Di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ (Nguồn: yenbai.gov.vn)
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái điểm lại một số di tích điển hình như sau:
Di tích lịch sử Bến Âu Lâu được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2012. Nơi đây, với gần sáu thập kỷ phục vụ đã trở thành cầu nối duy nhất giữa hai khu vực Việt Bắc và Tây Bắc, đã trở thành nơi bí mật đưa đón các cán bộ lên chỉ đạo phong trào kháng chiến ở địa phương, đưa đón nhân dân trong vùng qua lại giành chính quyền từ tay địch, góp phần làm nên mùa thu lịch sử năm 1945.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bến Âu Lâu đã khẳng định vai trò bất diệt của mình trong việc vận chuyển cán bộ cách mạng, bộ đội, dân công, vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm cho chiến trường Tây Bắc, phục vụ các chiến dịch lớn của dân tộc như chiến dịch Lý Thường Kiệt (1951), chiến dịch Tây Bắc (1952) và đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954), góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ngày nay, bến Âu Lâu lịch sử là điểm di tích lịch sử quan trọng, hiện đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành lập quy hoạch bảo tồn nguyên trạng nhằm phát huy tối đa giá trị của di tích trong những năm tiếp theo.
Di tích đèo Lũng Lô nằm ở bản Dạ, xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn) và bản Bau, xã Mường Cơi (huyện Phù Yên – tỉnh Sơn La). Đây là một điểm nhấn không thể thiếu với những đóng góp về sức người, sức của góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Với vị trí chiến lược nằm dưới chân đèo Lũng Lô trong chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Thượng Bằng La được chọn là nơi tập trung quân lương, quân dụng vượt đèo tiếp tế cho chiến dịch. Hơn 200 ngày đêm vừa mở đường vừa bảo vệ và vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược đến nơi an toàn. Con đường tiếp tế duy nhất cho chiến dịch Điện Biên Phủ, qua đèo Lũng Lô đã làm nên một kỳ tích lịch sử làm cho thực dân Pháp bất ngờ, khiếp sợ tinh thần quả cảm của quân dân ta
Với giá trị lịch sử, văn hoá của sự đoàn kết, chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc đã tạo nên con đường 13A – Con đường lịch sử, đường của thắng lợi. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng giá trị lịch sử vẫn còn tồn tại và sống mãi với thời gian. Con đường 13A năm xưa, nay đã được thay tên mới Quốc lộ 32A và đèo Lũng Lô đã được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Di tích Khu ủy Tây Bắc thuộc xã Phù Nham, huyện Văn Chấn là điểm di tích lịch sử quốc gia năm 2012. Đây là nơi được chọn đóng trụ sở của Khu ủy từ cuối năm 1953 đến cuối năm 1954, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La và Lai Châu đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Xây dựng lực lượng, tăng gia sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng quê hương. Nơi đây còn gắn liền với sự ra đời của điệu múa sạp – một điệu múa thể hiện tình quân dân gắn bó, điệu múa sống mãi với thời gian.
Di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1996. Đây là nơi ghi dấu trận quyết chiến ác liệt của quân và dân ta giải phóng Nghĩa Lộ, phá tan tuyến phòng thủ sông Đà của Pháp ở Tây Bắc.
Di tích Trận phục kích Pháp tại làng Mỵ ngày 31/12/1947 đã được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2013. Đây là nơi đã diễn ra trận phục kích và tiêu diệt 20 tên địch, bắt sống 20 tên và thu nhiều quân trang quân dụng khác. Chiến thắng này trong những năm đầu của công cuộc kháng chiến chống Pháp đã góp phần tạo động lực, tạo niềm tin, cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ra trong những trận chiến tiếp theo.
Suốt dọc tuyến đường 13A lịch sử, trên địa bàn tỉnh Yên Bái nơi đâu cũng có những dấu ấn ghi lại các sự kiện lịch sử quan trọng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Mỗi điểm di tích này là những dấu son chói lọi ghi lại những giá trị lớn lao của lịch sử dân tộc và là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Nguồn: yenbai.gov.vn