Tiếp theo tác phẩm “Một thời trận mạc” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, đầu năm 2012 tác phẩm “Theo dòng công lý” do Tiến sĩ Dương Thanh Biểu là tác giả cũng đã được “trình làng”. “Theo dòng công lý” kể về 7 vụ án in dấu ấn đậm nét trong cuộc đời 35 năm công tác trong ngành Kiểm sát của tác giả gồm: Giải oan giữa lòng Hà Nội; Vụ án gián điệp và những bài học cảnh giác; Huyền thoại về Tạ Đình Đề; Vụ án N2 Đồng Nai; Vụ án tên không tặc thèm…thịt chó; Vụ án ma túy và bài học cảnh giác; theo dòng công lý.
TS Dương Thanh Biểu và các cán bộ báo Bảo vệ pháp luật chụp ảnh cùng tập thể lãnh đạo Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại buổi tặng sách. |
Theo Tiến sĩ Dương Thanh Biểu thì với 7 vụ án trong “Theo dòng công lý”, ý nghĩa cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc kể lại các vụ án, các nhân vật đã từng làm xôn xao dư luận mà điều tác giả muốn gửi gắm trong cuốn sách này là: con người nên cố gắng đồng hành với cái thiện, tránh xa cái ác, sống tốt đẹp hơn, nhân ái hơn cho mình, cho gia đình và cho xã hội. Mỗi con người phải thiết lập được một tòa án lương tâm, tự mình phán xét, tự mình thanh lọc để sống tốt hơn. Tiến sĩ Dương Thanh Biểu cho biết: “Tôi viết không phải muốn nổi tiếng hay để trở thành “nhà” này, “nhà” nọ… mà chỉ mong ước trước tiên ghi lại một cách trung thực những niềm vui và nỗi nhớ, những thăng trầm của cuộc đời, những cuộc đấu lý quyết liệt trong một số vụ án làm xôn xao dư luận một thời, để trả nghĩa cho cha mẹ, cho quê hương và đồng đội tôi, những người đang còn sống hay đã nằm lại dưới những tán rừng già… Đồng thời, qua đây để tri ân, kính trọng và khâm phục, để khắc họa hình ảnh những đồng chí, đồng nghiệp, lãnh đạo của ngành KSND qua các thời kỳ trong sự nghiệp bảo vệ pháp chế, bảo vệ lẽ phải, nơi đã cho tôi nhiều chia sẻ, nhiều cơ hội trong quá trình phấn đấu trưởng thành”. Cũng theo tâm sự của tác giả thì: “Tôi viết hồi ức này không có ý “kể lể thành tích” mà viết ra những sự kiện có thật, những cảm xúc thật yêu thương đối với những con người và môi trường đã rèn luyện giúp cho tôi trưởng thành. Tôi viết ra trước hết để đồng chí và bạn bè của mình, rộng ra là các bạn đọc thấy một phần quá khứ, ngõ hầu qua đó, phần nào chăng giúp cho hiện tại và tương lai và biết suy ngẫm…”. Phát biểu tại buổi tặng sách, thay mặt tập thể lãnh đạo Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường đã gửi lời cảm ơn đến Tiến sĩ Dương Thanh Biểu khi đã đến thăm và tặng sách cho nhà trường. Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh, “Theo dòng công lý” là món quà rất có ý nghĩa đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên và toàn thể học viên của nhà trường bởi lẽ, thông qua 7 vụ án được nêu trong cuốn sách không chỉ giúp cho mỗi người rút ra những bài học quý báu để sống nhân ái, bao dung, chân thành với chính mình và mọi người nhằm hướng đến cái “chân – thiện – mỹ”; giúp độc giả trong lẫn ngoài ngành hiểu hơn công việc, nỗi vất vả của người làm công tác kiểm sát mà chính cuốn sách là nguồn tư liệu tham khảo quý báu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có năng lực và trình độ, đáp ứng các yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của nhà trường. Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng mong rằng, bằng tình yêu ngành, yêu nghề cùng với trí tuệ và những kinh nghiệm, trăn trở, tâm huyết trong cuộc đời công tác của mình trong ngành Kiểm sát, thời gian tới Tiến sĩ Dương Thanh Biểu tiếp tục có thêm những tác phẩm bổ ích, ý nghĩa để góp phần tô thắm thêm truyền thống của ngành Kiểm sát dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng lắm vinh quang.
Trích nguồn Báo Bảo vệ pháp luật