Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao

(Kiểm sát) – Sáng ngày 24/12/2013tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ban Cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoch và đầu tư và một số ban ngành chức năng liên quan đã làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả trọng tâm công tác đạt được của ngành trong năm 2013.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC và các đồng chí Phó viện trưởng VKSNDTC: Hoàng Nghĩa Mai, Trần Phước Tới, Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn, Nguyễn Hải Phong, Bùi Mạnh Cường. Cùng dự có Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSNDTC.

Các đại biểu dự buổi làm việc

Thừa ủy quyền Viện trưởng  VKSNDTC, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC trình bày Báo cáo kết quả công tác năm 2013 của ngành KSND. Theo đó năm 2013, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ án mới khởi tố tăng so với cùng kỳ, một số loại tội phạm gia tăng về tính chất, mức độ nguy hiểm; các tranh chấp dân sự, hành chính cũng gia tăng. Nguyên nhân chính từ sự suy giảm kinh tế, phá sản của doanh nghiệp, đạo đức xã hội xuống cấp, bên cạnh đó là công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn thiếu sót dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật chưa cao.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phát biểu chỉ đạo

Để kịp thời đấu tranh ngăn chặn với diễn biến phức tạp của tội phạm, năm qua, ngành Kiểm sát đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá, trong đó chú trọng về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, đảm bảo việc truy cứu trách nhiệm hình sự, đúng người, đúng tội, hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai. Những kết quả này đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh tội phạm, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiểm sát các hoạt động tư pháp đạt kết quả tốt hơn; việc phối hợp giữa các cơ quan tư pháp được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ án lớn, phức tạp được dư luận quan tâm; ngành KSND đã tập trung chí tuệ tích cực tham gia góp ý vào dự thảo Hiến pháp (sửa đổi), nhất là chế định về Viện kiểm sát nhân dân, hoàn thành các đề án cải cách tư pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất và chế độ chính sách của Ngành.

 

Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC trình bày báo cáo

Toàn Ngành đã đổi mới công tác tổ chức cán bộ, đào tạo cán bộ theo các Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiêu biểu là sự ra đời của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội sẽ tạo điều kiện để đào tạo nguồn lực chất lượng cao.

Toàn ngành đã đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh. Đề cao kỷ cương, kỷ luật và thực hiện có hiệu quả đề án về cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức trong ngành KSND. Tăng cường đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, thực hiện tốt đầu mối tương trợ tư pháp về hình sự, trở thành thành viên chính thức của hiệp hội Công tố viên quốc tế.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của tôi phạm, Ngành đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ phát hiện, đẩy nhanh tiến độ và xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng…

Các đại biểu dự buổi làm việc

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ VKS các cấp vẫn còn một số tồn tại hạn chế, nguyên nhân do cơ sở, vật chất điều kiện làm việc, chính sách chế độ đãi ngộ đối với cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và các ngành hữu quan với VKS ở một số nơi chưa chặt chẽ, kịp thời và đồng bộ.

Từ những khó khăn đó, ngành KSND đề xuất kiến nghị với Chủ tịch nước và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật bảo đảm nhận thức và áp dụng thống nhất trong thực tiễn; pháp điển hóa các quy định về tổ chức, thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC trong quá trình xây dựng Luật Tổ chức điều tra hình sự; đề nghị đồng chí Chủ tịch nước thường xuyên nghe và chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp được dư luận và xã hội quan tâm; tạo điều kiện đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho ngành KSND, từng bước tăng cường cơ sở, trang thiết bị và phương tiện làm việc phù hợp với đặc thù của Ngành; chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy chính quyền địa phương tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ  và hiệu quả với các cơ quan tư pháp trong đó có Viện kiểm sát để ngành Kiểm sát nhân dân hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

 

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước hoan nghênh kết quả mà ngành Kiểm sát đã đạt được trong năm vừa qua, nhất là việc nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, phát hiện và xử lý hạn chế thấp nhất vụ án oan sai. Chủ tịch nước nhấn mạnh, với chức năng, nhiệm vụ của mình thì một trong những yếu tố quan trọng nhất của ngành kiểm sát là không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Đánh giá cao hoạt động công tố và kiểm sát tư pháp đã có chuyển biến tích cực, Chủ tịch nước nhấn mạnh ngành Kiểm sát cần phải phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng từ điều tra, xét xử, thi hành án để kịp thời phát hiện những vi phạm để không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đặc biệt, phải đảm bảo đúng thời gian, đưa ra xét xử kịp thời đúng pháp luật đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng, không để kéo dài dễ dẫn đến giảm lòng tin của nhân dân.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phát triển thì tội phạm cũng phải giảm, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng Đảng, Nhà nước giao cho các cơ quan tư pháp. Cùng với thực hiện chức năng đấu tranh với các loại tội phạm, ngành Kiểm sát cũng như các cơ quan tư pháp từ thực tiễn công tác của mình phải tham mưu đề xuất những giải pháp cho Đảng, Nhà nước những cơ chế, chính sách điều chỉnh phù hợp nhằm xây dựng xã hội lành mạnh, công khai, dân chủ.

Nhấn mạnh, năm 2014 là năm đầu thực hiện Hiến pháp mới sửa đổi, Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát cần có tổng kết thực tiễn công tác để thể chế hóa vào các đề án, dự án luật sửa đổi… để khi ban hành đáp ứng sát thực cuộc sống và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát phải dồn sức vào công tác kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng, đào tạo nhân lực, mở rộng hợp tác quốc tế để đáp ứng công tác cải cách tư pháp và công cuộc hội nhập, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo VKSNDTC

Nguồn: Tạp chí kiểm sát

Báo chí với hoạt động cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC chủ trì Hội đồng thẩm định chương trình khoa học
VKSNDTC: Tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị trong ngành KSND
Giới thiệu số phát sóng thứ 10 Truyền hình Kiểm sát nhân dân: “Thắm tình đoàn kết hữu nghị ngành Kiểm sát nhân dân hai nước Việt – Lào”
Tiến sĩ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC chủ trì Họp Hội đồng khoa học ngành KSND
Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm tố tụng hình sự của Cộng hoà liên bang Đức – Những vấn đề rút ra đối với việc hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam”
VKSND Tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn công tác thống kê năm 2013
Họp Ủy ban Kiểm sát và Hội đồng khoa học cho ý kiến về Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi)
Tiếp thu hợp lý kinh nghiệm tiến bộ trong pháp luật tố tụng hình sự của các nước
Hội nghị thông báo nhanh Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) và Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng