Tham dự Hội nghị các vị trong Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các ngành Tư pháp, Nội vụ, Công an, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã tham gia nhiều ý kiến vào các dự thảo Luật. Đa số các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật là tất yếu và cơ bản đồng tình với nội dung các dự thảo Luật đã xây dựng. Ngoài ra, nhiều đại biểu có ý kiến đề nghị xem xét lại một số từ ngữ trong dự thảo Luật để đảm bảo tính chuẩn xác, cụ thể và khả thi.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, các ý kiến tập trung tham gia vào Điều 17 về Thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ; Điều 25: Thẩm quyền đối với sĩ quan tại ngũ; về một số chế độ chính sách như: quy định về cấp nhà ở cho sĩ quan…
Đối với dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), các ý kiến tập trung tham gia vào Điều 6 về Tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân; Điều 7. Nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; Điều 21: Đối tượng, điều kiện, thời hạn xet phong, thăng cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân…
Có ý kiến tham gia về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan công an nhân dân, không nên để độ tuổi nghỉ hưu sớm quá sẽ lãng phí nhân lực; nên có quy định chặt chẽ về điều kiện phong hàm cấp tá lên cấp tướng, không nên quy định thời gian định kỳ từ cấp tá lên cấp tướng như dự thảo. Nhiều ý kiến đồng quan điểm cho rằng, cần bổ sung điều kiện thăng hàm trong những trường hợp có đóng góp đặc biệt, chiến công đặc biệt đối với cả lực lượng quân đội và công an…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Dương Văn Thống ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham gia của các đại biểu. Đoàn sẽ tổng hợp báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đóng góp vào các dự thảo Luật này.
Nguồn: Báo Yên Bái