Trạm Tấu – vùng đất phía Tây của Yên Bái, mùa đông rét thấu da bởi sương mù dày đặc, mùa hè thì hanh khô đến nứt nẻ bởi gió Lào ràn rạt thổi. Cùng sinh sống và làm việc nơi vùng cao khắc nghiệt ấy, nên cứ vào mùa khô hanh tháng ba, tháng tư là nỗi lo cháy rừng lại thường trực trong tâm trí tất cả những người dân bản địa cũng như các cán bộ công chức, viên chức từ vùng thấp lên công tác. Nó tạo thành sợi dây liên kết vô hình nhưng lại mang sức mạnh tinh thần ghê gớm của những con người nhỏ bé với quyết tâm chế ngự thiên nhiên.
Khởi hành
Chiếc xe khách Yên Bái – Trạm Tấu ngày giữa tuần xuất bến lúc 13 giờ tại thành phố Yên Bái chỉ lèo tèo vài hành khách nhưng hàng hóa thì đầy ắp: Nào là ớt tươi, hành, tỏi, nào là gạo muối, quần áo, xà phòng, cho tới thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… đủ cả, song, món hàng tôi thấy đáng sợ nhất là những lồng gà chật ních mà nhà xe mang lên chuẩn bị cho đám cưới, nghe nói là cuối tuần có cỗ cưới con anh Phương – Trưởng đài Truyền thanh – Truyền hình huyện. Xe chở nhiều hàng, đường khó đi nên tốc độ chỉ có thể đạt hơn 20 km/giờ mới đảm bảo an toàn cho khách lên Trạm Tấu.
Đang lim dim ngủ gật thì bỗng nghe “Kít kít …” bác tài phanh xe đón một thượng đế. “Khách víp, khách víp…” giọng nói đầy hài hước của cậu phụ xe khiến tôi tỉnh hẳn ngủ. Cửa mở, vị khách là một phụ nữ người Mông, lưng đeo lù cở, váy có nhiều hoa văn, chân quấn xà cạp, đi dép rọ kiểu thời trang Trung Quốc vừa bước lên bậc cửa thứ nhất đã được phụ xe mời xuống hàng ghế cao nhất phía cuối xe. Tuy đã lên vùng cao công tác được hơn hai năm nhưng tôi vẫn chưa thực sự quen với mùi váy áo nhuộm chàm khen khét của đồng bào.
Chiếc xe cũ anh em vẫn hay gọi bằng cái tên âu yếm “Con bò già” cứ chậm rãi, ỳ ạch, uốn éo mãi trên đường núi gập ghềnh rồi cũng đến thị trấn . “Tới rồi, ra nhận hàng” chủ của những lồng gà tất tưởi chạy ra cửa xe bê đỡ những chú gà bị tạm giam tới năm tiếng đồng hồ trong chiếc lồng chật hẹp. “Phạch, phạch..phạch…” tiếng cựa gà đạp vào thành lồng, “Khẹc khẹc..” là âm thanh được rít lên từ cổ họng, của những chú gà đồi tự cho là mình bị đối xử bất công trước khi bị hành hình, kèm theo lông và phân gà bay ra mà không được định hướng.
Vắng heo hắt là quang cảnh bất thường của khu cổng chợ kiêm bến xe Trạm Tấu. Tôi đang không hiểu có chuyện gì thì bên kia cửa hàng bán lòng chó có tiếng chị Nga – cán bộ Ủy ban huyện nhanh nhảu:
– Chú vừa lên à?
– Vâng! Bà bá hôm nay trông xinh tươi thế! Tôi trả lời kèm theo lời khen thưởng dành cho phái đẹp.
– Xinh gì, chị vừa đi chữa cháy rừng về đây! Mệt nhoài chú ạ!
Ừ nhỉ! tôi mới sực nhớ ra đang mùa hanh khô, gió Lào thổi như quạt nóng vào mặt, huyện mình mấy năm gần đây hay xảy ra cháy rừng. Vừa tháng 8 năm ngoái xử lưu động vụ án Giàng A Tống đốt nương làm cháy hơn 50 ha, huyện xử 8 năm tù, có nhầm lẫn một chút nên bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh kháng nghị xuống còn 4 năm khiến cho năm 2013 bị trừ điểm thi đua. Thật xui xẻo! Vừa nghĩ thế mà chân đã bước đến cổng cơ quan. Lên phòng, cất được cái túi rồi xuống khu tập thể chào anh em thì đã thấy cậu Hải – cán bộ công nghệ thông tin nhanh nhảu: “Biết chú lên, chị Tình và anh Tuấn vào làng kiếm con vịt rồi. Chú đi học ăn uống khổ quá”.
Chừng hai mươi phút sau một chú vịt bầu cổ xanh đã dược đưa về, tất nhiên là một đĩa thịt béo ngậy, bát tiết canh đỏ tươi và ca rượu đã nhanh chóng hạ gục mấy chú cháu.
Nhận lệnh
Reng reng reng… đang say giấc tôi bật khỏi giường vì thấy trời còn tối sao lại có người gọi giờ này nhỉ? Đầu dây bên kia, giọng anh Hoàng Minh Thát – Phó viện trưởng “Đêm qua huyện có công điện yêu cầu tất cả các cơ quan đi chữa cháy rừng ở Xà Hồ đấy, 6 giờ có mặt tại hiện trường, chú xem triển khai”. Còn chờ gì nữa. Cạch cạch… phòng ở của vợ chồng chú Lực lái xe được tôi gõ cửa và gọi đầu tiên, tiếp theo là phòng của mấy thanh niên độc thân đang tuổi ăn, tuổi ngủ. “Cháy rừng, huyện huy động đi cứu, dậy dậy!!!”. Cậu Tuấn hai tay dụi mắt giọng ngái ngủ xin cho về có việc, đúng rồi cậu này xin từ tối hôm qua. Chuẩn bị cưới vợ. Chậc, cưới vợ như cứu hỏa! Duyệt!
Mấy chú kia khẩn trương. Phòng đầu hồi, cô Tình kế toán cũng nhận được điện của chị Đỗ Thị Hòa – Phó viện trưởng nên biết phải làm gì để chuẩn bị cho tình huống cả cơ quan có thể phải ở qua đêm trên rừng, vì đây không phải là lần đầu đi chữa cháy.
Nước đóng chai còn ít lắm mà cửa hàng chưa mở cửa anh ạ. đồ ăn thì may quá nhà bác Hằng bán xôi trước cửa đã mở, cô Tình nhanh nhảu xuống trước nhưng sớm quá vẫn chưa có xôi, chỉ có chả và mấy quả trứng gà sống. Tôi bảo “Sống cũng được, cứ cho vào túi, có còn hơn không”. Mấy anh em khác chạy ngược lên đầu phố mua thêm ít bánh gạo, mấy hộp sữa tươi và túi thạch rau câu bổ sung.
Lúc này, đồng chí Viện phó Hoàng Minh Thát – người dân tộc Tày cũng vừa tới và tỏ rõ là một tay có kinh nghiệm đi rừng thượng hạng. Trong chiếc bao dao bên hông là con dao Mèo sắc nhọn, sáng loáng. Còn anh Lò Văn Tiên – người dân tộc Thái, người có thâm niên chữa cháy rừng nhiều năm thì vai đeo ba lô, vừa dựng xe xong là chạy ngay xuống hàng thịt lợn, xẻo một miếng chừng 2 kg.Tay cầm miếng thịt, miệng nói: “Nướng, nướng, đến bữa đốt củi nướng anh ạ!”.
Nhanh như cắt, tất cả lên đường. Chiếc FORTUNER được ngành trang bị đã phát huy tác dụng cao độ. Ngồi trên xe nhưng tất cả vẫn chưa yên tâm về công tác hậu cần, dừng xe ở mấy cửa hàng để hỏi mua nước uống nhưng chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu vì hôm trước tất cả nước đóng chai và lương khô đã được huy động cho Bộ đội, dân quân tham gia chữa cháy nên “sạch hàng” rồi.
“A lô! Chị chuẩn bị cho em mấy lít nhé, tý xe qua em vào lấy”. Tiếng anh Lò Văn Tiên gọi điện cho ai đó. Mọi người trên xe ai cũng khen là cậu này chu đáo. Vừa dừng xe trước cổng nhà thì một phụ nữ chạy ra đưa cho anh Tiên chiếc chai nhựa khoảng 3 lít nhưng nước gì mà lại có mầu trắng đục.
Xà Hồ là xã không xa trung tâm huyện, đường giao thông vào xã thuận lợi nên chúng tôi gọi là “Đại lộ” nhưng chiếc xe vẫn rập rình, lắc lư khiến mọi người đều phải bám chặt vào thành ghế để tránh đánh vai vào nhau. Phía trước một con U oát già từ thời Liên xô cũ của Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn được tăng cường hỗ trợ cũng đang dò dẫm, lục cục tránh những viên đá to như chiếc mũ cối đã định cư lâu ngày trên mặt đường.
Chẳng mấy chốc chúng tôi đã trông thấy cả một vạt đồi bị thiêu rụi ở trước mặt. Lớp thực bì cháy đen thui, khô khốc, những cây Thông Mã Vỹ, cây bản địa vốn to cao và xanh thẫm là thế giờ cũng chịu cảnh chết cháy, thân cành trơ trụi bởi sự tấn công tàn khốc của giặc hỏa khiến cho bất kỳ ai yêu màu xanh cây rừng Trạm Tấu cũng thấy lòng quặn thắt.
Rừng Sáng Pao – xã Xà Hồ bị lửa thiêu rụi
Xa xa, chiếc lán chỉ huy của Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng huyện được dựng theo kiểu nhà binh đã dần hiện rõ. Trong lúc tập hợp phân công anh em mang đồ và dụng cụ chữa cháy thì cháu Hải tranh thủ chụp vài kiểu ảnh để làm tư liệu gửi trang thông tin điện tử Viện kiểm sát tỉnh. Cu Tùng (Cán bộ nhỏ tuổi nhất cơ quan nên được gọi là Cu) được giao đeo chiếc túi vải thổ cẩm bên trong có bình rượu, vài chai nước. Bỗng dưng tôi hình dung cu cậu giống như một nhân vật nào đó trong tác phẩm “ Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
Lên ngàn
Dẫn đầu đoàn là anh Thát (U55) được anh em suy tôn làm Chủ tịch Hội người cao tuổi của cơ quan, mắt nhìn trừng trừng vào những thân cây cháy, hông đeo dao Mèo, chân bước phăm phăm như một tay lâm tặc có hạng, tiếp theo là tôi và các anh em khác.
Đường lên là một lối mòn dốc chừng 45 độ, thú thật trước đây tuy là người đã từng đi rừng kiếm củi nhiều lần nhưng leo mãi tôi cũng cảm thấy ngán chứ chưa nói đến mấy tay “công tử bột” từ thành phố mới lên. Lúc đầu không khí còn có vẻ sôi nổi bởi những câu chuyện đùa rôm rả cho đường bớt xa, sau đó thay cho tiếng nói cười là những tiếng thở phì phò vượt dốc. Hai bên đường thỉnh thoảng lại bắt gặp những gốc Pơ mu già đã bị đốn hạ chỉ còn phần gốc sát đất lộ rõ những lát cắt sắc gọn. Anh Thát chỉ vào một bụi cây thân dây, lá xanh nói “Đây này, cây lá ngón đây chú ạ”. Dù đã đi công tác ở các xã nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy loại độc dược cực mạnh ấy. Hôm trước, nghe kể có anh chàng người Mông ăn lá ngón tự tử, trong lúc hấp hối còn nói với vợ: “Mày không cho tao mua xe tao chết cho mày biết mặt”.
Ôi mệt quá! cô Tình, cu Tùng ngồi bệt xuống đất, miệng, mũi tranh nhau thở chỉ có chú Hùng – Bảo vệ nhưng được anh em cơ quan phong là Trưởng ban an ninh sống từ bé ở vùng sơn cước vẫn tỏ ra chưa có vẻ gì.
Cán bộ VKSND huyện Trạm Tấu tham gia chữa cháy rừng
Cố lên, tôi nói to động viên anh em đồng thời tự sáng tác ra phần thưởng là huyện sẽ có giấy khen cho các cá nhân kèm theo 350.000 đồng tiền thưởng. Biết thủ trưởng nói chơi nhưng không khí có vẻ tốt hơn, cháu Hải lại pha trò “Thưởng thế là đủ con gà mái tơ với chai rượu nút lá chuối đấy chú nhỉ”.
Có tiếng bước chân người đi xuôi dốc, tôi nhìn lên thì ra anh Khánh – Bí thư Huyện ủy, anh Trường ở tỉnh mới được điều lên làm Phó bí thư, anh Xuê Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, các anh trong bộ rằn ri như những quân nhân bắt tay chúng tôi nói: “Bọn tớ sang phía đồi bên kia quan sát, các cậu lên đi trên đó có anh Trung (Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện) chỉ đạo”.
Đi tiếp, những tiếng nổ lốp bốp nghe to dần cùng những tàn tro đã rơi lả tả. “Kia rồi” tiếng một thanh niên đi cùng đoàn và chỉ tay về hướng có ngọn lửa đang rừng rực bốc lên, phía dưới là rất đông lực lượng dân quân và người dân trong xã đang hối hả phát đường băng cản lửa.
Sự hung tàn của “Giặc lửa”
Vào cuộc
Chai nước đem theo bắt đầu phát huy tác dụng, cảm nhận đầu tiên của tôi là nước lọc lại ngon đến thế. Quay lại phía sau để kiểm tra đội hình không thấy cu Tùng và cháu Hải “Phóng viên chiến trường” đâu, có lẽ đã bị tụt lại phía sau. Trai thành thị mà! Bỗng thấy xuất hiện một “bóng hồng” mặc áo Kiểm sát, nhìn kỹ thì ra chị Hòa – Phó viện trưởng, người được coi là “dự báo thời tiết” của cơ quan vì căn bệnh viêm xoang mãn tính tuy không được cử đi nhưng tiếng loa phát thanh của huyện liên tục phát đi các bản tin thông báo về vụ cháy nên sốt ruột lấy xe máy đuổi theo đoàn.
Cán bộ VKSND huyện Trạm Tấu phát đường băng kiểm soát đám cháy
Gió to càng làm tăng sức nóng, sự hung tàn của ngọn lửa khiến lực lượng tham gia cứu rừng không thể tiếp cận đám cháy. Ban chỉ huy quyết định huy động tất cả lực lượng tập trung phát một đường băng cản lửa khoảng 3 mét để bao vây đám cháy. Đi đầu để xác định, tính toán tọa độ là anh Đô – Phó Ban quản lý rừng phòng hộ. “Vũ khí hạng nặng” phát huy tác dụng nhất giờ đây lại chính là dao quắm, nhưng anh em Kiểm sát chúng tôi không phải dân địa phương nên mang theo toàn loại dao chuyên chế biến thực phẩm, thôi thì “méo mó có hơn không”, tôi động viên.
Người đi trước chặt, phát mở lối, người đi sau phát rộng hơn, người đi sau nữa gạt, quét lớp thực bì. Cứ thế, lần lượt một đường băng bao vây dài ngoằn ngèo ngày càng thắt chặt đám cháy.
“Trời ơi!” một thanh niên vừa nói vừa nhúp từ trong ống quần ra con vắt rừng căng đầy máu tươi khiến tất cả mọi người đều dừng tay kiểm tra xem mình có phải “thượng đế” của loài vắt rừng tai hại.
Mặt trời đã lên đỏ rực như tiếp thêm hơi nóng của gió Lào làm cạn kiệt sức lực con người, lưng áo ai cũng thấm đẫm mồ hôi. Tạm nghỉ giải lao, mọi người tản ra các bóng cây, các chiến sĩ bộ đội có mặt tại đây từ 3 giờ sáng giờ mới tranh thủ ăn cơm vừa được lực lượng hậu cần mang lên. Cơm ăn với chả nướng nên thỉnh thoảng mọi người lại ngửa cổ uống nước cho dễ trôi. Chú Hùng – người được giao nhiệm vụ đeo đồ ăn chia cho mỗi ngươi vài cái bánh gạo và chai nước gọi là dùng bữa sáng (lúc này khoảng 9 giờ). Mấy thanh niên trẻ có sức khỏe tranh thủ giờ nghỉ trèo lấy vài bụi hoa lan rừng để làm quà tặng bạn gái nơi quê nhà.
Giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi
Sau giờ nghỉ, thấy gió đã bớt thổi mạnh, Ban chỉ huy quyết định dừng phát đường băng để huy động tất cả lực lượng dùng cành lá xông thẳng vào các vị trí đang cháy để giảm thiểu diện tích bị thiệt hại. Tưởng đơn giản, nhưng khi tiếp cận áp sát đám cháy với hơi nóng hừng hực, khói bụi đen đặc, chúng tôi mới hiểu thế nào là “bà hỏa” nổi giận. Có chỗ lửa vừa được dập tắt lại bùng phát trở lại bởi gió. “Phải dập cho hết khói” là tiếng hô của những người có kinh nghiệm bảo những người mới lần đầu tham gia còn lớ ngớ như anh em tôi.
Đang mải khua khua, đập đập, tôi thấy nhói rát ở sau lưng. “Anh bị cháy áo” một dân quân chỉ vào lưng tôi. Vòng tay lại phía lưng – hỏng rồi, hai lỗ cháy trên áo vừa bị bỏng lại vừa tiếc chiếc áo ngành mới được phát. Lúc lên đường anh em bảo nhau nhớ mặc áo của ngành để dễ tìm và nhận ra nhau khi chữa cháy. Thật đáng sợ, lửa cháy cả một vùng rừng rộng lớn, địa hình hiểm trở, cành lá, dây gai chằng chịt như quấn lấy chân người nên việc di chuyển càng trở lên khó khăn. Trong tiếng nổ lách tách, tiếng người gọi nhau í ới là tiếng loa thúc giục, “điều binh, khiển tướng” của Trung tâm chỉ huy liên tục chỉ đạo anh em các đơn vị cách dập lửa cũng như đảm bảo an toàn tính mạng con người.
Dưới chân núi, đoàn người vẫn không ngừng nối nhau lên núi tiếp ứng. Dân quân có, giáo viên có, cả những em gái chân yếu, tay mềm cũng được huy động đông đảo, sát cánh bên nhau chống lại giặc lửa khiến cuộc chiến dù không cân sức ấy cũng đến hồi kết thúc. Các đám cháy cuối cùng cũng đã bị đoàn người đông đảo ấy cô lập, nhỏ dần, nhỏ dân rồi tắt hẳn.
Vì đã có bài học của những lần dập lửa trước nên theo chỉ đạo, tất cả chưa được rút về vì còn phải canh chừng lửa có thể sẽ cháy bùng phát trở lại .
Chúng tôi gọi nhau tụ tập ở một bóng cây vừa nghỉ vừa tranh thủ lót dạ ít bánh được mang theo. Khi chú Hùng đeo túi đồ đến mọi người hồ hởi mở lấy bánh thì… chao ôi, 10 quả trứng gà còn sống cho vào từ sáng đã…thành nước cả bởi chủ nhân mang theo nó quá mải dập lửa quên để ý khiến cành cây tươi đầu kia dập lửa, đầu này đập trứng. Tất cả đang buồn xo thì bỗng nghe giọng hát trữ tình của ca sĩ Anh Thơ phát ra từ chiếc loa của Trung tâm chỉ huy: “Qúa nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê/ Ơi! Con sông dạt dào như lòng mẹ…”. Chà, đúng là món ăn tinh thần. Ước gì con sông quê mẹ ở ngay trước mặt để chúng tôi thỏa nước cứu rừng và thả hồn vào tắm mát, rửa sạch hơi nóng của lửa rừng từ sớm tới giờ cho bớt mệt.
Hạ Sơn
Khi đã chắc chắn “bà hỏa” đã nguôi cơn lửa giận, Trung tâm chỉ huy phát lệnh ngừng chữa cháy, chúng tôi cùng hàng trăm người bắt đầu nối nhau xuống núi. Ngược dốc đã khó, xong vì lúc lên ai cũng mang theo mục tiêu chữa cháy nên có động lực nhưng xuống dốc còn khó hơn bởi tất cả các khớp gối giờ như muốn gập lại, người rã rời mồ hôi và đen đúa, nhọ nhem vì bụi khói.
“Đi lối nào?”. Mọi người hỏi nhau vì lửa đã phá sạch không thể tìm được lối cũ mà đi cho nhanh. Chúng tôi quyết định “quay lưng đi giật lùi”. Mấy anh em đi trước mở đường, theo sau là cô Tình, chị Hòa cuối cùng là chú Hùng đi sau hỗ trợ cu Tùng (công tử bột).
Có những đoạn đi qua khu vực vừa bị cháy, những cây Thông Mã Vỹ, cây Sơn Tra (Táo mèo) của người dân bao năm nhọc nhằn chăm sóc, mà chỉ trong vài giờ đã trở lên xám trụi, đứng trơ trọi, lạc lõng như những nhân chứng cuối cùng cho sự tàn khốc của giặc hỏa, thấy lòng không khỏi xót xa.
Hơn một giờ sau chúng tôi đã xuống gần chân núi, ai cũng có cảm giác thật sung sướng vì sắp về tới ngôi nhà chung của mình, bỗng có người nói: “Bí thư Huyện ủy bảo tất cả anh em quay lại vì trên đỉnh núi vẫn thấy có lửa cháy”. Mọi người quay lại chuẩn bị tư thế ban đầu. Thật may, sau khi truyền hỏi thông tin từ những đoàn người đi sau thì ra trên đỉnh còn mấy gốc Pơ Mu già đang bị giặc lửa tận thu đến phần rễ. Nhẹ cả người!
Chiếc xe rập rình, lắc lư đưa chúng tôi trở lại cơ quan. Chú Lực lái xe cho hạ hết kính đón hơi mát từ dòng Nậm Tung, Nậm Hát trong xanh đang róc rách, uốn lượn theo khe núi.
Vâng! Dập lửa cứu rừng là bài học chưa từng có trong giáo trình chúng tôi được học trên giảng đường nhưng song hành với tài liệu chuyên môn, đó sẽ là bài học kinh nghiệm sâu sắc, bổ ích và quý giá trong cuộc đời công tác của mỗi cán bộ Kiểm sát nói riêng, cán bộ công chức viên chức nói chung đã, đang và sẽ gắn bó cuộc đời, sự nghiệp với quê hương Trạm Tấu còn muôn vàn gian khó của Yên Bái thân yêu!
Đỗ Thái Trung- VKS huyện Trạm Tấu