Bàn về ngạch Kiểm sát viên và điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên ở Viện kiểm sát các cấp trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân

Kiểm sát viên có một vị trí quan trọng và là lực lượng cán bộ chủ yếu trong hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nói chung và trong từng cấp Kiểm sát, từng cơ quan Viện kiểm sát nói riêng.

Kiểm sát viên có có vai trò không thể thiếu được trong hệ thống cơ quan VKSND; cùng với Viện trưởng, Phó Viện trưởng thì Kiểm sát viên là một trong ba chức danh pháp lý để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND là “thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Kiểm sát viên là người trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự; kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành bản án, quyết định của TAND, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong thực tiễn xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân hơn 50 năm qua, ngoài những công tác trên, Kiểm sát viên còn được giao thực hiện một số công tác khác theo sự phân công của Viện trưởng.

Chính vì vậy, Kiểm sát viên là nhân tố không thể thiếu được và luôn được đề cập đến khi xác định cơ cấu, tổ chức bộ máy, cán bộ của Viện kiểm sát các cấp và khi xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND. Xác định vị trí, vai trò của Kiểm sát viên nên trong Luật Tổ chức VKSND có ý nghĩa quan trọng, trong phạm vi bài viết này, tôi xin đề cập đến hai vấn đề cơ bản là đối tượng để bổ nhiệm Kiểm sát viên và ngạch Kiểm sát viên.

1. Về đối tượng để bổ nhiệm Kiểm sát viên

Luật Tổ chức VKSND năm 2002, tại khoản 1 Điều 42 quy định: “Kiểm sát viên được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Khi xây dựng Luật Tổ chức VKSND năm 2002, nhiều ý kiến cho rằng: Việc quy định Kiểm sát viên chỉ được bổ nhiệm để làm các công tác thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp là để gắn với chức danh tư pháp và đề cao vai trò, trách nhiệm của chức danh Kiểm sát viên. Trên thực tế, từ khi có Luật Tổ chức VKSND năm 2002 đến nay; ngành KSND đã thực hiện nghiêm túc quy định này, chỉ có những người đang thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp mới được xem xét bổ nhiệm Kiểm sát viên khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm. Song trong thực tế cũng đã nảy sinh những bất cập từ việc không bổ nhiệm Kiểm sát viên đối với những người không trực tiếp làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhưng lại có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Cụ thể là các trường hợp:

– Những người làm công tác tương trợ tư pháp về hình sự (một công việc mà Luật Tương trợ tư pháp đã quy định VKSND tối cao làm đầu mối ở Trung ương về tương trợ tư pháp về hình sự): Công việc thường xuyên của họ là nghiên cứu các hồ sơ vụ án hình sự từ nước ngoài gửi đến và từ các cơ quan tố tụng trong nước đề nghị để đưa ra biện pháp tố tụng cụ thể trong các trường hợp nhận ủy thác tư pháp hình sự từ nước ngoài và chuyển giao ủy thác tư pháp hình sự cho nước ngoài.

– Những người làm công tác tham mưu, tổng hợp cho Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp phải thường xuyên nắm bắt và triển khai sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cho Viện kiểm sát cấp mình và Viện kiểm sát cấp dưới.

– Những người trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp để xây dựng và hướng dẫn thực thi pháp luật trong ngành KSND.

– Những người làm công tác đào tạo cán bộ Kiểm sát trong đó có cả việc đào tạo những người để bổ nhiệm Kiểm sát viên.

Thực tế cho thấy, đối với bốn công tác nói trên, do tính chất đặc thù nghiệp vụ chuyên sâu của ngành Kiểm sát, chỉ có những người có thực tiễn, từng kinh qua nhiệm vụ của Kiểm sát viên mới có thể làm tốt được. Khi cần luân chuyển Kiểm sát viên sang làm các công tác khác (như công tác tương trợ tư pháp, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác xây dựng pháp luật và nghiên cứu khoa học, công tác tham mưu, tổng hợp…) rất cần đến trình độ, kinh nghiệm thực tiễn của Kiểm sát viên. Nếu không được là Kiểm sát viên thì sẽ phải bị miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên đối với họ là điều bất cập trong quản lý, sử dụng cán bộ; vì Kiểm sát viên là kết quả phấn đấu quan trọng nhất mà người cán bộ Kiểm sát đã đạt được. Mặt khác, những người có đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên nhưng không được bố trí làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nên không được xem xét bổ nhiệm Kiểm sát viên là bất bình đẳng đối với những cán bộ này. Do vậy, tôi cho rằng, cần quy định: “Kiểm sát viên được bổ nhiệm để làm công tác thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Ngoài các công tác thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên còn được bổ nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ đặc thù theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát”. Việc quy định như vậy còn có tác dụng tạo nguồn Kiểm sát viên phục vụ tốt cho công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong quá trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp là nghề nghiệp của Kiểm sát viên trong thời gian làm nhiệm vụ ở Viện kiểm sát. Ngoài tiêu chuẩn chung “Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có trình độ cử nhân luật chuyên ngành kiểm sát hoặc cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Luật này, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao” và từng tiêu chuẩn cụ thể để bổ nhiệm Kiểm sát viên từng cấp; việc quy định “Lời tuyên thệ của Kiểm sát viên” trong Dự thảo Luật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định lập trường tư tưởng, ý thức pháp luật, trách nhiệm trước pháp luật và xã hội, rèn luyện đạo đức phẩm chất và ý thức tổ chức kỷ luật của Kiểm sát viên. Theo đó, Kiểm sát viên phải “Tuyệt đối trung thành với Hiến pháp, tuân thủ pháp luật, tận tụy phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc”; trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên phải “Đấu tranh không khoan nhượng với mọi tội phạm và vi phạm pháp luật; kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và công bằng xã hội”; đã là Kiểm sát viên phải “Không ngừng phấn đấu, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” và nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật và các nguyên tắc hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân.

Về thời hạn bổ nhiệm Kiểm sát viên: Thực hiện chủ trương trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trí về việc “tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện bổ nhiệm không có kỳ hạn”; vì vậy đề nghị cần quy định về thời hạn bổ nhiệm Kiểm sát viên theo hướng “Kiểm sát viên VKSND tối cao được bổ nhiệm không thời hạn. Các Kiểm sát viên khác được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm”. Quy định như vậy là hợp lý và sát với thực tế vì những người được bổ nhiệm là Kiểm sát viên VKSND tối cao tuyệt đại đa số là các cán bộ Kiểm sát đã có trình độ theo quy định, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và đã được thử thách qua nhiều cấp Kiểm sát viên ở bậc dưới. Các Kiểm sát viên khác được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm nhằm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn cần và đủ đối với một Kiểm sát viên, đối với các trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn 10 năm là phù hợp để đảm bảo tính ổn định và phù hợp với thực tế; còn đối với những người không đủ điều kiện để bổ nhiệm lại đã có quy định về cách chức hoặc miễn nhiệm Kiểm sát viên trong Dự thảo Luật xác định rồi.

2. Về ngạch Kiểm sát viên 

Ở Viện kiểm sát các cấp, Kiểm sát viên là người thực hiện các nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Do vậy, về nguyên tắc, Viện kiểm sát cấp nào thì có Kiểm sát viên cấp đó. Luật Tổ chức VKSND năm 2002 đã khắc phục việc xác định chức danh Kiểm sát viên gắn với cấp hành chính (Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên VKSND tỉnh và Kiểm sát viên VKSND huyện) thành ba ngạch Kiểm sát viên là: Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp. Trong thực tế, mặc dù Luật không quy định nhưng do tính đặc thù và do điều động, luân chuyển cán bộ, ở VKSND tối cao vẫn có Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp; ở VKSND cấp tỉnh cũng có Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp (có những nơi có cả Kiểm sát viên VKSND tối cao do Viện trưởng được điều động luân chuyển từ VKSND tối cao về) và VKSND cấp huyện có Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp (do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng được điều động, luân chuyển từ VKSND tỉnh về).  

Để phù hợp với tình hình hiện tại và những năm tới, tôi cho rằng, khi thành lập VKSND cấp cao (tương ứng với Tòa án nhân dân cấp cao) thì cần xác định 4 ngạch Kiểm sát viên ở 4 cấp Kiểm sát là: Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên (Ở nhiều nước, người mới được bổ nhiệm lần đầu là Kiểm sát viên, Công tố viên chứ không phải là Kiểm sát viên sơ cấp hoặc Công tố viên sơ cấp).

Tôi tán thành quan điểm của Ban Soạn thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) là: “Việc chia 04 ngạch Kiểm sát viên sẽ bảo đảm cho việc điều động, luân chuyển Kiểm sát viên giữa các cấp kiểm sát được thông suốt; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, bảo đảm tính liên tục trong việc giải quyết án của Kiểm sát viên ngay từ đầu đến khi kết thúc. Kiểm sát viên cao cấp ở VKSND tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án do Cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra sẽ trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm tại TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm khu vực nơi vụ án được chuyển đến để xét xử sơ thẩm, khắc phục tình trạng không hợp lý hiện nay là phải ủy quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử cho Kiểm sát viên cấp tỉnh, cấp huyện, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án. Việc chia 04 ngạch Kiểm sát viên còn đáp ứng được yêu cầu xây dựng, tăng cường, phát triển đội ngũ Kiểm sát viên ngành Kiểm sát (mở rộng nguồn tuyển chọn, bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa), tạo động lực mạnh mẽ để từng Kiểm sát viên phấn đấu, nâng cao chất lượng Kiểm sát viên các cấp”.

Như vậy, trong mỗi cấp kiểm sát đều có Kiểm sát viên thuộc các ngạch khác nhau, như: VKSND tối cao và VKSND cấp cao có thể bố trí đủ 4 ngạch Kiểm sát viên; VKSND cấp tỉnh và VKSND khu vực (hoặc cấp huyện) có thể bố trí 3 ngạch Kiểm sát viên (Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên). Việc xác định ngạch và bố trí Kiểm sát viên các ngạch khác nhau ở từng cấp Kiểm sát còn đảm bảo sự tương thích với việc bố trí Điều tra viên ở từng cấp trong Cơ quan điều tra hiện nay (Cơ quan điều tra cấp huyện hiện nay bố trí cả Điều tra viên cao cấp) và phù hợp với tính chất nhiệm vụ của từng cấp Viện kiểm sát. Theo đó, Kiểm sát viên ở Viện kiểm sát cấp trên có trình độ, kinh nghiệm cao hơn đội ngũ Kiểm sát viên ở Viện kiểm sát cấp dưới, để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát cấp mình và có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát cấp dưới./.

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát

VKSNDTC: Ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/BCT của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm sát ma túy trong tình hình mới trong ngành KSND
VKSNDTC: Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của ngành KSND
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI
Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án tối cao Slovakia
Gặp mặt thân mật Lãnh đạo các cơ quan Khối Nội chính và Đại biểu Quốc hội
Những nội dung mới của Dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) về Kiểm sát viên VKSND
Họp liên ngành thống nhất hướng dẫn Điều 232 Bộ luật hình sự
Họp tổ biên tập Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)
Trình Quốc hội Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)