Trình Quốc hội Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)

(Kiểm sát) – Sáng nay, Thứ Năm – ngày 22/5/2014, trong phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội khóa XIII đã nghe Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi).

Với mục tiêu, xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến VKSND trong Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của VKSND theo yêu cầu cải cách tư pháp; nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới, Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC đã nêu bật sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức VKSND năm 2002.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày

Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) trước Quốc hội (Ảnh: P.V)

Thiết chế hữu hiệu trong việc bảo vệ Hiến pháp và pháp luật

Qua hơn 10 năm thi hành Luật tổ chức VKSND, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND, Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002, VKSND đã khẳng định vai trò là một thiết chế hữu hiệu trong việc bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh với các loại tội phạm, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.

Tuy vậy, từ thực tiễn thi hành Luật và các Pháp lệnh nêu trên, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cũng chỉ ra một số vướng mắc, bất cập như: Cơ chế bảo đảm cho VKSND thực hiện quyền hạn, trách nhiệm chưa đầy đủ và hiệu quả; chế độ pháp lý của Kiểm sát viên chưa thực sự phù hợp với trách nhiệm, quyền hạn; chế độ chính sách bảo đảm hoạt động của VKSND chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng; kỹ thuật lập pháp đã có phần lạc hậu so với yêu cầu hiện nay…

Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC nêu rõ: Hiến pháp năm 2013, được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6, đã có những nội dung mới quan trọng về chế định VKSND; đồng thời, bổ sung, làm rõ hơn những nguyên tắc mới, tiến bộ của tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKSND, đòi hỏi phải được cụ thể hóa trong Luật tổ chức VKSND (sửa đổi). Đồng thời, việc sửa đổi Luật tổ chức VKSND còn tạo cơ sở pháp lý để đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động của VKSND, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp là “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Mặt khác, sửa đổi Luật để đáp ứng yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nâng cao vai trò, vị trí của VKSND tương đồng với Viện công tố/Viện kiểm sát các nước trên thế giới; tiếp thu hợp lý kinh nghiệm quốc tế đã thừa nhận và khẳng định như: vai trò của công tố trong điều tra và kiểm soát quyền lực, bảo vệ quyền con người, tham gia vào các quan hệ phi hình sự để bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, người yếu thế.

Sửa đổi căn bản, toàn diện

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức VKSND lần này, VKSNDTC xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện, thay thế Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi năm 2011). Trên cơ sở thu hút 3 văn bản pháp luật đó, Dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) có kết cấu 07 chương, 13 mục, 107 điều. So với Luật tổ chức VKSND hiện hành, dự thảo giảm 04 chương, tăng 57 điều. Trong đó, sửa đổi 73 điều, bổ sung 34 điều mới, không có điều nào giữ nguyên.

Dự án Luật đã được chuẩn bị công phu với nhiều nội dung mới

Dự thảo Luật đã thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngành KSND, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của thực tiễn, với 8 nội dung mới:

Một là, làm rõ vị trí, vai trò của VKSND trong mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Hai là, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, VKSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Ba là, cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND trong Hiến pháp, làm rõ nội dung nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành KSND, phân định rõ thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tư pháp.

Bốn là, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về chức năng, nhiệm vụ của VKSND trên cơ sở thể chế hóa yêu cầu cải cách tư pháp và cụ thể hóa các nguyên tắc tư pháp tiến bộ được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Năm là, dự thảo quy định hệ thống VKSND gồm 4 cấp: VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực (hoặc cấp huyện).

Sáu là, lần đầu tiên, dự thảo Luật quy định rõ cơ cấu các chức danh tư pháp và chức danh khác của VKSND nói chung và ở từng cấp Viện kiểm sát với nhiều nội dung quy định mới để tạo tính chủ động, linh hoạt trong bố trí, sử dụng cán bộ; rèn luyện đội ngũ Kiểm sát viên, nâng cao chất lượng các khâu công tác.

Bảy là, bổ sung các quy định về đảm bảo hoạt động của VKSND.

Tám là, về kỹ thuật lập pháp, dự thảo Luật đã thu hút và quy định toàn diện các vấn đề cơ bản về tổ chức và hoạt động của VKSND, khắc phục tình trạng nhiều văn bản tản mạn, chồng chéo; quy định thẩm quyền cơ bản của VKSND trong từng lĩnh vực công tác, tránh trùng lặp với các luật về tố tụng, bảo đảm tính thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật.

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, vào chiều nay (22/5), các Đại biểu Quốc hội làm việc ở Tổ để thảo luận về dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) và dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi). Chúng tôi sẽ ghi nhận, phản ánh tới bạn đọc ý kiến của Đại biểu Quốc hội xung quanh 2 dự án luật này trong các bản tin tiếp theo.

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát

Viện Kiểm sát huyện Trạm Tấu – Không làm oan người vô tội
Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) chính thức được trình Quốc hội
Đưa Hiến pháp 2013 vào thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp
Công đoàn viên chức VKSNDTC hưởng ứng cuộc vận động “Cả nước hướng về Trường Sa” và ủng hộ quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”
Ban Nữ công, Công đoàn VKSNDTC: Triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác
Đã hoàn tất công tác chuẩn bị để Viện trưởng VKSNDTC báo cáo tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIII
VKSNDTC tổ chức Hội nghị tập huấn phần mềm Quản lý án hình sự
Giới thiệu số phát sóng thứ 22 (số 10 năm 2014) – “Những người đi tìm sự thật”
Thắt chặt quan hệ hợp tác tư pháp giữa Việt Nam và Nhật Bản
Làm việc bằng kiến thức kinh nghiệm, tâm đức sẽ đóng góp cho Ngành phát triển vững mạnh