Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Những đóng góp của quân và dân Yên Bái trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng các mạng, tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tất cả sức lực, tinh thần, trí tuệ, của cải vì mục tiêu chiến thắng, đã huy động đến mức cao nhất về sức người, sức của cho tiền tuyến, đặc biệt là trong nhiệm vụ bảo đảm giao thông, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến dịch. Tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu của LLVT và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã góp phần to lớn cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ.
Để phá tan kế hoạch “Na Va” của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi quyết định, tháng 9/1953 Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông-Xuân 1953-1954. Dựa trên phương hướng chiến lược của Hội nghị Trung ương lần thứ Tư (tháng 01/1953) Bộ Chính trị quyết định đưa bộ đội lên Tây Bắc hoạt động và chủ trương mở cuộc tấn công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954.
Ngày 06/12/1953 Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đánh bại cố gắng quân sự cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Quyết tâm chiến lược của Đảng bắt đầu được thực hiện bằng quyết tâm hoàn thành chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Đảng và Chính phủ đã huy động sức mạnh, tiềm lực của quân và dân cả nước. Một trong những vấn đề khó khăn lớn nhất là việc bảo đảm các tuyến đường giao thông để vận chuyển, cung cấp vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Trong báo cáo trình Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị cho chiến dịch. Tổng Quân uỷ Trung ương đã nêu rõ: “Khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề cung cấp mà chủ yếu là vấn đề đường xá, đây là vấn đề quan trọng nhất trong công tác chuẩn bị cho chiến dịch, yêu cầu phải sửa và nâng cấp tuyến đường từ Việt Bắc đi Điện Biên Phủ, trong đó có đường 13A từ Yên Bái đi Tạ Khoa/Sơn La“.
Ở tỉnh Yên Bái, từ giữa năm 1953, các Đảng bộ, đơn vị LLVT của tỉnh và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã triển khai công tác phục vụ chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954. Trải qua 8 năm kháng chiến, tình hình mọi mặt ở tỉnh đã có nhiều thay đổi to lớn. Bộ đội địa phương, dân quân du kích được xây dựng, qua chiến đấu gian khổ, ác liệt đã trưởng thành, khả năng chiến đấu ngày càng cao; Hậu phương đang tiếp tục được xây dựng, củng cố lớn mạnh, qua phát động quần chúng giảm tô, giảm tức và đấu tranh tiễu phỉ, phong trào cách mạng quần chúng phát triển với khí thế mới; Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể được củng cố thêm một bước là những thuận lợi to lớn để tỉnh Yên Bái huy động sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Có thể thấy, trong suốt cuộc kháng chiến chưa bao giờ quân và dân Yên Bái lúc này đứng trước nhiệm vụ bảo đảm cung cấp, phục vụ tiền tuyến hết sức nặng nề như bảo đảm cho chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, nhưng cũng chưa lúc nào quân và dân Yên Bái lại có phong trào quần chúng sôi nổi, hào hùng như phong trào bảo đảm cung cấp, phục vụ tiền tuyến như Đông – Xuân 1953-1954. Cuộc chiến đấu trên mặt trận bảo đảm cung cấp, bảo đảm giao thông, vận chuyển cho tiền tuyến ở Yên Bái diễn ra hết sức khẩn trương và quyết liệt, đặc biệt là trong thời gian từ cuối năm 1953 đến giữa năm 1954.
Để chuẩn bị cho mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn vào sào huyệt cuối cùng của địch. Từ cuối năm 1952 Trung ương Đảng và Chính phủ đã giao cho tỉnh Yên Bái khai thông và mở rộng tuyến đường từ chợ Hiên (Tuyên Quang) vào Ba Khe, đồng thời mở tiếp đường 13A từ Ba Khe nối với đường 41 đi Sơn La. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, cán bộ kỹ thuật, địa hình rừng núi, đường xá đi lại vô cùng hiểm trở, nhiều đoạn phải vượt qua vực sâu, vách đứng. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, quân và dân Yên Bái đã quyết tâm thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến“, “Tất cả để chiến thắng” trong vòng 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 11/1953), hơn 6000 dân công và cán bộ chiến sỹ LLVT tỉnh đã tham gia làm đường với tổng số 1.638.000 ngày công, tiến hành sửa chữa và làm mới 188 km đường từ Hiên ra đến đường 41, bảo đảm cho xe ô tô có thể chạy được từ giữa căn cứ địa Việt Bắc đến Tây Bắc, đây là thành tích to lớn của quân và dân Yên Bái.
Từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954, công tác phục vụ tiền tuyến bước vào thời gian quyết liệt nhất, tuyến đường 13A đã trở thành tuyến đường huyết mạch phục vụ cho chiến dịch, chính vì vậy mà việc bảo đảm giao thông ở tuyến đường này có tầm quan trọng đặc biệt. Quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Trung ương và xác định rõ nhiệm vụ được giao. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và LLVT tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai tổ chức thực hiện, phân công cán bộ phụ trách các lĩnh vực, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương huy động sức người, sức của phục vụ các công trường. Đặc biệt đối với các địa bàn trọng điểm, khó khăn, ác liệt được giao cho các đơn vị LLVT địa phương, dân quân du kích bảo đảm an ninh, tổ chức phòng tránh, đánh trả máy bay địch, tiêu diệt biệt kích, do thám và làm nhiệm vụ tiễu phỉ; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị công binh bảo đảm cầu phà vượt sông, chuẩn bị đầy đủ và giữ bí mật các địa điểm tập kết hàng hóa, nơi trú chân của các đơn vị dân công và bộ đội.
Cuộc chiến đấu bảo vệ cầu đường diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt, địch càng đánh phá dữ dội, tinh thần dũng cảm, lăn lộn bám giữ đường của quân và dân ta càng cao. Ý chí quyết tâm của quân và dân Yên Bái được biến thành hành động cụ thể, các đội du kích đã kết hợp với bộ đội tuần tra bảo vệ từng cung đường, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, những đợt mưa lũ rét buốt kéo dài, các đơn vị bộ đội và dân công vẫn ngày đêm bám sát mặt đường sẻ núi, phá đá, bắc cầu, phá bom nổ chậm, vừa sửa chữa nâng cấp, vừa làm mới các tuyến đường, vừa chống lại mọi thủ đoạn phá hoại của địch. Trong những thời gian cao điểm của chiến dịch Điện Biên Phủ, địch tập trung đánh phá dữ dội con đường độc đạo của ta, có ngày máy bay địch hoạt động 5 – 6 lần, có lần dùng 16-19 máy bay, ném hơn 200 quả bom xuống các khu vực trọng điểm. Từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954 địch đã thả 2.070 quả bom phá và bom na pan xuống tuyến đường do tỉnh Yên Bái bảo đảm giao thông, trong đó có 508 quả bom nổ chậm. Các nơi bị máy bay địch đánh phá ác liệt nhất là bến phà Âu Lâu, Ngòi Lao, đèo Lũng Lô, hơn hai trăm ngày đêm trên tuyến đường này không lúc nào không có tiếng bom, đạn nổ.
Để bảo đảm cho tuyến đường luôn luôn thông suốt, kịp thời phục vụ cho chiến dịch, hàng nghìn thanh niên xung phong phối hợp với các đơn vị công binh anh dũng mở đường, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, sửa chữa cầu phà. Hàng vạn chiến sỹ dân công khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, vượt qua đèo cao, suối sâu, nắng mưa, rét buốt; vượt qua các khu vực máy bay địch bắn phá và bom nổ chậm vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược ra tiền tuyến. Đã có 31.652 dân công từ khắp các huyện Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn…với 1.650.740 ngày công, 2700 công thuyền, 650 công xe đạp thồ phục vụ cho tiền tuyến; khai thác 45.000 m3 đất đá, 31.300m3 gỗ, tre, vầu dùng để chống lầy, lún sạt, san lấp hố bom, nâng tốc độ xe ô tô chạy trên đường 13A trung bình từ 10km/h lên 15 – 30 km/h. Bến phà Âu Lâu bình thường đưa được 30-40 xe qua sông trong một đêm và mỗi chuyến phải mất 30 phút, nhưng với quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến”,”Tất cả để chiến thắng” đã rút ngắn thời gian vượt sông xuống còn 15 phút và bố trí thêm hàng chục xe vượt sông mỗi đêm, có đêm đưa tới 93 xe vượt sông an toàn.
Cùng với việc bảo đảm giao thông các tuyến đường, quân và dân Yên Bái còn phải thực hiện nhiệm vụ diệt trừ tiễu phỉ, giữ vững an ninh, ổn định hậu phương, góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu gây phỉ của thực dân Pháp trên địa bàn. Từ tháng 10/1953 đến tháng 6/1954, các đơn vị vũ trang của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương của 2 tỉnh Lao Cai, Sơn La mở các đợt truy quét tiêu diệt và bắt sống hơn 1.500 tên phỉ, thu trên 2.000 khẩu súng các loại và nhiều phương tiện kỹ thuật phục vụ chiến tranh; phá tan hoàn toàn các toán phỉ ở Than Uyên, Văn Bàn và âm mưu của bọn phỉ từ Sơn La cấu kết với phỉ ở Yên Bái mở rộng hoạt động xuống Văn Chấn – Nghĩa Lộ hòng tái chiếm vùng này nhằm phá hoại hậu phương và tuyến đường chi viện cho Điện Biên Phủ của ta. Thắng lợi này đã tạo điều kiện để Bộ Tổng Tư lệnh điều Trung đoàn 246 tăng cường cho mặt trận Điện Biên Phủ tháng 3/1954.
Trên mặt trận bảo đảm cung cấp phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã đóng góp, cung cấp cho chiến dịch được 1.840 tấn gạo (vượt chỉ tiêu được giao: 90 tấn); 372 con trâu, bò; 489 con lợn và hàng chục tấn rau xanh. Riêng vùng Văn Chấn – Nghĩa Lộ mới được giải phóng còn phải giải quyết hậu quả nặng nề của chiến tranh, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn nhưng với lòng yêu nước căm thù giặc, đồng bào đã đóng góp được 500 tấn lương thực cho chiến trường Điện Biên Phủ. Công nhân ở các công binh xưởng Vĩnh Kiên (Yên Bình), Kiên Thành (Trấn Yên) đã ngày đêm thi đua sửa chữa vũ khí, sản xuất hàng vạn cuốc xẻng phục vụ cho mặt trận và các công trường làm đường. Hàng nghìn thuyền, xe đạp, xe trâu, ngựa thồ đã được huy động tham gia vận chuyển phục vụ chiến dịch.
Để kịp thời bổ sung lực lượng cho các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu trên các chiến trường, thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ nhất và lần thứ hai năm 1951, trong các năm từ 1952 đến năm 1954 tỉnh Yên Bái đã động viên, tiễn đưa 2.636 thanh niên nhập ngũ, kịp thời bổ sung cho các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu. Riêng năm 1953 và 5 tháng đầu năm 1954 tỉnh Yên Bái đã động viên, tiễn đưa 1.563 thanh niên nhâp ngũ tham gia chiến đấu trên các chiến trường và bổ sung cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với những đóng góp to lớn và những thành tích xuất sắc của quân và dân tỉnh Yên Bái trong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tổng kết chiến dịch, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương chiến công cho 2 tập thể và 3 cá nhân; Hội đồng cung cấp Trung ương tặng cờ cho 1 đơn vị; Liên khu Tây Bắc tặng bằng khen cho 15 tập thể và rất nhiều cá nhân.
Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục xây dựng và bảo vệ tổ quốc
Trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ và cả suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Quân và dân Yên Bái đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa xây dựng, củng cố hậu phương kháng chiến, thực hiện tốt nhiệm vụ của hậu phương trực tiếp chi viện cho chiến dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho, góp phần to lớn làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ.
Ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trực tiếp là của Đảng bộ tỉnh. Quân và dân Yên Bái đã cùng đồng bào, chiến sỹ cả nước bước vào một thời kỳ mới của cách mạng với những thử thách ác liệt nhất, đương đầu trước cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ với quy mô và cường độ chưa từng có. Phát huy tinh thần và khí phách chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân Yên Bái vừa tham gia xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, vừa tích cực lao động, sản xuất khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng hậu phương, vừa chiến đấu đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, hết lòng, hết sức chi viện cho chiến trường miền Nam, đã góp phần cùng với quân và dân cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái với chặng đường trải qua gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1945-2014) tiến bước dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, trong sự thương yêu đùm bọc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, xây đắp nên truyền thống “Trung thành, đoàn kết, kiên cường, sáng tạo, chiến thắng“.
Trong suốt chặng đường gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT tỉnh luôn trân trọng giữ gìn và không ngừng phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp do các thế hệ đi trước xây đắp nên. Trong tâm thức mỗi cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh Yên Bái hôm nay luôn trân trọng và ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sỹ, những cán bộ đi trước đã không tiếc máu xương đem lại chiến thắng vẻ vang Điện Biên Phủ. Tinh thần, khí phách Điện Biên Phủ hôm qua, hôm nay và cả mãi mãi mai sau sẽ luôn là điểm tựa tinh thần, là niềm tự hào, niềm tin vững chắc tạo nên sức mạnh để LLVT tỉnh phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc, Đảng và nhân dân giao cho.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới, cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh luôn nhận thức sâu sắc rằng: Chúng ta không chỉ tự hào về những thành tích vẻ vang mà cha anh năm xưa đã giành được trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mà phải có thái độ nghiêm túc, đầy trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát triển những giá trị tinh thần vô giá đó trong giai đoạn mới, để những giá trị truyền thống đó thực sự trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ của hành động cách mạng, xứng đáng là lớp người kế tục sự nghiệp của các thế hệ đi trước đã xây đắp nên bằng biết bao xương máu.
Các thế hệ đi trước đã không cam chịu làm nô lệ, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên cường, dũng cảm, sáng tạo đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các thế hệ ngày nay cần phải trân trọng, giữ gìn nền độc lập dân tộc và phát huy giá trị, tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ trong công cuộc đổi mới, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng tinh thần, khí phách chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ vẫn còn in đậm trong ký ức các thế hệ người Việt Nam, nhất là quân và dân Tây Bắc. Tinh thần đó cũng mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái. Phát huy truyền thống, tinh thần và khí phách chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ. Cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh Yên Bái nguyện đoàn kết một lòng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức phấn đấu, rèn luyện, xây dựng LLVT tỉnh ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu, quý trọng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Nguồn: yenbai.gov.vn