Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì cuộc họp |
Theo quyết định của Viện trưởng VKSNDTC, giao cho Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC làm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Cơ chế, chính sách để đấu tranh, xử lý có hiệu quả các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các tội tham ô, hối lộ”. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức việc nghiên cứu, xây dựng Đề án.
Nhiệm vụ của Đề án là trên cơ sở phân tích, đánh giá về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng cơ chế, chính sách đấu tranh, xử lý có hiệu quả các vụ án tham nhũng và tổng kết đánh giá kết quả thực hiện cơ chế để làm rõ những kết quả đã đạt được, những mặt mạnh cũng như những thiếu sót, tồn tại; thông qua đó xác định nguyên nhân và rút ra những kinh nghiệm nhằm đưa ra định hướng đúng trong việc tổ chức, triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đấu tranh, xử lý có hiệu quả với các vụ án tham nhũng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh xử lý các vụ án tham nhũng trong thực tiễn; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của VKSND trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Chủ trì cuộc họp, Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Đề án nêu rõ, việc xây dựng Đề án phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng nói riêng; triển khai thực hiện và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong việc thực hiện cơ chế, chính sách đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, xây dựng Đề án phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn của hoạt động xây dựng pháp luật cũng như áp dụng pháp luật trong đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng… Đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong cũng cho rằng, việc nghiên cứu, xây dựng Đề án phải bảo đảm nghiêm túc, có chất lượng và thiết thực, góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đấu tranh, xử lý có hiệu quả các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các tội tham ô, hối lộ; thông qua đó tổ chức, triển khai thực hiện trong thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo đảm việc khởi tố, điều tra có căn cứ và hợp pháp, không làm oan người vô tội, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Nguồn: Báo bảo vệ pháp luật