Trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Sẽ giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Trung Quốc; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 15/5, người phát ngôn Lê Hải Bình tuyên bố, hành động của Trung Quốc làm ảnh hưởng tin cậy chính trị và tùy diễn biến Việt Nam sẽ tính đến biện pháp phù hợp, tuyên bố trên được đưa ra sau khi thông báo những thông tin liên quan vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trả lời các câu hỏi của các cơ quan thông tấn báo chí, người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh, Việt Nam vẫn kiên trì các biện pháp ngoại giao hòa bình để giải quyết vấn đề. Việc thông tin kịp thời, đặc biệt thông điệp của Thủ tướng tại Cấp cao ASEAN ở Myanmar đã khiến dư luận quốc tế hiểu rõ và ủng hộ Việt Nam trong vấn đề này. Trong thời gian tới, tùy từng sự kiện Việt Nam sẽ có thông điệp phù hợp.
Chủ quyền quốc gia là nguyên tắc tối thượng.
Cùng với việc sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam cũng đang hết sức kiềm chế để tránh va chạm và xung đột. Việc thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền là hết sức chính đáng và tự nhiên. Tuy nhiên, việc thể hiện này phải theo đúng pháp luật và theo đúng tinh thần hữu nghị trên thế giới. Hiện Việt Nam đã lưu hành công hàm tại Liên Hợp quốc phản đối Trung Quốc. Việt Nam đã và đang kiên trì đối thoại, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với phía Trung Quốc bằng nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức khác nhau, phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc, nỗ lực giải quyết bất đồng giữa hai bên. Việt Nam khẳng định luôn coi trọng quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Nhưng Việt Nam cho rằng, quan hệ hai bên chỉ phát triển tốt đẹp trên cơ sở tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhau.
Trả lời câu hỏi của hãng tin Đài Loan và Jiji Press (Nhật Bản) ông Lê Hải Bình cho biết, lợi dụng vụ việc giàn khoan Hải Dương 981, một số đối tượng xấu đã kích động, gây mất an ninh, ổn định tình hình tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh. Ngay khi vụ việc xảy ra, các cơ quan Việt Nam đã nhanh chóng trấn áp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Đài Loan trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, khi Việt Nam sử dụng bất cứ chiến thuật gì thì vẫn dựa trên nguyên tắc kiên trì và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước, đồng thời cũng hết sức hạn chế vì Việt Nam phản đối việc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực.
Liên quan đến vụ hàng nghìn công nhân xô xát ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Bình Dương, các cơ quan chức năng đang tiến hành phân loại các đối tượng, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo pháp luật. Riêng ở Bình Dương, cơ quan chức năng đã tạm giữ 476 người lợi dụng tình hình để gây rối, phá hoại và “hôi của”. Tại Hà Tĩnh, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 76 người để điều tra. Đại diện của Công an tỉnh Bình Dương còn cho biết thêm, ngay sau khi xảy ra vụ việc, công an và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng can thiệp, xử lý tình hình, ngoài ra còn cử lực lượng bảo vệ các chuyên gia, người Trung Quốc, do vậy không xảy ra tình trạng tấn công nhằm vào những người này. Nếu như vài ngày trước, theo báo cáo sơ bộ của UBND tỉnh Bình Dương, chỉ riêng ngày 13/5, có khoảng 19.000 công nhân tham gia diễu hành phản đối Trung Quốc, nhưng đến thời điểm hiện tại, ở KCN Sóng Thần chỉ còn khoảng vài trăm người với băng rôn, khẩu hiệu quen thuộc: “Chúng tôi hướng về các chiến sỹ biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Hãy biểu tình đúng cách. Không đập phá tài sản. Không lấy tài sản”…
Để ngăn chặn tình trạng đột nhập, phá hoại, lấy cắp tài sản của các doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo lực lượng công an địa phương kết hợp với sự chi viện của Bộ Công an; mặt khác tỉnh đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động tại các khu vực đông công nhân diễu hành, các khu nhà trọ để công nhân không tham gia vào các hoạt động diễu hành gây mấy an ninh trật tự. “Lãnh đạo tỉnh cũng kêu gọi tất cả mọi người hết sức bình tĩnh, kiềm chế; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; tuyệt đối không nghe sự xúi giục, kích động của kẻ xấu dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật”. Ngoài ra, UBND tỉnh đang chỉ đạo xử lý nghiêm khắc những đối tượng lợi dụng tình hình đã gây rối, phá hoại tài sản của người dân, doanh nghiệp và nhà nước; cương quyết trấn áp những kẻ ép buộc người khác thực hiện hành vi trái pháp luật; đồng thời tập trung chỉ đạo nhanh chóng ổn định tình hình nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư và của công nhân lao động.
Sau khi Chính phủ có Công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của cá nhân, doanh nghiệp của nước ngoài, đặc biệt là phải kiên quyết xử lý những đối tượng lợi dụng tình hình để kích động người dân vi phạm pháp luật, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn (CĐ) ngành Trung ương, CĐ các tổng công ty và các cơ quan báo chí trong hệ thống CĐ, yêu cầu tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức – lao động (CNVC-LĐ) xung quanh việc phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Theo văn bản này, cùng với các tầng lớp nhân dân, công nhân lao động (CNLĐ) ở khắp nơi, bằng nhiều cách thức khác nhau, đã tham gia biểu thị lòng yêu nước, phản đối hành động gây hấn, nguy hiểm của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại một số địa phương, CNLĐ đã có các hành động quá khích như: tự ý bỏ việc, đập phá nhà xưởng, trang thiết bị … Đây là hành động không đúng pháp luật, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống CNLĐ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị công đoàn các cấp thực hiện phân công cán bộ bám sát cơ sở, theo dõi, nắm tình hình CNVC-LĐ, phát hiện những biểu hiện của một số đối tượng quá khích trà trộn vào kích động CNLĐ có các hành động cực đoan, không phù hợp quy định pháp luật trong CNVC-LĐ, báo cáo cho cấp ủy cùng cấp, kịp thời giải thích, tuyên truyền, vận động CNVC-LĐ chấp hành kỷ luật lao động, ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập; ngăn chặn các hành động đáng tiếc xảy ra.
Nguồn: Báo bảo vệ pháp luật