Vụ án Nguyễn Đình Cường, Cao Việt Hải (trú tại tổ 28, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái); vụ án Lê Thị Phượng (trú tại tổ 32 phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái) phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Vụ án Vũ Đức Đạt (trú tại thôn Đồng Đình, xã Âu Lâu); vụ án Cao Bá Huynh (trú tại tổ 38, phường Nguyễn Phúc) phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Đặc biệt trong đợt xét xử này, các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố đã chọn vụ án Vũ Văn Hoa, sinh năm 1968 (trú tại tổ 6, phường Nguyễn Thái Học) phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” là vụ án trọng điểm để đưa ra xét xử. Các vụ án đều được đưa ra xét xử sơ thẩm để rút kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ, nâng cao năng lực thẩm vấn, tranh tụng, thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, dân sự tại phiên tòa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời kỳ mới.
Hai vợ chồng bị cáo Lâm, Huê tại phiên toà (nguồn: Báo Yên Bái)
Việc kết hợp đưa các vụ án hình sự, dân sự ra xét xử lưu động là một biện pháp tuyên truyền giúp nhân dân không những hiểu biết về pháp luật hình sự mà còn hiểu biết thêm về pháp luật dân sự, đặc hiệt là lĩnh vực hôn nhân gia đình. Qua các phiên toà lưu động đã đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân mong muốn xử phạt đích đáng hành vi của ngườu phạm tội, thực hiện tốt việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân, để nhân dân có nhận thức đầy đủ hơn về chính sách pháp luật của nhà nước cũng như nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội của các bị cáo qua từng vụ án cụ thể. Qua đó nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trên địa bàn dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Nguyễn Thuỷ- VKSND thành phố