Xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, tạo dựng niềm tin trong lòng dân

(BVPL) – Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, VKSNDTC tổ chức Hội nghị Công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng. Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP. HCM; đồng chí Lê Minh Trí, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, cùng các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Trần Công Phàn, Nguyễn Hải Phong,  đồng chí Trần Phước Tới, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKSQSTƯ và đại diện các đơn vị trực thuộc VKSNDTC, đại diện 18 VKS các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

1
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại phiên họp thứ 5 của Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), VKSNDTC tổ chức Hội nghị Công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng để kiểm điểm, đánh giá tiến độ xử lý các vụ án về tham nhũng trong toàn Ngành từ năm 2013 đến nay; Bàn các giải pháp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng giải quyết các vụ án về tham nhũng trong thời gian tới.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận để làm rõ thêm những kết quả chủ yếu, phân tích rõ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân, hạn chế trong công tác giải quyết các vụ án tham nhũng của toàn Ngành; đề xuất các biện pháp giải quyết các vụ án về tham nhũng, đảm bảo về thời hạn, chất lượng trong 6 tháng cuối năm 2014 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, cần tập trung giải quyết tốt 53 vụ án và 27 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng,  phức tạp…

Hội nghị đã nghe báo cáo về tình hình, kết quả giải quyết các vụ án tham nhũng của ngành KSND. Theo đó, tình hình tội phạm tham nhũng trong năm 2013 và 06 tháng đầu năm 2014 vẫn diễn biến phức tạp; xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, các cấp, các ngành; tính chất ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn ngày càng tinh vi; tính tổ chức cao, quy mô, mức độ tham nhũng lớn hơn, hậu quả gây ra rất nghiêm trọng, làm thất thoát một lượng lớn tài sản nhà nước, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng nêu kết quả các khâu công tác từ kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, những ưu điểm và những mặt còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cốt lõi cũng như nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm 2014 trong việc giải quyết các vụ án tham nhũng.

 

2
Đoàn chủ tọa Hội nghị.

 

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC thay mặt lãnh đạo VKSNDTC thông báo nội dung Kết luận 92-TB/BCĐTW của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo. Tại Kết luận này đã nêu  một số kết quả nổi bật như: tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN để kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả công tác PCTN từ đầu năm 2013 đến tháng 5/2014 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác PCTN trong thời gian tới; đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN tiếp tục được quan tâm thực hiện. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản; Quốc hội khóa XIII (Kỳ họp thứ 7) đã thông qua hoặc cho ý kiến đối với nhiều dự án luật quan trọng, liên quan đến công tác PCTN, như: Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi)…; phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; qua phối hợp đã phát huy được vai trò, thế mạnh của mỗi cơ quan, tránh chồng chéo nhiệm vụ. BCĐ Trung ương về PCTN đã có cơ chế giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng…

Tiếp đó, đồng chí Lê Minh Trí, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu một số ý kiến xoay quanh những đánh giá về tình hình và kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng; đồng chí Lê Minh Trí nhấn mạnh tầm quan trọng của khâu công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm: “Nếu làm tốt khâu công tác này sẽ góp phần tạo dựng lòng tin trong quần chúng nhân dân và ảnh hưởng tích cực đến dư luận xã hội và giúp cho công tác điều tra, xét xử án tham nhũng được tốt hơn”.

Tại Hội nghị, đã có 14 tham luận nêu những ý kiến, đề xuất, kiến nghị nhằm giải quyết ngày càng tốt hơn các vụ án về tham nhũng cũng như giúp công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, thiết thực hơn trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Viện trưởng VKSNDTC đánh giá cao các ý kiến phát biểu có chất lượng thông tin phong phú, bám sát yêu cầu thực tiễn, có nhiều ý kiến chuyên sâu về nghiệp vụ, những đề xuất cũng như những kiến nghị đối với Ban Nội chính Trung ương, VKSNDTC, cũng như Tỉnh uỷ, Thành uỷ các địa phương. Viện kiểm sát các địa phương đã chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của lãnh đạo VKSNDTC liên quan đến cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đồng chí Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định, qua các ý kiến phát biểu cho thấy, ngành KSND đã đạt được những thành tựu đáng kể trên mặt trận đấu tranh phòng và chống tham nhũng. Ngành KSND đã góp phần to lớn để xây dựng thể chế, tuyên truyền pháp luật, thanh tra, điều tra phòng ngừa tội phạm tham nhũng. Từ năm 2013 đến nay, ngành KSND đã tập trung giải quyết quyết liệt những vụ án tham nhũng, tạo niềm tin lớn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân; do đó đã khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng và chống tham nhũng.

 

3
 Toàn cảnh Hội nghị.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình cũng lưu ý VKS các địa phương cần quan tâm phối hợp và tham mưu cho các đoàn kiểm tra của BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng khi đến kiểm tra các ban, ngành về công tác giải quyết án tham nhũng; tập trung giải quyết các vụ án đang tồn đọng tại địa phương đúng tiến độ, đảm bảo đúng người, đúng tội; Cần làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng; giữa các cấp kiểm sát. Đặc biệt, cần làm tốt những án được  uỷ quyền của VKSNDTC; VKS các địa phương cần phối hợp chặt chẽ giữa các giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, cần quan tâm đến công tác kiến nghị, phòng ngừa, để có những đề xuất kịp thời với các cơ quan tiến hành tố tụng, với các cấp chính quyền, với Chính phủ và Quốc hội…

 

NHỮNG Ý KIẾN TÂM HUYẾT

Tại Hội nghị đã có 14 lượt ý kiến tham luận của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSNDTC và VKS cấp tỉnh trình bày xung quanh việc giải quyết án tham nhũng. Báo BVPL trích đăng một số ý kiến.  

Cục trưởng Cục 6, VKSNDTC – Vũ Đăng Khoa: Trong thời gian qua, đơn vị đã đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 37/2012QH13, Nghị quyết 63/2013/QH13 của Quốc hội và Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 16/12/2013 của Viện trưởng VKSNDTC về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra… nên đã phát  hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp. Trong đó có nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp gắn liền với các vụ hối lộ…

Tuy nhiên, cũng còn một số vướng mắc, một số vụ án có tính chất rất phức tạp, phạm tội rất tinh vi có quan hệ rộng gây khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Việc tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm tại ba miền, các cơ quan nghiệp vụ còn chậm trong việc trả lời và cung cấp thông tin.

Viện trưởng VKSND TP.Hà Nội – Nguyễn Quang Thành: Trong năm 2013, VKSND TP.Hà Nội triển khai chương trình chính về công tác PCTN, đã xử lý 35 vụ và tiếp tục xử lý 19 vụ xảy ra từ đầu năm 2014 đến nay. Trong đó, có một số vụ điển hình theo quan điểm của ngành Kiểm sát với Tòa án rất khác nhau trong việc truy tố và xét xử tội phạm tham ô, tham nhũng. Về công tác đấu tranh PCTN, VKSND TP. Hà Nội đã ký kết qui chế phối hợp với các cơ quan liên ngành Hà Nội từ đầu đến cuối vụ án đã tạo điều kiện cho việc truy tố, xét xử vụ án thuận lợi hơn.

Viện trưởng VKSND TP.Hải Phòng – Nguyễn Văn Quảng: Việc xử lý án tham nhũng, nhiều cơ quan chức năng không phối hợp tốt với cơ quan tố tụng khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn, một ví dụ điển hình như việc hiện diện của các cơ quan chức năng tại Tòa thường thiếu sự hợp tác hoặc các đơn vị này cử những người không đủ thẩm quyền để trả lời các câu hỏi của tòa. Việc kéo dài thời gian thụ lý các vụ án tham nhũng dẫn đến việc giải quyết vụ án chưa tốt; khắc phục hậu quả rất hạn chế; năng lực, trình độ của cán bộ, Kiểm sát viên chưa sâu. Đồng thời kiến nghị về cơ chế phối hợp giúp cho việc giải quyết vụ án được tốt hơn; Quan điểm nhìn nhận tội phạm về tham nhũng còn chưa rõ ràng, điển hình như ngoài tội phạm có chức vụ, nên đưa thêm tội Lừa đảo chiếm dụng, kinh doanh trái phép… vào tội tham nhũng. Cuối cùng là sự thiếu chuyên nghiệp của các cơ quan giám định để ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tố tụng. Thực tế trong thời gian qua, Hải Phòng đã từng phải hủy bỏ những bản kết luận giám định trong việc xét xử. Nhưng có rất nhiều vụ, nếu không có bản giám định thì không thể nào xử lý vụ án được, và kết quả giám định này còn ảnh hưởng đến tội danh và mức án của các bị can. Bởi vậy, chỉ với sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự phối hợp của các cơ quan chức năng thì đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xét xử.

Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai – Trần Huy Hùng: Tỉnh chúng tôi còn khó khăn trong công tác giám định, phân loại tội phạm và giải quyết các vụ án tham nhũng liên quan đến tài chính kế toán, xây dựng, kỹ thuật, đất đai, ngân hàng… do thiếu hụt nhân sự có nghiệp vụ giám định về lĩnh vực này. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị nên tổ chức thành lập Trung tâm giám định tư pháp để đảm bảo trách nhiệm và đáp ứng tốt nhu cầu của các cơ quan tư pháp về xử lý các án tham nhũng hiện nay.

Nguồn: Báo bảo vệ pháp luật

Công bố quyết định thành lập Hội đồng khoa học VKSNDTC
Kỷ niệm 01 năm Chương trình Truyền hình KSND phát sóng số đầu tiên
Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai công tác kiểm sát 6 tháng cuối năm 2014
Đại học Kiểm sát Hà Nội khởi công xây dựng tòa nhà hành chính
Sơ kết 6 tháng công tác kiểm sát khu vực các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc- Tháo gỡ những vướng mắc tại địa phương
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với tập thể Lãnh đạo, cán bộ chủ chốt VKSNDTC
Phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về ngành Kiểm sát nhân dân
Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Xây dựng Đề án “Cơ chế, chính sách để đấu tranh, xử lý có hiệu quả các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các tội tham ô, hối lộ”
Giới thiệu số phát sóng thứ 25 số – 13/2014 truyền hình kiểm sát nhân dân với phóng sự Gian nan Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái
Quán triệt triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 trong ngành Kiểm sát nhân dân