Luật Tiếp công dân năm 2014 có 9 chương, 36 điều, quy định rõ về nguyên tắc, trách nhiệm tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức tiếp công dân và các điều kiện để đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân.
Để thực hiện có hiệu quả trong công tác tiếp công dân của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái, Phòng Khiếu tố đã tiến hành triển khai, thực hiện Luật tiếp công dân và Nghị định 64/CP của Chính phủ. Theo đó, cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị khi được giao nhiệm vụ trực ban tiếp công dân, hoặc trực tiếp tiếp công dân trước hết phải bảo đảm kỷ cương, kỷ luật công vụ; có thái độ, cử chỉ đúng mực, lắng nghe ý kiến của công dân, ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày; công dân trực tiếp đưa đơn phải lập giấy biên nhận; tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân do cơ quan quy định và phải bảo đảm công khai, dân chủ, thuận tiện, bình đẳng, tôn trọng quyền khiếu nại, tố cáo của công dân; không ngừng học tập các văn bản pháp luật để tích lũy kinh nghiệm chuyên môn, vận dụng Luật, văn bản hướng dẫn dưới Luật để giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nhanh chóng, kịp thời, phù hợp với nội dung mà công dân đến khiếu nại, tố cáo…
Phòng Khiếu tố họp tiến hành triển khai, thực hiện
Luật tiếp công dân và Nghị định 64/CP của Chính phủ
Đồng thời, thông qua hoạt động tiếp công dân, cán bộ, kiểm sát viên được giao nhiệm vụ tiếp công dân phải có trách nhiệm làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với nhân dân trong việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; việc khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân nhưng cũng phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Phạm Thị Hà, Phạm Anh Tùng – VKSND tỉnh