Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC dự và chỉ đạo Hội nghị. Thành phần tham dự hội nghị gồm: Đại diện một số đơn vị trực thuộc VKSNDTC; Lãnh đạo Viện, Chánh Thanh tra, cán bộ Thanh tra chuyên trách VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thừa Thiên Huế trở ra.
Đồng chí Nguyễn Minh Quang, Chánh Thanh tra
VKSNDTC trình bày Dự thảo Thông tư tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết, để nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của VKSND các cấp, đồng thời chuẩn bị cho việc triển khai các nội dung của Luật tổ chức VKSND năm 2014 sắp được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIII, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức hội nghị để tiếp tục lấy ý kiến góp ý 02 dự thảo Thông tư: Thông tư về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành KSND và Thông tư về xử lý vi phạm trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Phó Viện trưởng đề nghị đại biểu dự hội nghị tiếp tục tham gia, góp ý kiến vào 02 Dự thảo Thông tư để hoàn thiện đồng thời là bước đầu để các đơn vị nắm bắt chuẩn bị triển khai tại đơn vị mình; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân; bồi dưỡng kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý và xây dựng Ngành.
Đồng chí Nguyễn Kim Sáu, Phó Chánh Thanh tra
VKSNDTC trình bày Chuyên đề tại Hội nghị
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Quang, Chánh Thanh tra VSKNDTC trình bày 02 Dự thảo Thông tư: Thông tư về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân và Thông tư về xử lý vi phạm trong ngành Kiểm sát nhân dân. Theo báo cáo thuyết minh 02 Dự thảo Thông tư, việc kiện toàn tổ chức bộ máy cần phải gắn với việc xây dựng thể chế để nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm: Xây dựng bộ máy và cơ chế hoạt động để kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong nội bộ Ngành nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa và xử lý việc vi phạm, lạm quyền trong hoạt động kiểm sát (kiểm soát nội bộ); xây dựng cơ chế phòng ngừa vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong Ngành có hiệu quả; tăng cường kỷ cương, kỷ luật nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt, ý thức kỷ luật cao và hoạt động chuyên nghiệp; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành; xây dựng cơ chế phòng ngừa vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong Ngành có hiệu quả.
Đồng chí Phạm Quang Hòa, Phó Chánh Thanh tra
VKSNDTC trình bày Chuyên đề tại Hội nghị
Tiếp đó, đại biểu được nghe các Chuyên đề: Phẩm chất, kỹ năng của người cán bộ Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân; Quy trình, kỹ năng thanh tra nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; Quy trình, kỹ năng thanh tra công vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân do các đồng chí Phó Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Nguyễn Kim Sáu, Phạm Quang Hòa trình bày.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Phần tham luận, đại biểu dự hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung phát biểu đóng góp ý kiến vào 02 Dự thảo, đồng thời, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thanh tra của đơn vị mình và đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ngành trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tham luận tại Hội nghị:
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC đánh giá cao tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, các ý kiến tham luận có trọng tâm, trọng điểm của đại biểu dự hội nghị. Để tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thanh tra của Ngành trong thời gian tới, đồng chí Phó Viện trưởng đề nghị Lãnh đạo các đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Thanh tra VKSNDTC cần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội nghị để hoàn thiện 02 Dự thảo Thông tư có liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân, trình Lãnh đạo VKSNDTC xem xét, ký ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian tới. Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác thanh tra Ngành; quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh tra, xác định công tác thanh tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Nghiên cứu các quy trình, kỹ năng, kinh nghiệm, về công tác thanh tra để vận dụng vào thực tiễn công tác thanh tra của từng Viện kiểm sát địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, góp phần tích cực vào việc giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh. Hoạt động thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân rất đa dạng, phức tạp, đòi hỏi người cán bộ Thanh tra phải rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, tác phong theo những nguyên tắc, chuẩn mực của người cán bộ kiểm sát nói chung và cán bộ làm công tác thanh tra nói riêng. Viện kiểm sát nhân dân địa phương cần triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ ngày 20/12/2013 của Ban Cán sự đảng VKSNDTC về “Tăng cường tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân”; chú trọng lựa chọn những cán bộ, Kiểm sát viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn và phẩm chất đạo đức tốt để làm nhiệm vụ công tác thanh tra.
Hội nghị Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra việc chấp hành pháp luật và quy chế của ngành nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp được tổ chức với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao kết thúc thành công, tốt đẹp.
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát