Phiên họp lần thứ sáu Ban Soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)

(BVPL) – Thực hiện Kế hoạch xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS) (sửa đổi), vừa qua tại Hà Nội, VKSNDTC đã tổ chức phiên họp lần thứ sáu Ban soạn thảo Bộ luật TTHS để thảo luận về Dự thảo Bộ luật TTHS. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS chủ trì phiên họp. 

Tham dự phiên họp thứ sáu có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí Thư trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Lê Quý Vương, Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC; đồng chí Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư việt Nam; đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Trợ lý đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư. Tham dự phiên họp thứ sáu còn có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội… cùng các đồng chí thành viên Tổ biên tập Bộ luật TTHS (sửa đổi)…

  

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình,

Trưởng Ban Soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) phát biểu tại phiên họp thứ sáu

Báo cáo tóm tắt những nội dung cơ bản đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS và một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Tổ Biên tập Dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi) đã khái quát tình hình triển khai xây dựng Dự án Bộ luật TTHS từ đầu năm 2014 đến nay đồng thời nêu lên những nội dung cơ bản đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS. Theo đó, Dự thảo Bộ luật TTHS được xây dựng gồm 8 phần, 36 chương, 477 điều. Nhằm bảo đảm sự hợp lý về bố cục và phù hợp với sự phân chia giai đoạn tố tụng, Dự thảo đề xuất hoàn thiện khung kết cấu của Bộ luật TTHS theo hướng tách chương quyết định việc truy tố khỏi phần khởi tố, điều tra vụ án hình sự để xây dựng thành một phần độc lập; ghép phần xét xử sơ thẩm và phần xét xử phúc thẩm thành một phần; bổ sung 10 chương mới và sắp xếp vào phần tương ứng của Dự thảo. Bên cạnh đó, những nội dung cơ bản đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS được thể hiện ở các nội dung như: về những quy định chung của Bộ luật TTHS (Phần thứ nhất); về khởi tố, điều tra vụ án hình sự (Phần thứ hai); về quyết định việc truy tố (Phần thứ ba); về xét xử vụ án hình sự và xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (Phần thứ tư va Phần thứ sáu); về thi hành án hình sự (Phần thứ năm); thủ tục đặc biệt (Phần thứ bảy); về hợp tác quốc tế trong TTHS (Phần thứ 8). Ngoài ra, Báo cáo cũng nêu rõ về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau đó là việc tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán; về mở rộng diện người tiến hành tố tụng đối với Trợ lý điều tra viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên; về quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; về quyền của bị can đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu có trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra; về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam; về trình tự xét hỏi; về giới hạn xét xử; về sự có mặt của Điều tra viên tại phiên tòa; về việc luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt.   

Tại phiên họp, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí Thư trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các thành viên Ban soạn thảo, thành viên Tổ Biên tập và các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về những nội dung liên quan đến đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS và những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. 

Phát biểu kết luận tại phiên họp thứ sáu, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) đánh giá cao sự chuẩn bị những tài liệu tại cuộc họp của Tổ Biên tập Bộ luật TTHS và những ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu. Qua ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, đồng chí Viện trưởng khẳng định, phần lớn các ý kiến đều thống nhất cao đối với khung kết cấu cũng như những nội dung cơ bản đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS. Đối với một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, đồng chí Viện trưởng đề nghị cần tiếp tục duy trì 2 phương án để lựa chọn đồng thời diễn đạt lại một số nội dung cho phù hợp; đối với một số nội dung mới được nêu lên tại phiên họp, cần bổ sung vào Dự thảo đồng thời lựa chọn trong số những vấn đề có ý kiến khác nhau một số nội dung để cấp có thẩm quyền cho ý kiến.   

Đồng chí Viện trưởng cũng đề nghị các đồng chí thành viên Ban Soạn thảo và các đại biểu với trách nhiệm của mình tiếp tục quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi); Tổ Biên tập Bộ luật cần tiếp thu các ý kiến hợp lý của các đại biểu để hoàn thiện hồ sơ Dự án Bộ luật. Sau khi các ý kiến tại phiên họp đã được tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Bộ luật sẽ được gửi các Bộ, ngành liên quan và các địa phương để lấy ý kiến. Đồng chí Viện trưởng VKSNDTC cho biết, dự kiến cuối năm 2014, Dự thảo Bộ luật sẽ được gửi xin ý kiến Chính phủ sau đó trình Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra, cho ý kiến và đến đầu năm 2015 sẽ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trước khi Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, khoảng tháng 1/2015, Ban soạn thảo sẽ tổ chức phiên họp thứ 7 để tiếp tục cho ý kiến, hoàn chỉnh Dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi). 

Nguồn: Báo bảo vệ pháp luật

Lãnh đạo VKSNDTC tiếp Đoàn đại biểu cấp cao VKSTC nước Cộng hòa Hungari
Đoàn công tác của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban Cán sự Đảng VKSNDTC
Tiến tới xây dựng BLTTHS mới tiến bộ, minh bạch, có chất lượng cao
Kết quả chuyến thăm và làm việc của Đoàn đại biểu cấp cao VKSNDTC Việt Nam tại CHDCND Lào
Ký kết Quy định phối hợp giữa Vụ Thi đua – Khen thưởng và Cục Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Chưa ngã ngũ về quyền im lặng
Đại sứ Thụy sỹ tại Việt Nam đến thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp xã giao đoàn chuyên gia Nhật Bản
Phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
Sơ kết việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng công tác THQCT, KSXX án hình sự -Cần nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại tòa